HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá mặt hàng nhôm đùn ép và nhôm nhập cảng từ Việt Nam.
Tạp chí Kinh Tế Việt Nam hôm 6 Tháng Mười Một dẫn tin từ Cục Phòng Vệ Thương Mại thuộc Bộ Công Thương CSVN cho biết khoảng 14 công ty nhôm ở Việt Nam đã bị Liên Minh Nhôm, Thép, Giấy Và Lâm Nghiệp, Cao Su, Công Nghiệp, Năng Lượng, Liên Đoàn Lao Động Công Nghiệp và Dịch Vụ Hoa Kỳ cáo buộc bán phá giá. Thời gian điều tra từ 1 Tháng Tư đến 30 Tháng Chín, 2023.
Phía nguyên đơn cho rằng căn cứ số liệu của Hải Quan Mỹ, năm 2022, Việt Nam chiếm khoảng 7.6% tổng kim ngạch xuất cảng của các nước vào đây, đứng thứ tư trong số các quốc gia xuất cảng nhiều nhất vào Mỹ, sau Mexico, Colombia, Trung Quốc.
Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 41.84%, thấp hơn so với mức cáo buộc với ba nước xuất cảng cạnh tranh nhất của Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Ngoài ra, còn có các công ty xuất cảng nhôm khác cũng bị Mỹ điều tra.
Mỹ coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, nên sẽ sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá.
Trong vụ việc này, Mỹ đề nghị dùng Indonesia là quốc gia thay thế, do nước này có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và “có số lượng đáng kể các nhà sản xuất nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm.”
Mỹ là thị trường xuất cảng nhiều hàng hóa nhất của Việt Nam nên cũng đối diện nhiều nhất với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Trong số các nước đã kiện, tính đến hết năm 2022, Mỹ đã kiện Việt Nam tới 52 vụ việc phòng vệ thương mại, chiếm 23% tất cả các vụ kiện điều tra với hàng hóa từ Việt Nam.
Không riêng Mỹ, hàng hóa xuất cảng từ Việt Nam cũng bị các nước khác kiện hàng loạt, phần lớn bị cáo buộc bán phá giá. Nguyên do Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương với nhiều nước và khu vực, nên ngày càng đối diện với các vụ kiện tụng sau khi các hàng rào thuế quan được dần dần dỡ bỏ, hàng xuất cảng gia tăng.
Bộ Công Thương đưa ra con số thống kê nói rằng nếu kể tới cuối Tháng Sáu, các loại hàng hóa xuất cảng từ Việt Nam đã bị các nước khởi kiện tới 231 vụ, gọi chung là các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước nhập cảng nhằm bảo vệ các nhà sản xuất hàng hóa tương tự tại nước họ.
Không những hàng hóa từ Việt Nam bị kiện bán phá giá, một số loại hàng còn bị cáo buộc không phải là sản phẩm nội địa Việt Nam mà là hàng của nước khác “núp bóng,” cụ thể là Trung Quốc để tránh né thuế quan trừng phạt của Mỹ như đồ gỗ, sắt thép, quần áo… gọi chung là “lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.”
Tháng Tư vừa qua, trong một báo cáo gửi Quốc Hội, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư thú nhận xuất cảng hàng hóa của Việt Nam những năm qua đều phụ thuộc phần lớn vào các cơ sở sản xuất của giới tư bản nước ngoài. Còn các sản phẩm nội địa của Việt Nam thì “chậm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường.” Trước đó, Bộ Công Thương cũng báo cáo tương tự với Quốc Hội.
Cả năm 2022 Việt Nam xuất cảng các loại hàng hóa trị giá hơn $371 tỷ thì 74% là từ khối sản xuất công nghệ của các hãng xưởng ngoại quốc sản xuất tại Việt Nam để xuất cảng, lợi dụng giá nhân công rẻ mạt. Các con số thống kê ấn tượng giúp Hà Nội tuyên truyền mị dân nhưng lợi nhuận lại chui vào túi tư bản ngoại quốc. (Tr.N)