Saturday , October 5 2024

2 nhà hoạt động môi trường hắt súp lên bức họa của Vincent van Gogh

LONDON, Anh Quốc (NV) – Hai bức họa của bậc thầy người Hà Lan Vincent van Gogh tại Phòng Trưng Bày Nghệ Thuật Quốc Gia London bị phá hoại hôm Thứ Sáu, 27 Tháng Chín khi các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu ném thứ gì đó trông giống súp cà chua lên hai bức tranh. Hành động phá hoạt xảy ra chỉ vài giờ sau khi hai nhà hoạt động thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Just Stop Oil bị kết án ít nhất 20 tháng tù vì hành vi tương tự cách đây gần hai năm, theo CBS.

Hôm Thứ Sáu, các bức họa trong loạt tranh “Sunflowers” (Hoa Hướng Dương) của danh họa Van Gogh, được ông vẽ ở Arles thuộc miền Nam nước Pháp, không bị vấy bẩn nhờ lớp kiếng bảo vệ. Phòng trưng bày xác định hai tác phẩm là “Hoa Hướng Dương” của riêng họ từ năm 1888 và “Hoa Hướng Dương” từ năm 1889 được Bảo Tàng Nghệ Thuật Philadelphia cho mượn.

Ba nhà hoạt động – cũng thuộc tổ chức Just Stop Oil – dính líu tới vụ phá hoại hôm Thứ Sáu bị bắt giữ trong lúc nhân viên phòng trưng bày tháo các bức tranh xuống, kiểm tra và trả lại nguyên vị trí ban đầu. Phòng trưng bày cho biết triển lãm mở cửa lại vào tối Thứ Sáu.

Just Stop Oil đăng một đoạn phim quay lại vụ phá hoại lên mạng xã hội, cho thấy ba người liệng súp vào hai bức họa. Hành động này dường như nhằm phản đối bản án tuyên vào Thứ Sáu trước đó nhắm vào hai nhà hoạt động khác trong tổ chức, Phoebe Plummer, 23 tuổi và Anna Holland, 22 tuổi.

Plummer bị tuyên án hai năm tù còn Holland bị kết án tù 20 tháng trước đó cũng trong Thứ Sáu.

Tháng Mười 2022, Plummer và Holland liệng hai lon súp cà chua Heinz lên tác phẩm nghệ thuật tại Phòng Trưng Bày Quốc Gia London trước khi quỳ xuống trước tác phẩm. Sau đó, họ dán bàn tay của mình lên bức tường bên dưới bức tranh.

Theo Just Stop Oil, hai người này yêu cầu chính phủ Anh Quốc dừng tất cả đề án dầu khí mới.

Trong một bài viết trên X vào thời điểm đó, Just Stop Oil đổ lỗi cho tình trạng hỗn loạn kinh tế hiện nay và vấn nạn khủng hoảng khí hậu mà thế giới đang phải đối diện là do nhiên liệu hóa thạch, họ thẳng thắn hỏi: “Nghệ thuật có đáng giá hơn mạng người không? Đáng giá hơn cả thức ăn sao?”

Hai nhà hoạt động bị bồi thẩm đoàn kết tội phá hoại vào Tháng Bảy.

Trong lúc tuyên án hai nhà hoạt động hôm Thứ Sáu, Thẩm Phán Christopher Hehir cho biết tác phẩm nghệ thuật suýt “bị hư hại nghiêm trọng hoặc thậm chí là tiêu tùng.”

Hehir cũng là thẩm phán trong vụ xét xử Roger Hallam, đồng sáng lập Just Stop Oil và Extinction Rebellion, một tổ chức vận động bảo vệ môi trường khác, và kết án ông năm năm tù.

Hôm Thứ Sáu, Hehir nhắm vào Plummer.

“Rõ ràng là bà nghĩ rằng lúc nào bà muốn làm bậy làm càn thì làm,” Hehir nói. “Không dễ như vậy đâu.”

Plummer, ban đầu tự bào chữa sau đó nhận tội, phát biểu tại phiên tòa rằng bà sẽ “mỉm cười” chấp nhận khi tòa án đưa ra bất kỳ phán quyết nào.

Năm ngày sau bản án có tội của Plummer vào Tháng Bảy, bà bị bắt giữ vì phun sơn lên bảng khởi hành tại Phi Trường Heathrow.

Luật sư Raj Chada, người bào chữa cho Holland, cho biết hai người phụ nữ có kiểm tra xem tác phẩm “Hoa Hướng Dương” có được lộng kiếng hay không, trước khi liệng súp lên bức tranh.

Một số người ủng hộ Just Stop Oil tập trung bên ngoài tòa án, một số người cầm áp phích của những nhân vật lịch sử bị bỏ tù vì hoạt động.

Trong vài năm qua, Just Stop Oil giật dây hàng loạt trường hợp nguy hiểm đáng chú ý, trong đó có cả các sinh hoạt thể thao lớn và trong các hệ thống giao thông tại Anh Quốc. “Hoa Hướng Dương” là tác phẩm nghệ thuật thứ hai tại Phòng Trưng Bày Quốc Gia bị nhắm tới vào năm 2022, sau khi hai nhà hoạt động Just Stop Oil tự dán thân thể của họ vào “The Hay Wain” của John Constable.

Kiệt tác năm 1888 của Van Gogh, được họa tại Arles thuộc miền Nam nước Pháp, không bị hư hại trong vụ tấn công năm 2022 nhờ được lộng kiếng.

Tuy nhiên, khung tranh màu vàng thì bị hư hại với chi phí sửa chữa lên tới $13,000. Nhân viên bảo tàng lo ngại rằng súp có thể len lỏi vào bức tranh và gây ra thiệt hại không cách nào cứu vãn.

Tháng Sáu vừa qua, các nhà hoạt động Just Stop Oil phun một chất màu cam lên một số tảng đá cổ tại di tích Stonehenge trứ danh ở Anh Quốc. Một đoạn phim do Just Stop Oil công bố cho thấy hai nhà hoạt động chạy về phía những tảng đá thời tiền sử được tổ chức Di Sản Thế Giới thuộc UNESCO công nhận bằng một vật dụng nhìn giống như bình cứu hỏa rồi phun vào các tảng đá cổ đại, Just Stop Oil gọi đó là “bột sơn màu cam.” Sau vụ phá hoại, cảnh sát bắt giữ hai người. (TTHN)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *