SAN DIEGO, California (NV) – Cuộc sống tân tiến ngày nay dễ dàng đưa bạn đến tình trạng căng thẳng, lo lắng và hồi hộp kéo dài. Nó dần dần trở thành một điều không thể thiếu trong đời sống hằng ngày.
Căng thẳng hay những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng không phải hoàn toàn là xấu, bởi vì nó giúp bạn nhận thức được mối nguy hiểm, thúc đẩy bạn có sự chuẩn bị và tính toán rủi ro. Tuy nhiên, khi căng thẳng và lo lắng tái phát hằng ngày thì đây là thời điểm đến lúc bạn phải hành động trước khi nó chuyển thành lo âu mãn tính hoặc tệ hơn.
Để bảo đảm rằng sự lo lắng không được kiểm soát có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn, bạn nên thực hiện sáu thói quen dưới đây, theo trang mạng Healthline mới đây.
1. Vận động cơ thể
Tập thể dục thường xuyên không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất mà còn giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tinh thần của bạn.
Trong một cuộc nghiên cứu vào năm 2021 với sự theo dõi 400,000 người trong suốt 21 năm cho thấy, những người có lối sống năng động, thường xuyên tập thể dục có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu thấp hơn khoảng 60%.
Tác dụng của việc chống lo âu khi tập thể dục xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có việc chuyển sự chú ý của bạn khỏi điều gì đó khiến bạn lo lắng. Khi tập thể dục, nhịp tim tăng, làm thay đổi chất hóa học trong não để tạo thêm không gian cho các chất truyền tin não chống lo âu, như serotonin, gamma-aminobutyric acid (GABA) và endocannabinoids.
Theo Hiệp Hội Tâm Lý Hoa Kỳ (APA), tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường khả năng tập trung và ý chí.
2. Tránh xa rượu bia
Uống bia rượu lúc đầu có thể có tác dụng vì nó là thuốc an thần tự nhiên. Tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu của Trusted Source hồi năm 2019 xác nhận có mối liên hệ giữa sự lo lắng và việc uống bia rượu, cùng với chứng rối loạn lo âu.
Uống nhiều bia rượu cản trở sự cân bằng các chất truyền tin trong não, được gọi là chất dẫn truyền thần kinh, chịu trách nhiệm cho sức khỏe tâm thần tích cực. Sự can thiệp này tạo ra sự mất cân bằng, dễ dẫn đến một số triệu chứng lo lắng.
3. Ưu tiên ngủ đủ giấc
Từ lâu, giấc ngủ đã được chứng minh là một phần quan trọng để có một sức khỏe tinh thần tốt.
Mặc dù một cuộc khảo sát hồi năm 2018 với sự tham gia của 400,000 cho thấy gần 1/3 người lớn ở Mỹ ngủ ít hơn sáu tiếng mỗi đêm, Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) khuyến nghị chúng ta nên ngủ từ bảy tiếng trở lên mỗi ngày.
Bạn có thể ưu tiên giấc ngủ bằng cách chỉ ngủ vào ban đêm khi bạn mệt mỏi, không đọc sách hoặc xem TV trên giường, không sử dụng điện thoại trên giường trước khi đi ngủ. Đồng thời, bạn nên chú ý giữ cho phòng ngủ của mình được thoáng mát bằng cách mở cửa sổ vào ban ngày để không khí được lọc tốt hơn.
Ngoài ra, bạn nên tập thói quen đi ngủ cùng một thời điểm mỗi đêm để đồng hồ sinh học cơ thể làm quen với giấc ngủ.
4. Tập thiền
Tập thiền sẽ mang lại cho bạn cảm giác bình tĩnh và hài lòng với hiện tại, tăng khả năng chịu đựng mọi suy nghĩ và cảm xúc một cách chánh niệm nhất.
Một cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học từ JAMA Psychiatry hồi đầu năm 2023 cho thấy, nếu bạn thiền mỗi ngày trong suốt tám tuần liên tục, nó sẽ có tác dụng tương đương với thuốc chống trầm cảm Lexapro được các bác sĩ kê toa.
5. Uống trà cúc
Một tách trà cúc nóng trước khi đi ngủ là một phương thuốc phổ biến tại nhà để làm dịu thần kinh căng thẳng và giúp ngủ ngon hơn.
Các cuộc nghiên cứu từng cho thấy trà hoa cúc an toàn uống lâu dài và nó làm giảm đáng kể các triệu chứng chống lo âu nhưng không làm giảm đáng kể tỷ lệ tái phát.
Đặc tính chống lo lắng của hoa cúc xuất phát từ hoạt động của một loại flavonoid được gọi là apigenin, tham gia vào các thụ thể gamma aminobutyric acid (GABA), giúp đầu óc chúng ta được thư giãn như tác dụng của chính thuốc chống lo âu như Xanax.
6. Hạn chế thức uống có caffeine
Nếu bạn mắc chứng lo âu mãn tính, caffeine không phải là bạn của bạn vì caffeine có thể gây lo lắng và bồn chồn, làm trầm trọng thêm chứng rối loạn lo âu.
Trong một cuộc nghiên cứu của hai nhà khoa học Lisa Klevebrant và Andreas Frick hồi năm 2022, caffeine giúp làm tăng sự tỉnh táo bằng cách ngăn chặn chất hóa học adenosine trong não, đồng thời kích hoạt giải phóng adrenaline, có thể khiến bạn có cảm giác như bồn chồn.
Tất nhiên một lượng caffeine vừa phải là an toàn cho hầu hết mọi người nhưng nếu bạn đang tìm cách cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn caffeine, bạn nên bắt đầu bằng cách giảm dần nó từ từ. (YY) [qd]