SACRAMENTO, California (NV) – Có rất nhiều thông tin sai lệch về người vô gia cư ở California. Báo mạng CalMatters thu thập dữ liệu để xua tan một số lầm tưởng phổ biến.
Tình trạng vô gia cư là một trong những vấn đề nổi bật nhất, khó giải quyết nhất, và phân cực nhất mà California phải đối mặt hiện nay. Đây là một vấn đề gây tranh cãi mạnh mẽ, vì hình ảnh về những khu trại tồi tàn cũng đủ khiến nhiều người rơi nước mắt.
Nhưng đây cũng là một vấn đề chính trị gay gắt, với các nhà lãnh đạo tiểu bang và địa phương đang tranh cãi về cách tốt nhất để giải quyết khủng hoảng, trong khi phải đối mặt với áp lực gay gắt của cử tri.
Vì vậy, khi nói đến cuộc khủng hoảng vô gia cư, có rất nhiều ý kiến, thường là sai lầm.
Dưới đây là một số ngộ nhận phổ biến nhất về người vô gia cư, theo dữ liệu thống kê khoa học.
LẦM TƯỞNG 1: Hầu hết người vô gia cư đều từ nơi khác đến đây.
SỰ THẬT: Người ta thường nói rằng những người kém may mắn chuyển đến đây vì thời tiết đẹp và dịch vụ xã hội phong phú, nhưng dữ liệu cho thấy họ là cư dân California.
Theo một cuộc khảo sát quy mô lớn gần đây của cơ quan UCSF Benioff Homelessness and Housing Initiative về người vô gia cư, hầu hết người vô gia cư vẫn đang sống trong cùng một quận nơi họ bị mất nhà ở.
Cuộc khảo sát cho thấy 90% người vô gia cư là ở California (họ sống ở California trước khi trở thành vô gia cư) và 75% sống ở cùng quận nơi họ từng có nhà. Và 66% sinh ra ở California, trong khi 87% sinh ra ở Hoa Kỳ.
Dữ liệu địa phương cho thấy điều tương tự. Ví dụ, tại Santa Clara County, 85% số người được khảo sát trong năm 2023 cho biết họ là cư dân của quận khi họ trở thành người vô gia cư. Và 54% đã sống ở Santa Clara từ 10 năm trở lên.
LẦM TƯỞNG 2: Mọi người sống ngoài đường đều nghiện ma túy hoặc bị tâm thần.
SỰ THẬT: Những người sống ngoài đường có nhiều cơ hội nghiện hoặc mắc bệnh tâm thần hơn người thường, nhưng không phải ai cũng bị tình trạng này.
Khi được hỏi họ đã từng nhập viện do sức khỏe tâm thần chưa, 27% người vô gia cư trả lời có. Một phần ba từng tự tử. Và 23% từng bị ảo giác nặng, trong khi 25% bị hậu chấn tâm lý.
Về việc sử dụng ma túy, 56% người được khảo sát cho biết đã sử dụng amphetamine thường xuyên, 33% từng sử dụng cocaine thường xuyên và 22% từng sử dụng thường xuyên các loại thuốc phiện không toa.
Dữ liệu mới của Los Angeles County cho thấy kết quả tương tự – 24% số người được khảo sát trong năm nay bị tâm thần nghiêm trọng và 27% mắc chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện.
Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với người thường. Theo Tổ Chức Chăm Sóc Sức Khỏe California, chưa đến 4% người trưởng thành ở California mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng. Tỷ lệ mắc bệnh tâm thần cao hơn ở những gia đình có thu nhập dưới mức nghèo liên bang và ở những người bị vào tù.
Trong khi đó, 9% người dân California đáp ứng các tiêu chí về rối loạn sử dụng chất kích thích vào năm 2021, theo Tổ Chức Chăm Sóc Sức Khỏe California.
LẦM TƯỞNG 3: Hầu hết những người vô gia cư đều là cựu chiến binh.
SỰ THẬT: Cựu chiến binh chiếm tỷ lệ không cân đối trong cộng đồng vô gia cư ở California.
Nhưng nhờ nỗ lực lớn của chính phủ liên bang nhằm chấm dứt tình trạng cựu chiến binh vô gia cư trong thập kỷ qua, số lượng cựu chiến binh vô gia đã giảm đáng kể – từ gần 16,800 năm 2011 xuống gần 10,400 năm 2022.
Nhưng trong những năm gần đây, con số này đã tăng lên. Bình ổn. Những ngôi nhà do chính phủ tài trợ dành cho cựu chiến binh vô gia cư đang bị bỏ trống.
Giờ đây, những nỗ lực mới nhằm giải quyết tình trạng vô gia cư đang dành các nguồn lực đặc biệt cho cựu chiến binh. Dự Luật 1, một trái phiếu trị giá $6.4 tỷ được phê duyệt gần đây, hứa hẹn sẽ có 4,350 ngôi nhà mới cho người vô gia cư cần dịch vụ tâm thần và cai nghiện. Khoảng một nửa số ngôi nhà mới này sẽ được dành cho cựu chiến binh.
Số liệu năm 2023 của Santa Clara County thống kê được 508 cựu chiến binh vô gia cư – 5% tổng dân số vô gia cư của quận. Năm nay, San Francisco có 587 cựu chiến binh vô gia cư, chiếm 7% tổng dân số vô gia cư của thành phố.
LẦM TƯỞNG 4: Người vô gia cư không làm việc và không muốn làm việc.
SỰ THẬT: Một số người không nhà vẫn làm một hoặc nhiều việc, trong khi những người khác đang tìm việc làm.
Trong số người vô gia cư được UCSF khảo sát, 18% kiếm được thu nhập từ một công việc chính thức hoặc không chính thức (tạm thời) trong tháng qua.
Khi các nhà nghiên cứu loại bỏ người trên 62 tuổi hoặc bị khuyết tật thể chất hoặc tinh thần khỏi dữ liệu, tỷ lệ này cao hơn – 25% cho biết họ đang làm việc trong tháng qua.
Nhưng ngay cả với người đang có việc cũng không đủ tiền thuê nhà. Ví dụ, những người bán “fast food” có mức lương trung bình là $17.32/giờ ở California, nhưng họ cần kiếm được gấp đôi để thuê một căn nhà một phòng ngủ, theo Liên Minh Nhà Ở Thu Nhập Thấp Quốc Gia.
Điều đó không có nghĩa là người vô gia cư không cố gắng.
Trong những người được UCSF khảo sát, 44% đang tìm việc. Những người khác kiếm sống bằng những cách khác; 40% bán chai lọ hoặc các công việc vặt.
Nhiều người cho biết những trở ngại đối với đi làm làm hoặc tìm việc làm gồm: tuổi tác, khuyết tật, phương tiện di chuyển đến nơi làm việc, tiền án và khoảng thời gian họ mất để tìm thức ăn, nước uống và nơi ở, đồng thời bảo vệ đồ đạc của họ trên đường phố.
Tại San Francisco, 17% cư dân vô gia cư được khảo sát năm 2022 đang làm việc, trong khi 32% thất nghiệp và đang tìm việc làm, 32% không tìm việc và 20% không thể làm việc.
Mất việc làm cũng khiến nhiều người phải ra đường.
Tại San Francisco, 21% số người được khảo sát năm 2022 cho biết rằng mất việc là nguyên nhân khiến họ rơi vào tình trạng vô gia cư.
LẦM TƯỞNG 5: Những người vô gia cư không muốn có nhà ở.
SỰ THẬT: Giới chức thành phố đôi khi coi người vô gia cư là những người “chống đối dịch vụ” nếu họ từ chối chấp nhận nơi ở hoặc các dịch vụ khác. Nhưng các nhân viên tiếp cận cộng đồng cho biết thực tế phức tạp hơn nhiều.
“Rất nhiều người muốn vào bên trong, nhưng họ cũng muốn được đáp ứng nửa chừng,” bà Shaunn Cartwright, người đã làm việc với các cộng đồng vô gia cư ở San Jose nhiều năm, cho biết. “Tại sao tôi lại phải vào một ngôi nhà nhỏ để rồi sẽ bị tống ra đường? Hoặc tại sao tôi lại muốn vào một ngôi nhà nhỏ nếu sau đó không có nhà ở?”
Bà nói, những người khác sống ngoài đường bị rối loạn hậu chấn nghiêm trọng hoặc các tình trạng tâm thần khác nên không thể sống trong một nơi trú ẩn kiểu doanh trại, nơi hàng chục người ngủ san sát nhau. Nhiều nơi trú ẩn cũng cấm nuôi thú cưng, không cho các cặp ngủ cùng nhau hoặc không có chỗ để mọi người cất giữ đồ đạc của họ. Tất cả những hạn chế đó ngăn cản nhiều người chấp nhận chỗ ở.
Nhưng dữ liệu cho thấy rằng khi người ta có chỗ ở đáp ứng nhu cầu của họ, họ chấp nhận. Các thành phố và quận trên khắp California đã mở cửa khách sạn và nhà nghỉ cho người vô gia cư trong đại dịch COVID-19, thông qua chương trình Roomkey của tiểu bang. Đó là một ý tưởng mới vào thời điểm đó – cung cấp phòng riêng cho người vô gia cư, theo một phân tích gần đây của chương trình trên toàn tiểu bang.
Điều đó chứng tỏ rằng mọi người đều mong muốn được vào bên trong với những điều kiện thích hợp, bà Nichole Fiore, cộng tác viên chính của công ty nghiên cứu Abt Global, đồng tác giả phúc trình, nói với CalMatters. Bà cho biết những người trước đây đã từ chối nơi trú ẩn sẵn sàng thử Roomkey.
Bà Fiore nói: “Mọi người sẽ vào nhà nếu họ được quyền tự chủ, an toàn, riêng tư, nếu họ có thể giữ bạn đời, vật nuôi và tài sản của mình. Khi nhu cầu của họ được đáp ứng và nhu cầu của họ được xem xét, thì mọi người sẽ vào nhà.”
LẦM TƯỞNG 6: Nếu ai muốn giúp đỡ, cứ để thức ăn phía trước khu cắm trại của người vô gia cư.
SỰ THẬT: Để thức ăn tại một trại vô gia cư mà không hỏi trước xem họ muốn loại nào – hoặc họ có muốn ăn không – có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.
Bà Cartwright nói: “Bạn sẽ thấy những hộp thức ăn nằm ở một góc và bạn có thể đoán rằng ai đó đã đem đến nhưng đó không nhất thiết là thứ người ta quan tâm.”
Thức ăn thừa sẽ cứ ở đó và thối rữa, thu hút chuột, ruồi và khiến toàn bộ khu vực bốc mùi. Và thức ăn thối rữa có thể gây ra vấn đề rác thải của khu cắm trại, tạo lý do để chính quyền đến dọn trại, buộc người vô gia cư phải đi.
“Việc xả rác bất hợp pháp đã là một vấn đề lớn tại các khu vô gia cư,” bà Cartwright cho biết. “Đôi khi những người ở nhà gần đó mang rác đến trại vứt đi, khiến cư dân trong trại phải đối mặt với đống rác vốn chưa bao giờ là của họ.”
Nếu ai thực sự muốn giúp đỡ, bà Cartwright khuyên: “Cứ hỏi những người trong khu vực xem họ thích gì.” (ĐG) [qd]