HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một số người cho rằng nhiều hiện vật “Báu vật Champa” đang trưng bày tại Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia ở Hà Nội, là đồ giả.
Theo báo Dân Trí, sáng 28 Tháng Tám, tại Hà Nội, Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Báu vật Champa-Dấu ấn thời gian.”
Tại đây, giới hữu trách cho trưng bày thành hai phần: “Tượng và linh vật tôn giáo” và “Đồ trang sức và vật dụng mang biểu tượng tôn giáo và quyền uy hoàng tộc.”
Tuy nhiên, sau khi khai mạc, nhiều ý kiến trên mạng xã hội chỉ ra rằng có đồ giả trong trưng bày bảo vật Champa lần này.
“Cá nhân tôi không tin những hiện vật trong bộ sưu tập tư nhân này là ‘Báu vật Champa.’ Nó sao chép và chắp vá dựa trên các tượng đã công bố trong các thời kỳ khác nhau, ở các tiểu quốc khác nhau nhưng không có hiểu biết về nguyên lý chế tác kim hoàn. Cũng không có ‘thần’ trong các mẫu tượng tôn giáo. Champa là Champa nào?” nhà nghiên cứu Teresa Pham viết trên trang Facebook cá nhân.
Bà Teresa Pham cho rằng ngoài tượng nữ thần Dugra vừa được Mỹ trao trả cho phía Việt Nam có nguồn gốc và niên đại cụ thể, thì các hiện vật của Đào Danh Đức – một nhà sưu tập tư nhân và Hội Di Sản có chú thích mù mờ, không giám định niên đại chính xác, không ý kiến chuyên gia khảo cổ, cổ vật và chuyên gia kim hoàn uy tín…
“Về chất liệu vàng thời kỳ Lê Nguyễn có phù hợp? Về hoa văn và mẫu tự chạm khắc trên đồ trang sức rất rập khuôn với các mẫu của Đền Tháp còn hiện hữu tại Ninh Thuận thế kỷ 16-17 nhưng rất thô kệch. Nó không nối tiếp văn hoá Chăm thời kỳ trước đó ở các tiểu Vương quốc Vijaya, Panduranga, Amaravati, Kauthara và Indrapura. Về tạo hình tượng Phật, và linh vật tôn giáo không thể có cùng một thời điểm pha trộn cả Phật giáo, Shiva giáo, Hindu giáo…,” bà Teresa Pham dẫn chứng.
Trong khi đó, bày tỏ trên trang Facebook cá nhận, ông Philippe Trương – học giả độc lập, chuyên gia tư vấn, tổng thư ký Hiệp Hội Gốm Sứ Phương Đông của Pháp SFECO, viết: ” ‘Kho báu Champa,’ triển lãm Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia Việt Nam (Hà Nội), bê bối thật với những tác phẩm điêu khắc giả, bị phản đối quá kinh khủng… Đây là một sự xúc phạm đến nền văn minh Champa thông minh! Cái gọi là bảo tàng lớn nhất Việt Nam sao dám thể hiện kinh dị như vậy! Tôi xấu hổ! Tôi đang bị phẫn nộ!”
Trả lời báo VietNamNet, ông Nguyễn Văn Đoàn, giám đốc Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia, “bất ngờ” vì lần nào trưng bày kết hợp với nhà sưu tập tư nhân “đều có ý kiến ra vào.”
Theo ông Đoàn, để có một trưng bày, các nhà nghiên cứu phải làm việc trong thời gian rất dài nên “không hiểu người ta căn cứ vào đâu để nói các hiện vật là đồ giả.”
“Mục tiêu của trưng bày có sự tham gia của các đơn vị tư nhân nhằm tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa. Chủ trương của đảng và nhà nước mong muốn xã hội hoá trong trưng bày, nhằm đa dạng hiện vật cũng như để tư nhân tham vào những hoạt động ý nghĩa. Chúng tôi phải nghiên cứu rất lâu mới quyết định trưng bày, không hiểu sao nhiều người chỉ nhìn qua ảnh đã nói là hiện vật giả,” ông Đoàn cho biết.
Để xoa dịu công luận, ông Đoàn cho biết thêm bảo tàng đã hợp tác với các chuyên gia như Tiến Sĩ Phạm Quốc Quân, Tiến Sĩ Nguyễn Đình Chiến… “toàn những chuyên gia nổi tiếng nghiên cứu về Champa và cổ vật” để nghiên cứu và đánh giá hiện vật, sau đó tiếp tục đánh giá bằng các biện pháp khoa học như xét nghiệm, xác định niên đại… (Tr.N)