Trà Nhiên/Người Việt
GARDEN GROVE, California (NV) – Liên Hiệp Ngành Móng Tay Lành Mạnh California (CA Healthy Nail Salon Collaborative – CHNSC) tổ chức các đợt gọi điện thoại vận động và hướng dẫn cử tri bỏ phiếu để tạo tiếng nói cho cộng đồng người Việt trong kỳ bầu cử vào ngày 5 Tháng Mười Một.
CHNSC là một tổ chức bất vụ lợi thành lập từ năm 2005 đấu tranh cho sức khỏe, môi trường, công lý cho việc sinh sản, và một số vấn đề công lý xã hội cho người có thu nhập thấp, phụ nữ, người nhập cư và tị nạn gốc Việt.
Không chỉ là một tổ chức hỗ trợ quyền lợi cho người nhập cư, CHNSC còn tích cực ủng hộ tiếng nói của người Mỹ gốc Việt bằng các cách thức vận động khác nhau, trong đó có chương trình vận động cử tri.
Ông Vũ Nguyễn, phụ trách hoạt động công dân của CHNSC, cho biết tổ chức bắt đầu tham gia vận động cử tri từ năm 2016.
“Hiện giờ chúng tôi có khoảng 10 người gọi điện thoại hoặc vận động cử tri đi bầu, hướng dẫn cho người gốc Việt cách thức bỏ phiếu cũng như các chính sách có lợi cho cư dân,” ông Vũ nói.
“Những người gọi điện thoại đa phần là các cô chú nghỉ hưu, các anh chị làm trong ngành nail, có các bạn sinh viên từ đại học UC Berkeley và đại học Cal State San Francisco hỗ trợ,” ông thêm.
Ông Vũ cũng cho biết CHNSC có văn phòng đại diện ở Oakland (Bắc California) và ở Garden Grove (Nam California).
Các dịch vụ, các nguồn thông tin, và quyền lợi công bằng lao động, cũng được cập nhật trên trang web của Liên Hiệp Ngành Móng Tay Lành Mạnh California: www.cahealthynailsalons.org/
Chống tin giả và cải thiện lòng tin
Cô Nina Hồ, điều phối viên truyền thông của CHNSC, hân hoan chia sẻ rằng năm sau là kỷ niệm 20 năm CHNSC thành lập.
“Có thể CHNSC là tổ chức Việt Nam duy nhất hoạt động mạnh mẽ trong việc đấu tranh công bằng lao động cho người tị nạn, người nhập cư, và phụ nữ gốc Việt thuộc ngành thẩm mỹ,” cô tự hào nói.
Cô Nina cho biết có nhiều tin tức sai lệch và tin giả xuất hiện tràn lan Internet khiến cho quá trình tiếp cận và hướng dẫn cử tri thêm khó khăn.
Cô Nina cũng phụ trách về cập nhật các thông tin và số liệu của mạng xã hội để nghiên cứu cách tiếp cận cử tri nhằm chống nạn tin giả trên Internet.
“Sứ mệnh của CHNSC là làm việc với các cô chú và làm việc vì các cô chú,” cô nói.
Cô Julie Võ, thành viên cố vấn của CHNSC, con gái một gia đình thợ nail, quyết định tham gia các công việc vận động cử tri vì nhận thấy cộng đồng xứng đáng biết được các chính sách, các quyền lợi để bảo vệ cho bản thân và gia đình.
“Tại CHNSC, chúng tôi tạo một không gian an toàn cho cử tri để họ có thể thoải mái kể câu chuyện của chính họ. Và qua đó chúng tôi cũng biết được rằng cộng đồng mất lòng tin vào dân cử đương nhiệm và các cuộc bầu cử,” cô Julie cho biết.
“Cử tri mất lòng tin và thậm chí không muốn đi bầu năm nay vì các dân cử không làm được gì hữu ích cho cộng đồng, không mang ngân sách về địa phương qua những chính sách thiết yếu mà trái lại cứ mãi đấu đá nhau,” cô nói một cách bất bình.
Cô nhấn mạnh rằng mục đích các nỗ lực vận động cử tri của các tổ chức là để tạo sức mạnh cộng đồng. Vì thế, cử tri phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình và các ứng cử viên cũng phải có trách nhiệm với lòng tin của người dân.
“No Vote, No Voice”
Do rào cản ngôn ngữ nên người dân thường tin và nghe các thông tin sai lệch trên mạng xã hội cụ thể là Facebook và Youtube, vô tình cổ xúy tin giả phát triển, xuyên tạc tin chính thống.
Bà Vân Đặng, chuyên viên vận động hoạt động công dân của CHNSC, chia sẻ: “Đa số người nhập cư và các cô chú lớn tuổi bị trở ngại về ngôn ngữ nên tổ chức chúng tôi hỗ trợ các dịch vụ chú trọng vào chính sách và quyền lợi cho người trong ngành nail và ngành thẩm mỹ.”
“Một số người còn không biết là mình có quyền bầu cử, và cũng chả biết phải ghi danh bầu trước mới được đi bỏ phiếu,” bà Vân kể.
Bà cũng cho biết các thử thách của việc vận động cử tri rằng tâm lý người gốc Việt không tin tưởng vào bầu cử vì họ còn quen cách sống và dư âm bên Việt Nam.
Bà kể một số người nhận được điện thoại thì tiếp nhận và lắng nghe, nhưng cũng có một số cử tri e ngại hơn, không nghe điện thoại hoặc nghe nhưng phản ứng tiêu cực.
“Chúng tôi nói chuyện với những người nhập cư gốc Việt mới biết họ vẫn còn suy nghĩ là một lá phiếu không thay đổi được gì. Nhưng đây là suy diễn sai vì mình là cộng đồng thiểu số, nếu không đi bầu là mất luôn quyền lợi,” bà Vân nói.
“‘No Vote, No Voice,’ không đi bầu thì không có tiếng nói,” bà Vân nhấn mạnh. [đ.d.]
—
Liên lạc tác giả: [email protected]