Saturday , October 5 2024

Cách thương nhớ người anh qua ‘đau thương’ của một gia đình Việt Nam

Tommy Vinh Bùi (Chuyển ngữ: Thiện Lê/Người Việt)

Sự thương tiếc không biết vì sao vừa là chuyện bình thường, vừa là chuyện được né tránh trong gia đình, hay được người này chuyền cho người khác. Ai cũng dị ứng dữ dội với sự thương tiếc và tìm mọi cách để né tránh và truyền đạt điều đó qua một người đang đau buồn khác. Đó là một sinh hoạt quan trọng trong gia đình tôi.

Anh trai tôi là Bruce, bỏ gia đình đi hơn hai thập niên, không chỉ rời khỏi nhà mà còn rời khỏi tiểu bang, đi xuyên nước Mỹ đến tiểu bang Tennessee, để lại nhiều vết thương tâm lý lại phía sau. Anh trai tôi rời khỏi một đất nước cộng sản độc tài khi mới 7 tuổi, sau đó lần nữa bỏ chạy khỏi một gia đình ngột ngạt khi 18 tuổi, tạo ra một chỗ trống trong tình anh em khi tôi lớn lên.

Người Việt Nam tạo ra nhiều ranh giới và lễ nghi liên quan đến sự thương tiếc. Màu trắng là màu của sự thương tiếc và tang lễ. Bàn thờ của người đã ra đi có nhiều nhang và đồ cúng. Mọi thứ lúc nào cũng trang nghiêm và đúng quy tắc.

Nhưng có cách nào đó không hay thể hiện nỗi đau vì sự mất mát hay không? Cha mẹ tôi di tản đến miền Nam California vào thập niên 1980 và sinh tôi tại đây. Tuy chung quanh tôi là nhiều thứ quen thuộc đối với tuổi thơ của người Việt Nam nhập cư, nhưng tôi không thể nào phủ nhận mình bị Mỹ hóa từ lúc còn nhỏ. Chung quanh tôi còn có những thứ như trò chơi điện tử Nintendo, ngũ cốc Cheerios và phim hoạt họa của Hanna-Barbera, là những thứ có vẻ như xa lạ với các anh chị là người tị nạn của tôi. Điều đó làm tôi không biết cách thể hiện sự thương tiếc cho người anh quá cố có văn hóa hoàn toàn khác biệt với tôi.

Anh là một hình bóng luôn hiện diện trong tuổi thơ của tôi. Anh truyền đạt cho tôi sự ham thích học hành và quý sách vở như tôn sùng từ lúc còn rất nhỏ. Anh còn dạy tôi sống như quân đội, bắt tôi tìm nhiều từ trong từ điển trong khi anh cầm đồng hồ để canh giờ. Anh lúc nào cũng kiểm tra bài vở của tôi kỹ đến mức không thể tin được. Học giỏi lúc nào cũng là thứ quan trọng nhất và chúng tôi phải bỏ nhiều mồ hôi, nước mắt, và máu cho điều đó. Cho đến hôm nay, trong công việc hằng ngày là thủ thư, tôi vẫn thấy rõ được ánh mặt nghiêm nghị của anh trong từng dòng chữ khi mở những cuốn từ điển.

Nhận được tin anh qua đời đột ngột vì đau tim khi mới 40 tuổi làm tôi rất chấn động. Tại thời điểm đó, tôi và anh trai ít liên lạc với nhau, và những lần tiếp xúc với nhau đều cứng nhắc, nhưng không có nghĩa là thiếu tình thương. Con đường của hai anh em chỉ đi hướng khác nhau trong nhiều năm, và sự liên lạc giữa hai người chỉ còn là những tin nhắn miễn cưỡng vào ngày lễ. Quan hệ giữa chúng tôi không bao giờ lịch thiệp trước khi xa rời nhau, mà đầy sự cọ xát, sự cô lập và buông xuôi.

Tôi không biết cuộc sống của anh tại phía bên kia của nước Mỹ ra sao, chỉ biết anh hút thuốc như ống khói. Tàn thuốc chất đống cao ngất ngưởng trong gạt tàn là một ký ức mà tôi lúc nào cũng nghĩ đến. Và có thể anh uống rượu quá nhiều, còn để công việc tạo ra quá nhiều căng thẳng. Những yếu tố đó là một phần của bệnh tim mạch là lý do làm người gốc Việt qua đời nhiều thứ nhì ở Hoa Kỳ. Đó là một thông tin nhỏ mà tôi biết được quá muộn sau khi anh qua đời.

Đến nay, tôi vẫn không biết đúng cách để thể hiện sự thương tiếc. Tôi không tìm được sách hướng dẫn nào để tìm được cách đúng đắn thật nhanh dưới sự giám sát chặt chẽ của anh. Trong gia đình, cho đến nay, mọi người vẫn chưa nói chuyện về cái chết của anh. Người Việt Nam tin vào tâm linh và thế giới bên kia, nhưng linh hồn của anh thì sao? Anh sẽ hiện hồn về Nam California với những người còn lại trong gia đình hay về bờ sông Thu Bồn nơi anh sinh ra, hay hiện về Tennessee, ngôi nhà cuối cùng trước khi anh rời khỏi cõi đời? Anh sẽ hiện hồn về nhưng nơi nào ngoài suy nghĩ mỗi ngày của tôi và sự trầm ngâm đầy hối hận của tôi?

Tôi không biết linh hồn của anh có đọc bài truy điệu này không? Linh hồn có mạng internet hay có cách nào bắt sóng wi-fi không? Tôi nghĩ có lẽ cách thể hiện sự đau thương vừa lòng nhất là cách nên được thể hiện sớm khi anh vẫn còn sống. [đ.d.]

Tommy Vinh Bùi là một thủ thư và sinh viên tiến sĩ. Anh từng làm thiện nguyện cho Đoàn Hòa Bình (Peace Corps) ở Trung Á vào năm 2018 và 2019. Anh cũng là nghiên cứu sinh về chinh sách văn hóa nghệ thuật Los Angeles cho thành phố Inglewood. Tác phẩm của anh được trưng bày tại triển lãm “Vietnam Trong Chuyển Tiếp, 1976 – Hiện Tại” của viện bảo tàng Wende Museum ở Culver City, về sự đan xen giữa nghệ thuật, lịch sử và ký ức từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *