*Chuyện Vỉa Hè
*Đặng Đình Mạnh
Truyền thông chính thức thuộc chính quyền trong nước cho biết: Ngày 10 Tháng Chín 2024, Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hà Nội vừa xét xử và tuyên phạt ông Hoàng Tùng Thiện, 6 năm tù giam về tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Hành vi của ông ấy bị cáo buộc là tội phạm được nêu trong bản Cáo trạng như sau: Từ Tháng Mười 2023, ông đã lập các trang web “Ước mơ Việt” (uocmoviet.net) và “Đảng Đoàn” (dangdoan.org) để đăng tải các bài viết, quan điểm của mình được cho là nhằm “tuyên truyền đa nguyên về chính trị và đa đảng tại Việt Nam”. Không chỉ thế, ông ấy cũng có ý định sáng lập một đảng chính trị mới, lấy tên là Đảng Lạc Hồng để cạnh tranh với Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Thật ra, việc kêu gọi cải cách chính trị trong nước theo hướng thực hiện đa nguyên, đa đảng, cho phép thành lập các tổ chức, đảng phái chính trị khác hoạt động bên cạnh Đảng Cộng Sản xuất hiện khá phổ biến từ trong nước. Vì đó là nhu cầu bức bách của thực tế xã hội.
Thế nhưng, cung cách xử lý của chế độ Cộng Sản trong nước không nhất quán, có trường hợp chỉ bị phê phán như 72 tác giả của bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, đứng đầu là cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc. Khi ấy, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản không chấp thuận và đã lên tiếng phê phán trong một cuộc gặp cử tri.
Tuy nhiên, trong khá nhiều trường hợp tương tự như vậy đã bị đánh giá nghiêm trọng đến mức khởi tố hình sự với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” của Bộ Luật Hình Sự để tuyên mức hình phạt rất nặng đối với các nghi can. Mức cao nhất có thể lên đến 20 năm tù giam, chung thân hoặc tử hình.
Thật ra, cáo buộc tội danh nào đi nữa, đánh giá về khía cạnh pháp lý đều cho thấy sự bất công và tùy tiện của chế độ khi cho tuyên những bản án ấy.
Vì lẽ, hiện nay không có bất kỳ điều khoản nào của luật pháp trong nước cấm đoán việc thành lập đảng phái chính trị mới hoặc vận động thực hiện đa nguyên và đa đảng về chính trị cả. Thậm chí, điều khoản thường xuyên được Đảng Cộng sản Việt Nam viện dẫn, như là điểm tham chiếu pháp lý cho quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội nêu tại điều 4 Hiến pháp 2013, cũng không quy định quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản.
Đồng thời, tham chiếu nguyên tắc pháp lý rằng công dân có thể làm điều mà luật pháp không cấm. Theo đó, ông Hoàng Tùng Thiện có ý định thành lập một đảng phái chính trị và vận động thực hiện đa nguyên và đa đảng về chính trị là hoàn toàn hợp pháp. Kể cả hợp hiến, vì lẽ, ông ấy chỉ đang thực hiện các quyền tự do của công dân theo Hiến pháp quy định, bao gồm các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội mà thôi.
Không chỉ thế, các hành vi của ông Hoàng Tùng Thiện cũng phù hợp với Công Ước Quốc tế các Quyền Tự Do Và Chính Trị 1966 (ICCPR) mà chính quyền Việt Nam đã từng ký kết tham gia vào năm 1982. Do đó, chính quyền Việt Nam có nghĩa vụ phải tôn trọng.
Thế nên, việc chính quyền Việt Nam bắt giữ, cáo buộc rồi xét xử ông Hoàng Tùng Thiện về những hành vi vừa nêu theo tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” của Điều 117 Bộ luật Hình sự là hoàn toàn bất hợp pháp, bất hợp hiến. Không chỉ thế, mà còn vi phạm Công ước quốc tế mà Việt Nam đã từng ký kết tham gia.
Được biết, trong các kỳ kiểm định nhân quyền thường niên do Liên Hiệp Quốc tổ chức, trước các cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền phổ biến, tràn lan của nhiều quốc gia và tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, chế độ Cộng Sản Việt Nam thường xuyên lên tiếng bác bỏ.
Thế nhưng, trong thực tế, với vụ án xét xử mới nhất có liên quan đến ông Hoàng Tùng Thiện, một nhà hoạt động vận động cải cách chính trị một cách ôn hòa đã chứng minh cho các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với chế độ Cộng Sản Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.
Cho thấy, bên cạnh thực trạng người dân Việt Nam tiếp tục là những nạn nhân xấu số của chế độ Cộng Sản chủ trương đường lối cai trị độc tài, tước đoạt các quyền tự do căn bản, cùng với các giá trị dân chủ, nhân quyền, thì việc Việt Nam tiếp tục được bầu làm thành viên của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc chẳng khác nào là một sự nhạo báng nhân quyền ở cấp độ toàn cầu.
DC, ngày 17 Tháng Chín 2024
Đặng Đình Mạnh