*Chuyện Vỉa Hè
*Đặng Đình Mạnh
Trong bài diễn văn đọc trước cử tọa trường Đại học Columbia, Hoa Kỳ vào sáng ngày 23 Tháng Chín 2024 của ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch nước, tại phân đoạn cuối nói về giáo dục thế hệ trẻ, có câu: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, cũng luôn nhấn mạnh tầm nhìn “vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Trích dẫn ý tưởng “vì lợi ích trăm năm trồng người” gắn liền với danh tính ông Hồ Chí Minh, theo đó, ông Tô Lâm mặc nhiên cho rằng ông Hồ Chí Minh được xem như là tác giả, mà ý tưởng đầy đủ là “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Không chỉ ông Tô Lâm, nếu bây giờ chúng ta đặt từ khóa “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” vào ô tìm kiếm của trang Google, thì chưa đầy một giây sau, cái trang web ấy sẽ cho bạn khoảng hơn 15 vạn kết quả mà đa phần trong số đó cũng đều cho rằng ông Hồ Chí Minh là tác giả.
Trong số ấy, có trang <xaydungdang.org.vn> khẳng định nguồn gốc hai câu ấy được ông Hồ Chí Minh dùng mở đầu bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc ngày 13-9-1958. Sau đó, được đăng trên báo Nhân Dân số 1645, ngày 14-9-1958.
Tương tự, trang <tapchicongsan.org.vn> đăng lá thư của ông Nguyễn Phú Trọng gởi cho Hội Khuyến Học Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập của hội này, thư có đoạn viết “…Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, Đảng và Nhà nước ta luôn hết lòng chăm lo …” (trích).
Thậm chí, hai câu nêu trên đã trở thành đề thi trong các trường học, kể cả các trường trung hay cao cấp về chính trị …
Đến mức đó, thì có vẻ công chúng dễ cho rằng kết quả do trang Google cung cấp là chân lý, không thể là vấn đề cần phải bàn cãi nữa.
Tuy vậy, nếu bạn thay 2 câu trên bằng 2 câu có ý nghĩa tương đương “Kế 10 năm, chi bằng trồng cây. Kế trọn đời, chi bằng trồng người” thì bảo đảm rằng sẽ cho ra một cái tên tác giả khác hẳn: Quản Trọng.
Quản Trọng là một bậc kỳ tài. Sách ngày nay viết về ông như một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc và cũng là một triết gia. Ông sinh năm – 725 (TCN) và mất năm – 645 (TCN). Ông là tể tướng nước Tề thời Xuân Thu. Với tài năng của mình, ông đã giúp nước Tề trở nên hùng mạnh bậc nhất trong thời điểm ấy.
Tư tưởng của ông về xây dựng nhân lực cho quốc gia thường được nhắc như sau :
Nhứt niên chi kế mạc như thụ cốc,
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc.
Chung thân chi kế mạc như thụ nhân,
Nhứt thu nhứt hoạch giả, cốc dã.
Nhứt thu thập hoạch giả, mộc dã,
Nhứt thu bách hoạch giả, nhơn dã.
Dịch nôm :
Kế một năm, chi bằng trồng lúa,
Kế 10 năm, chi bằng trồng cây.
Kế trọn đời, chi bằng trồng người,
Trồng một, gặt một, ấy là lúa.
Trồng một, gặt mười, ấy là cây,
Trồng một, gặt trăm, ấy là người.
Xem ra, tư tưởng “trồng người” của ông Hồ Chí Minh và tư tưởng “thụ nhân” của ông Quản Trọng bên Tàu là hết sức gần gũi, nếu không muốn nói là trùng khớp. Rõ ràng, việc sống cách xa nhau về địa lý, về tuổi tác (cách nhau 2,615 năm tuổi), nhưng điều đó không hề ngăn cản sự gặp nhau giữa hai tư tưởng lớn. Hoặc là một sự “cầm nhầm” lịch sử?
Dĩ nhiên, là sự “cầm nhầm” lịch sử và cũng chẳng có gì sự gần gũi về tư tưởng ấy cả, giữa ông Quản Trọng, tác giả và ông Hồ Chí Minh, kẻ hậu sinh sử dụng câu nói ấy. Rất có thể, ông Hồ Chí Minh đã từng sử dụng câu nói ấy trong quá trình diễn thuyết của mình nhưng không nêu danh tính tác giả Quản Trọng, khiến cho các đồ đệ của mình nhầm tưởng rằng chính ông Hồ Chí Minh là tác giả.
Mặt khác, ông Hồ Chí Minh cũng không hề lên tiếng đính chính, làm kéo dài sự hiểu nhầm đó, ít nhất từ năm 1958 cho đến tận ngày nay, và ông Tô Lâm, một nguyên thủ quốc gia lại tiếp tục “bê” sự “cầm nhầm” đó vào tận thánh đường học thuật Hoa Kỳ, Đại học Columbia để truyền bá.
Chúng ta không thể tự hỏi, người gây hiểu nhầm là ông Hồ Chí Minh đã là người thiên cổ, nhưng 5,2 triệu đồ đệ đảng viên Cộng sản của ông ấy, không ai biết tác giả 2 câu nói ấy? Hoặc biết mà vẫn cố ý im lặng để tiếp tục sự “cầm nhầm” lịch sử ấy chăng?
DC, ngày 26 Tháng Chín, 2024.
Đặng Đình Mạnh