Friday , October 4 2024

Chủ nhà người thiểu số vẫn gặp nhiều khó khăn để trả tiền nhà

Thiện Lê/Người Việt

SAN FRANCISCO, California (NV) – Trong thời buổi hiện nay, nhiều chủ nhà đang gặp khó khăn, và đa số là người thiểu số. Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức hội thảo hôm Thứ Năm, 2 Tháng Mười Một, để nói về những cách giúp đỡ nhiều chủ nhà thiểu số.

Nhiều chủ nhà đang được giúp đỡ bằng Chương Trình Trợ Cấp Tiền Nhà California, bắt đầu từ cuối năm 2021 và mở rộng đến năm 2023. Chương trình đó cung cấp hàng triệu đô la cho mấy ngàn chủ nhà đang gặp khó khăn, đa số là người thiểu số.

Tuy nhiên, khi chương trình đó hết chi phí, sẽ có nhiều chủ nhà gặp nguy cơ mất nhà hơn trước vì họ phải trải qua nhiều khó khăn để giữ căn nhà của người thân sau khi những người đó qua đời, trả tiền nợ nhà “xác chết” tưởng như đã trả hết nhưng vẫn còn đó, và chi phí tài chánh cho chương trình đánh giá tài sản qua năng lượng sạch (PACE).

Các chuyên gia của buổi hội thảo nói về những khó khăn nói về những khó khăn đó và những cách để giúp chủ nhà có thể vượt qua nguy hiểm, và còn có một số chủ nhà chia sẻ câu chuyện của họ về những khó khăn để giữ căn nhà của gia đình để lại.

Diễn giả đầu tiên là ông Joe Jaramillo, luật sư của tổ chức Bảo Vệ Quyền Kinh Tế và Nhà Ở (HERA).

Ông cho biết có ba khó khăn mà chủ nhà thường gặp là giữ nhà của gia đình sau khi cha mẹ hay ông bà qua đời; chương trình năng lượng sạch PACE có thể làm nhiều chủ nhà gặp nguy hiểm nếu không trả tiền nợ của chương trình này; và tiền nợ nhà “xác chết,” có nghĩa là những khoản tiền tưởng như đã trả hết nhưng vẫn còn đó và làm nhiều người có thể mất nhà.

Theo ông, tiểu bang đang có hơn 23,000 chủ nhà được trợ giúp bằng Chương Trình Trợ Cấp Tiền Nhà California, và muốn đưa thông tin đến những chủ nhà người thiểu số để giúp họ tránh bị tịch thu nhà.

Sau đó, ông giải thích rõ về từng khó khăn, đầu tiên là giữ nhà của người thân đã qua đời, gây nhiều vấn đề nhất nếu họ không để lại di chúc. Điều đó làm chủ nhà phải ra tòa để chứng minh về kế thừa tài sản, sau đó tốn các chi phí pháp lý, gặp nhiều rào cản về dịch vụ pháp lý làm nhiều người không biết phải làm gì trong khi họ phải trả thuế đất, bảo hiểm và tiền nợ nhà.

Cộng đồng gốc Phi Châu và Latino thường gặp khó khăn này vì không có tài sản để đối đầu với những nguy hiểm do đại dịch COVID-19 gây ra, không trả tiền nợ nhà kịp, có thể dẫn đến cảnh nhà bị tịch thu.

Khó khăn thứ hai ông giải thích là chương trình PACE, làm nhiều người bỏ tiền vào pin mặt trời hay nhiều nguồn năng lượng sạch khác mà không cần mượn tiền, sau đó trả lại bằng cách đưa số tiền đó vào thuế đất. Điêu đó có nghĩa là nếu không trả lại được số tiền đó, nhiều người có thể bị tịch thu nhà và có thể bị chính chương trình PACE kiện. Chương trình đó còn làm thuế đất tăng vọt, khiến nhiều chủ nhà không trả nổi.

Cuối cùng là những khoản tiền nợ nhà “xác chết,” là tiền nợ do công ty cho vay mượn tiền chia ra thành mấy phần, làm nhiều chủ nhà không biết đến những khoản nợ đó.

Lãi suất của nợ “xác chết” khoảng 9% hoặc cao hơn, còn có thêm những khoản tiền lớn phải trả khi đến giai đoạn cuối. Nhiều chủ nhà khai phá sản để xóa hết nợ, nhưng không ngờ còn có những khoản tiền nợ bí mật này vì không có thông tin gì từ công ty vay mượn.

Diễn giả thứ hai là bà Rebecca Franklin, chủ tịch tổ chức Tài Chánh Nhà Ở California (CalHFA), nói về chương trình trợ giúp chủ nhà của tổ chức này.

Bà cho biết chương trình của CalHFA giúp nhiều chủ nhà có một khởi đầu mới sau đại dịch COVID-19, trợ cấp cho họ đến $80,000, còn giúp họ trả tiền nợ nhà bị thiếu vì bị bệnh hay mất việc làm hay chăm sóc người thân.

Theo bà, mục đích của CalHFA là giúp nhiều người giữ tài sản do thế hệ trước để lại, và hiểu họ có thể nghi ngờ khi nghe được trợ cấp đến $80,000 mà không cần phải trả lại. Vì đó là căn nhà nhiều người lần đầu mua, sau đó để con cháu sinh sống ở đó, để lại cho thế hệ sau, nên bà Franklin khuyến cáo chủ nhà nên tìm đến CalHFA và tin tưởng vào tổ chức này.

Diễn giả tiếp theo là bà Johanna Torres, người điều phối chương trình của tổ chức Hỗ Trợ Pháp Lý Vùng Hẻo Lánh California (CRLA), cùng thân chủ là ông Saul de la Cruz.

Bà Torres cho biết một vấn đề cần chú ý đến là không đủ người giải thích về những dịch vụ về trả tiền nhà cho chủ nhà, về giai đoạn tạm ngưng trả tiền nợ nhà. Giai đoạn không cần phải trả tiền sắp chấm dứt, và nhiều người đang gặp khó khăn để tiếp tục trả.

Tuy Chương Trình Trợ Cấp Tiền Nhà California vẫn hoạt động, nhưng nhiều người chỉ nói tiếng Tây Ban Nha không hiểu rõ về những dịch vụ mình có thể nhận được.

Sau đó, ông Saul de la Cruz kể câu chuyện của gia đình, cho biết họ là người Mexico, đến Hoa Kỳ để tìm cuộc sống tốt hơn, và đầu tư vào một căn nhà ở Salinas thuộc Monterey County ở Bắc California.

Họ nhờ giúp đỡ và được giúp để trả hai khoản tiền nợ nhà, sau đó gặp một số khó khăn và đòi thay đổi cách trả nợ, nhưng bị công ty vay mượn gây ra nhiều trở ngai, khiến ông phải nhờ giúp đỡ về pháp lý.

Vì vậy, bà Torres cho biết đó là một vấn đề thường thấy. Các công ty cho vay mượn chỉ quan tâm đến tiền mà không cấp cho người mượn tiền những thông tin quan trọng về số tiền nợ mà họ phải trả.

Hai diễn giả cuối cùng là bà Mary Day, luật sư của HERA, và thân chủ Danny Bishop.

Bà Day cho biết một công việc của mình là giúp đỡ nhiều người giữ nhà trong những thời điểm khó khăn, và làm việc với ông Bishop trong hơn một năm vừa qua.

Bà cho hay ông sống ở Richmond, bị thành phố phạt $56,000 vì nhà không tuân thủ quy định, và còn có thêm một số tiền phạt khác lên đến $20,000. Tuy nhiên, ông chỉ nhận được tiền từ Chương Trình Trợ Cấp Tiền Nhà California có $20,000 tối đa.

Nhưng sau khi HERA làm việc với thành phố Richmond, họ nhận ra mình phạm sai lầm và giảm tiền phạt xuống còn khoảng $30,000, và tiền trợ cấp của tiểu bang được tăng lên đến $80,000.

Ông Bishop cho biết Chương Trình Trợ Cấp Tiền Nhà California rất quan trọng trong quá trình này, giúp ông vượt qua nhiều khó khăn. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *