Sunday , November 3 2024

Có thật từ bỏ tư duy, ‘không quản được thì cấm’?

Chuyện Vỉa Hè

Đặng Đình Mạnh

Trong bài diễn văn đọc trước Quốc Hội CSVN ngày 21 Tháng Mười, 2024, ông Tô Lâm, tổng bí thư đảng Cộng Sản được truyền thông trong nước dẫn lời đã nói rằng cần “từ bỏ tư duy ‘không quản được thì cấm.’”

Thoạt nghe, công chúng cứ tưởng rằng ông Tô Lâm nói đến vấn đề mang tính khách quan phát sinh trong hành sử giữa chế độ đối với người dân trong nước.

Nhưng thực tế, tác giả của tư duy “không quản được thì cấm” không phát sinh từ đâu khác, mà hầu hết, đều phát sinh từ chính Bộ Công An, nơi mà ông tổng bí thư bây giờ đã từng là bộ trưởng của bộ ấy đến tám năm, suốt từ năm 2016 đến 2024.

Điều dễ nhìn thấy nhất là số lượng tù nhân chính trị đông đảo trong các nhà tù Việt Nam là một minh chứng hùng hồn của tư duy “không quản được thì cấm.”

Vì lẽ, về bản chất, hầu hết tù nhân chính trị trong nước không phải là tội phạm. Các quốc gia văn minh trên thế giới cũng không đặt các hành vi như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…,” hoặc “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN…” như là các hành vi tội phạm hình sự để xét xử, bỏ tù công dân của mình.

Vì lẽ, các hành vi đó đều hợp pháp theo Hiến Pháp của họ cả. Chúng chỉ thể hiện quyền tự do biểu đạt chính kiến của công dân mà thôi. Về phương diện pháp lý, Việt Nam cũng, vậy, đã quy định tại Hiến Pháp về các quyền ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình, tín ngưỡng, tôn giáo là các quyền tự do căn bản của công dân.

Nhưng nỗi lo lắng các quyền tự do ấy có thể trở thành mối nguy hại cho sự độc tài của đảng Cộng Sản, nên chế độ đã đặt ra các điều khoản 331 và 117 Bộ Luật Hình Sự để phủ nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo Hiến Pháp.

Sự phủ nhận đó chính là sản phẩm của tư duy “không quản được thì cấm” mà ông Tô Lâm, một trong các tác giả của tư duy ấy đã yêu cầu nên từ bỏ. Không chỉ trong phạm vi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà kể cả các quyền tự do khác như lập hội, biểu tình cũng chịu chung số phận “không quản được thì cấm.”

Sau ngày Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, thống nhất đất nước, Hiến Pháp từ năm 1980 của chế độ đã sớm quy định các quyền lập hội, biểu tình là các quyền tự do. Quy định là một việc, nhưng thực thi hay không lại là chuyện khác. Thực tế, hầu như hai quyền đó bị cấm đoán một cách triệt để.

Về quyền lập hội. Ngoại trừ các hội đoàn, tổ chức do chế độ chủ động thành lập, tài trợ chi phí hoạt động để phục vụ cho lợi ích của chính chế độ như: Mặt Trận Tổ Quốc, Hội Cựu Chiến Binh, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Hội Liên Hiệp Thanh Niên, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, Hội Nhà Báo, Hội Nhà Văn, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam… Còn lại, tất cả các hội do người dân thành lập đều bị giải tán, thậm chí đàn áp, trừng phạt như những tội phạm chống lại chế độ, nhất là các công đoàn độc lập thành lập để bảo vệ lợi ích cho người lao động.

Tương tự như vậy với quyền biểu tình. Rất nhiều hành sử của chế độ Cộng Sản gây mất lòng dân đã đưa đến những cuộc biểu tình phản đối. Như phản ứng yếu ớt của chế độ trước các hành vi xâm lấn biển, đảo, lãnh hải… của Trung Cộng ở Biển Đông, hoặc chủ trương thông qua các đạo luật bán nước (Luật Đặc Khu), tăng cường đàn áp nhân dân (Luật An Ninh Mạng). Tất cả các cuộc biểu tình ấy đều bị lực lượng an ninh của chế độ Cộng Sản ra tay đàn áp khốc liệt.

Riêng các cuộc biểu tình xảy ra vào Tháng Sáu, 2018, của người dân trong cả nước phản đối các dự luật Luật Đặc Khu và An Ninh Mạng, khi ấy, chế độ Cộng Sản đã bắt giữ cả vài nghìn người dân. Trong đó, hàng trăm người bị khởi tố, xét xử về các tội danh hình sự như “gây rối trật tự công cộng”, hoặc “phá rối an ninh”… Cho dù họ chỉ thực hiện quyền tự do biểu tình, vốn là quyền mang tính cách hiến định của mình.

Năm 2013, sau khi tu chính Hiến Pháp, lẽ ra chế độ đã phải ban hành các đạo luật về lập hội và biểu tình để thực thi Hiến Pháp. Thế nhưng, cơ quan được giao trách nhiệm soạn thảo hai dự luật này là Bộ Công An liên tục trì hoãn, không đưa dự luật đến Quốc Hội để thông qua.

Trong một động thái bất ngờ, Tháng Mười, 2024, chế độ Cộng Sản đột ngột ban hành Nghị định số 126 để thực hiện quy định về quyền tự do lập hội. Thế nhưng, sau khi đọc qua nghị định có nội dung liệt kê hàng loạt rào cản pháp lý, các chuyên gia đều có chung đánh giá đây là nghị định cấm lập hội chứ không phải là nghị định cho phép lập hội.

Điểm qua một vài vấn đề cụ thể về việc cấm đoán các quyền tự do để cho thấy tư duy “Không quản được thì cấm” của chế độ Cộng Sản nói chung và Bộ Công An nói riêng, đã không chỉ phát sinh mà tồn tại như một chủ trương nhất quán và phổ biến đến mức độ nào.

Nhưng lúc này, ít nhất thì ông Tô Lâm, với tư cách là lãnh đạo cao cấp nhất đã lên tiếng chính thức thừa nhận tư duy “không quản được thì cấm” như là thực trạng đáng xấu hổ của chế độ cần phải từ bỏ. Thế nhưng, như thường lệ, từ chỗ nhận thức đến hành động là cả một quá trình, đôi khi kéo dài vô tận.

Cho nên, để bảo đảm không chỉ là sự “đánh trống bỏ dùi,” ông Tô Lâm nên chứng minh sự thành thực của mình bằng cách cho loại bỏ các tất cả các quy định hình sự được hình thành từ tư duy “Không quản được thì cấm” của chế độ, như điều luật 331 hoặc 117 đang cấm đoán quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân. Song song đó, trả tự do cho toàn bộ tù nhân chính trị đang thụ án trong chốn lao tù vốn đang là nạn nhân của các điều luật hình sự bất công nêu trên.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *