NEW YORK (NV) – Công nhân khuân vác tại các hải cảng Đông Vịnh và Vùng Vịnh khởi sự bãi công vào Thứ Ba, 1 Tháng Mười, trong một cuộc biểu dương lớn nhất trong gần 50 năm, sẽ dẫn tới giảm nguồn cung ứng của nhiều sản phẩm phổ biến thông hành qua các hải cảng trong khu vực, theo CNN.
Vào lúc 12 giờ 01 sáng Thứ Ba, Hiệp Hội Công Nhân Khuân Vác Quốc Tế ILA đại diện cho 45,000 công nhân bến cảng miền Đông Hoa Kỳ bãi công sau khi không đạt được thỏa thuận gia hạn hợp đồng sáu năm với nhóm chủ nhân là Liên Hiệp Hàng Hải Hoa Kỳ USMA.
Nhập cảng hàng hóa vào các hải cảng vùng Đông Vịnh bằng các hải cảng thay thế – hoặc bằng phi cơ là biện pháp không hiệu quả về mặt kinh tế – hoặc vận chuyển.
Tức là, Hoa Kỳ có thể chứng kiến tình trạng thiếu chocolate, rượu, trái cây quen thuộc, gồm có chuối và anh đào, thậm chí là một số loại xe hơi nếu bãi công kéo dài. Và cũng có thể đồng nghĩa với việc giá cả hàng hóa nội địa sẽ đội lên.
Trước tiên là tin tốt: Việc người dân mua sắm trong kỳ nghỉ có thể không bị ảnh hưởng nhiều. Thông thường, 70% hàng hóa được các nhà bán lẻ dự trữ cho kỳ nghỉ đã được nhập cảng vào thời điểm này trong năm. Và do tình trạng bãi công chực chờ, nên trong năm nay, phần trăm hàng hóa được thông hành trước nhiều hơn mọi lần.
“Thông thường, mùa vận chuyển nhộn nhịp diễn ra từ Tháng Bảy tới đầu Tháng Mười Một. Chắc chắn trong năm nay họ đã đôn đốc mọi thứ mau chóng hơn, bắt đầu vào cuối Tháng Năm hoặc đầu Tháng Sáu,” Jonathan Gold, phó chủ tịch hệ thống cung ứng và chính sách quan thuế tại Liên Đoàn Bán Lẻ Quốc Gia NRF, nói với CNN.
Tuy nhiên, Gold cho biết ông không thể nói rằng các nhà bán lẻ đã nhập cảng tất cả hàng hóa dự định cung ứng cho người dân trong kỳ nghỉ. “Bất cứ lúc nào người ta cũng có thể áp dụng một số hạn chế,” Gold cho biết. Đồng thời NRF cùng các thành viên liên đoàn cũng lo ngại rằng sau bao lâu thì hoạt động xuất nhập cảng có thể hồi phục sau cuộc bãi công ngắn ngủi.
Rắc rối tranh chấp lao động lớn gần đây nhất tại hải cảng, Gold cho biết, là cuộc bãi công kéo dài 11 ngày do công nhân liên đoàn tại các hải cảng Tây Vịnh khởi xướng năm 2002, tức là phải mất sáu tháng tất cả hoạt động mới trở lại bình thường.
Phần lớn các mặt hàng được nhập cảng để buôn bán trong dịp lễ có thể còn nằm trong kho hoặc thậm chí trong các container suốt nhiều tháng liền. Nhưng đối với hàng hóa dễ hư hỏng, chẳng hạn như trái cây và rau củ, thì mọi chuyện khó hơn nhiều. Và có lẽ ví dụ tốt nhất là loại trái cây dân Mỹ ưa thích, chuối.
Gần như tổng khối lượng chuối được tiêu thụ tại Hoa Kỳ đều là chuối nhập cảng và 1.2 triệu tấn chuối thông hành qua các cảng đều do ILA đại diện, trong đó Hải Cảng Wilmington tại Delaware tự tuyên bố là nơi nhập cảng chuối nhiều nhất Hoa Kỳ. Khối lượng chuối thông hành qua các hải cảng nêu trên chiếm 25% tổng khối lượng chuối tại Hoa Kỳ, theo số liệu từ Cơ Quan Nông Trại Hoa Kỳ AFB.
Không những thế, còn có rất nhiều mặt hàng nhập cảng khác, với 90% anh đào được vận chuyển qua các hải cảng đó và một lượng lớn trái mọng và các loại trái cây khác. Mặc dù nguồn cung ứng nội địa cũng có các loại trái cây này, chẳng hạn như anh đào Michigan và các tiểu bang Tây Vịnh, nhưng nhu cầu tiêu thụ anh đào cao hơn khả năng cung ứng của nhà nông Hoa Kỳ.
Ngoài ra còn có các mặt hàng thực phẩm đặc sản, chẳng hạn như chocolate nhập cảng và thịt từ Âu Châu cũng có nguy cơ thiếu trầm trọng, Danny Munch, kinh tế gia tại AFB cho biết.
Đồng thời nguyên liệu thô được các nhà chế biến thực phẩm Hoa Kỳ sử dụng như ca cao và đường cũng được các hải cảng bãi công thông hành.
Munch cho biết các nguyên liệu nấu chocolate cho dịp Halloween đã có mặt và có thể không ảnh hưởng tới sản lượng cho Lễ Giáng Sinh. Nhưng sản lượng cho đầu năm sau có thể bị ảnh hưởng, tùy vào thời gian bãi công, vì vậy vào dịp Lễ Tình Nhân người ta có thể khó mua kẹo hơn.
Dân Mỹ cũng có nhiều nguồn cung ứng nội địa nếu muốn nhâm nhi chút rượu. Nhưng nhiều người lại thích thức uống nhập cảng từ Âu Châu, Nam Mỹ hoặc Caribbean, chẳng hạn như bia Đức, rượu vang Pháp, rượu whisky Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan, hoặc rượu rum và rượu tequila.
Ngoài ra, 18% lượng bia được tiêu thụ tại Hoa Kỳ là hàng hóa nhập cảng, cũng như 25% tới 33% rượu vang, và 90% rượu rum. Đồng thời các hải cảng duyên hải Đông Vịnh và Vùng Vịnh là nơi nhập cảng các loại rượu vừa nêu.
Tin tốt lành là nguồn cung ứng xe hơi mới tại Hoa Kỳ nay trở lại mức gần như trước đại dịch Covid-19, theo Cox Automotive, tăng đáng kể so với mức thấp kỷ lục từng được ghi nhận năm 2022, trong đó phần lớn các tên tuổi Âu Châu đều có số lượng hàng hóa tồn kho cao hơn mức trung bình trong lãnh vực xe hơi. (TTHN)