Sunday , December 1 2024

CSVN sẽ không đổi chiến lược đối phó với Trung Quốc

*Chuyện Vỉa Hè
*Tư Ngộ

Hà Nội sẽ không đi quá những lời gay gắt để có thể biến mối quan hệ với Bắc Kinh từ bạn tới thù qua một vụ việc nhỏ bé được xé ra to.

Giới chuyên viên về an ninh chính trị theo dõi tình hình thời sự Việt Nam nhận thấy như vậy. Họ không tin lời lẽ gay gắt của phát ngôn viên bộ Ngoại giao CSVN ngày 2 Tháng Mười vừa qua sẽ mở màn cho những sự việc nghiêm trọng hơn, cả trên biển lẫn quan hệ chính trị Việt Nam – Trung Quốc.

“Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”.

Bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CSVN họp báo nói như vậy hôm Thứ Tư 2 Tháng Mười. Bà kêu rằng lính Trung Quốc “gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam” khi các tàu tuần của Trung Quốc tấn công một tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi hành nghề câu biển tại khu vực quần đảo Hoàng Sa ngày 29 Tháng Chín 2024.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc đã tấn công tàu đánh cá, tàu câu mực của ngư dân Việt Nam khai thác thủy sản ở khu vực biển Hoàng Sa rất nhiều lần trong những năm qua. Nhẹ thì đâm cho hư hại tàu, tịch thu trang bị hải hành, ngư cụ, ngư sản. Nặng hơn thì đâm chìm tàu và đã có trường hợp ngư dân thiệt mạng trong những vụ việc như vậy xảy ra những năm trước.

Hà Nội đều cho phát ngôn viên bộ ngoại giao phản đối, đòi bồi thường thiệt hai cho ngư dân nhưng Bắc Kinh luôn luôn tảng lờ, coi việc ngư dân đến khai thác thủy sản ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa là bất hợp pháp. Họ cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sau trận hải chiến với lực lượng VNCH Tháng Giêng năm 1974. Dù vậy, dưới chính thể nào, chính quyền của Việt Nam vẫn tuyên bố quần đảo này là một phần lãnh thổ “có đầy đủ bằng chứng và lịch sử không thể tranh cãi”.

Nhưng lời lẽ của phát ngôn viên Phạm Thu Hằng ngày 2 Tháng Mười gay gắt hơn thường lệ nên giới chuyên gia theo dõi thời sự chính trị Việt Nam nhìn ra ngay cái sự bất bình thường ấy. Nhiều viên chức ngoại giao như Mỹ, Canada, Úc đều lên tiếng bán chính thức đả kích hành động bạo lực của lính Trung Quốc với ngư dân Việt Nam.

Nhưng mạnh mẽ nhất, người ta thấy ông Eduardo M. Ano, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Phi Luật Tân, viết trong bản tuyên bố phổ biến trên mạng ngày Thứ Sáu mùng 4 Tháng Mười:

“Chúng tôi mạnh mẽ lên án các hành động bạo lực và bất hợp pháp của lực lượng tuần biển Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam hành nghề gần quần đảo Hoàng Sa ngày 29 Tháng Chín 2024. Vụ tấn công phi lý làm 10 ngư dân bị thương và gây thiệt hại tài sản cho tàu của họ, là hành vi đáng báo động vốn không có chỗ đứng trong quan hệ quốc tế.”

Bản tuyên bố của ông Ano viết thêm rằng chính phủ Phi đứng chung cùng với Việt Nam lên án hành động “vô cùng nghiêm trọng” của lính Trung Quốc, vì những hành vi bạo lực tàn ác đó đối với ngư dân dân sự “trắng trợn vi phạm luật lệ quốc tế cũng như không tôn trọng phẩm giá con người”.

Tuy nhiên, nhận định qua một bài phân tích của tờ South China Morning Post ngày 9 Tháng Mười, ông Lê Hồng Hiệp, một phân tích gia tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak Institute tại Singapore cho rằng lời phát biểu của ông Ano “phản ảnh sự quan ngại của Phi là sự việc xảy ra cho ngư dân Việt Nam hôm nay cũng có thể xảy đến cho ngư dân Phi ngày mai”.

Ông Hiệp nói thêm rằng hành động của vị Cố vấn An ninh Quốc gia Phi sẽ không ảnh hưởng gì, tác động gì đến chiến lược của Hà Nội trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông. Theo ông, các người cầm đầu chế độ Hà Nội ưu tiên gìn giữ hòa bình và ổn định tại vùng biển tranh chấp hầu dồn sức phát triển kinh tế trong nước.

Hà Nội muốn giải quyết những chuyện xảy ra trên Biển Đông, nhất là những vụ việc nhỏ “một cách im lặng và thận trọng”. Ông Hiệp nói vậy và còn cho rằng CSVN rất thận trọng, tránh công khai kình chống Trung Quốc với sự yểm trợ của Phi Luật Tân và Hoa Kỳ.

“Trong cách đánh giá của Hà Nội, điều đó sẽ phản tác dụng và gây tổn hại cho chiến lược của họ về Biển Đông và đối phó với Trung Quốc.” Lời ông Hiệp trên SCMP.

Còn ông Bill Hayton, một chuyên viên về các vấn đề Việt Nam và Đông Nam Á tại viện nghiên cứu Chatham House, Anh Quốc, cho rằng “Manila hy vọng việc công khai lên tiếng hậu thuẫn Việt Nam sẽ gia tăng cơ hội để Hà Nội hậu thuẫn Philippines” trong những vụ việc tương tự, sẽ khó lòng xảy ra. Ông tin rằng cả hai nước ASEAN láng diềng này có thể hợp tác với nhau để thúc đẩy các nước khác trong khối cùng giữ lập trường chung về tranh chấp Biển Đông với khả năng hậu thuẫn ngầm của Indonesia và Malaysia.

Tuần này, khối ASEAN họp cấp cao tại thủ đô nước Lào với sự có mặt của lãnh tụ hoặc đại diện các nước trong khu vực. Theo tin tức, hai vấn đề chắc chắn được nêu ra trong cuộc họp này là cuộc nội chiến tại Myanmar và vấn đề Biển Đông.

Người ta hy vọng các cuộc đàm phán cho một bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên biển để tránh xung đột võ trang ở khu vực sẽ được thúc đẩy tiến hành nhanh hơn, bao năm qua vẫn chỉ có những lời hứa hẹn với cam kết suông. Một số nhà phân tích còn cho rằng dù đạt được thỏa thuận mà không có ràng buộc pháp lý, nó chẳng khác một tờ giấy vô giá trị bao nhiêu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *