Monday , September 9 2024

Đặc sắc sản phẩm gốm hình rồng cho năm Giáp Thìn

Lương Minh

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ông anh rể tôi vừa cất xong nhà mới, tôi định mua món quà gì cho hợp túi tiền mình vừa không quê mùa để làm kỷ niệm trong nhà anh luôn.

Hôm ra miền Bắc, tôi thấy các món gốm Bát Tràng đẹp nhưng chưa mua vì ngại cồng kềnh mang lên máy bay, về nhà rồi thì tiếc. Bạn tôi gợi ý nên mua gốm Biên Hòa cũng đẹp mà sang trọng nữa, nghe lời bạn, tôi đi tìm gốm đẹp.

Đến phòng trưng bày sản phẩm, tôi bị choáng ngợp không biết chọn thứ nào. Ông anh tôi tuy là thầy giáo nhưng có chút mê tín nên tôi định mua một cái bầu hút lộc. Tết mà, trưng trong nhà để hút hết lộc của trời đất chắc anh ta thích lắm!

Có ông khách ở Gò Vấp đến sau tôi một chút hỏi anh giám đốc, có lộc bình hình con rồng không để anh ta mua vài chục cái. Thì ra anh này có cửa hàng gốm các loại ở phường 11, quận Gò Vấp, Sài Gòn, tìm hàng để bán Tết. Năm nào anh cũng tìm các sản phẩm gốm theo hình 12 con giáp để bán cho khách hàng.

Nhớ năm Tân Sửu 2021, tôi cũng lên lò gốm Lái Thiêu mua con trâu, trên lưng có cái đĩa; hình Thái Thượng Lão Quân cưỡi trâu thì mắc hơn, mấy đại gia mua hết.

Tôi hỏi anh Mai Thanh Xin, giám đốc công ty Gốm Biên Hòa, về sản phẩm có hình rồng. Anh nói không phải đợi đến năm Giáp Thìn (2024) khách hàng mới tìm gốm hình rồng, mà mấy năm trước các sản phẩm này vẫn có. Các dĩa, lộc bình hình thú như cọp, gà, heo, rồng, phụng vẫn có đều nhưng hình tượng rồng thì được nhiều người thích do nó thuộc dạng tứ linh.

Anh lấy cho tôi xem cái đĩa hình rồng có đường kính 30 cm, 40 cm để trưng ngũ quả ngày Tết, còn có thể để giá gỗ chéo trên bàn hay treo trên tường cũng đẹp. Các sản phẩm dĩa này tôi thấy có bốn kiểu: “Rồng vờn với cá chép” chắc theo tích cá vượt vũ môn; “rồng vảy nâu” trên nền trời xanh đen trông hấp dẫn.

Dĩa có hình rồng màu đỏ, trên nền trời xám, mây trắng nằm trong vòng tròn có hoa văn. Dĩa kiểu hình “Cổng nhà trời có sáu con cá chép nhảy trên sóng biển” bên cạnh những vòm mây quanh mặt trời biểu tượng sắp hóa rồng.

Với chum gốm hình rồng, đây là những chiếc chum dạng chum đựng rượu của đồng bào Tây Nguyên nhưng dùng để trang trí trong nhà. Chum thường cao từ 45 cm đến 55 cm, dưới cùng có vòng hoa văn, phần giữa là hình rồng nhiều màu, trên có ba quai xách dùng để xỏ dây treo trên trần nhà nhưng thực tế chỉ để làm kiểu, không ai treo vì có thể sứt quai.

Kiểu này thường giống nhau, chỉ khác màu sắc do người thợ tô màu trước khi nung. Họa sĩ Nguyễn Văn Cường, phụ trách xưởng gốm, cho biết việc tô màu trước khi nung là do người thợ tự sáng tạo, nhờ vậy có nhiều sản phẩm khác nhau mà khách hàng không ngờ tới.

Đôn ngồi hình tròn như cái trống, cao khoảng năm tấc, thân đôn là hình “Lưỡng long tranh châu.” Mặt đôn có tráng men hình hoa văn chữ hỷ cách điệu. Đi vào xưởng tôi thấy có bốn cái đôn cao hơn năm tấc, có hai con rồng được đắp nổi rất đẹp, hỏi kỹ thì đó là gốm Cây Mai, một dòng gốm xưa, trước có lò ở khu vực quận 11, nay không còn, những người thừa kế đã di dời về Biên Hòa mở lò sản xuất với ý định phục hồi lại dòng gốm này.

Những lộc bình hình rồng thì có nhiều kiểu: Long Phụng giao duyên (rồng và phụng vờn mây), nhiều màu sắc rất bắt mắt, các bình này cao từ 32 cm đến 52 cm, đường kính từ hai tấc đến ba tấc, các lộc bình này có thể trưng hoa để trên bàn thờ hay phòng khách đều được.

Trong xưởng gốm Biên Hòa, thấy có nhiều tượng Bồ Đề Đạt Ma, tổ thiền tông Trung Hoa. Hình tượng Bồ Đề là đề tài rất ăn khách của giới mỹ thuật. Họa sĩ, điêu khắc gia, nghệ nhân nắn tượng đều chọn Tổ để tạo nên tác phẩm của mình. Thật ra, Bồ Đề Đạt Ma vẽ với cặp mắt lộ, chòm râu rậm là mọi người đều nhận ra.

Gần đây, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Trung nổi tiếng trong đợt triển lãm Gốm Sài Gòn hồi Tháng Bảy, 2023, tại Hội Mỹ Thuật Thành Phố có trưng bày tượng gốm to như cái tĩn đựng tương ngày xưa mà người ngoại đạo như tôi nghĩ vậy. Thế nhưng họa sĩ Nguyễn Văn Cường nói đó là kiểu dáng Daruma của Nhật (giống con lật đật) trên là gương mặt Tổ sư, dưới vòng bụng là những con rồng lượn quanh.

Tôi không hiểu vì sao tác giả lại gắn hình rồng vô tượng Sư Tổ Thiền Tông này, Nguyễn Văn Cường nói: “Anh Trung nhờ gốm Biên Hòa thực hiện tác phẩm nên công ty đem hình ảnh và dấu ấn của mình khắc họa nên.”

Anh Mai Thanh Xin cho biết thêm kế hoạch làm hàng cho năm mới đã có hồi Tháng Chín, trong đó việc sản xuất gốm hình rồng năm nay cũng chỉ hơn gốm hình mèo năm 2013 một ít thôi, vì công ty bán sản phẩm gốm quanh năm chứ không phải chỉ phục vụ khách sắm hàng vào dịp Tết.

Công ty đã có bình hút lộc có hình rồng thỏa với hai yêu cầu mà tôi muốn: Đầu năm hút Lộc và năm Thìn có hình rồng. Hình tượng rồng thì đẹp hơn các con khác trong thập nhị chi (12 con giáp), năm nào cũng bán được. Nó là một con vật trong tứ linh nên đình chùa nào cũng thích, giới quan quyền cũng chọn vì nghĩ bâng quơ “biết đâu mình có chơn mạng đế vương.” [kn]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *