Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng
LITTLE SAIGON, California (NV) – Tuần này, nghe tin điêu khắc gia Dương Văn Hùng qua đời, biết rằng sinh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên, nhưng sao vẫn bồi hồi thương tiếc anh, một người bạn rất quý trong giới nghệ thuật tạo hình.
Anh Hùng sinh ngày 25 Tháng Năm, 1940, tại Việt Nam, mất ngày 6 Tháng Tám tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 84 tuổi.
Điêu khắc gia Dương Văn Hùng tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn năm 1962, dạy mỹ thuật trường trung học Tây Ninh năm 1965, từng có triển lãm với “Hội Họa Sĩ Trẻ” tại Hội Việt-Mỹ và La Dolce Vita Center ở Sài Gòn năm 1973.
Anh cũng từng dạy điêu khắc ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn năm 1974 và được huy chương vàng giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Gia trong cùng năm.
Điêu khắc gia Dương Văn Hùng là người bình dị, mộc mạc, qua dáng vẻ bề ngoài, nên bạn bè thường gọi đùa là “Hùng homeless,” do anh thường mặc quần áo rất cũ và bụi.
Về quan niệm ý tưởng sáng tác, anh như là một nhân vật chân chính còn sót lại của làn sóng nghệ thuật Hiện Đại thời Paris đầu thế kỷ 20.
Anh xem thường danh vọng và tiền bạc. Cuộc đời sáng tác của anh là tìm kiếm, khám phá những điều lạ lùng qua thể khối, nhưng vẫn không xem thường mỹ thuật căn bản trường lớp.
Anh làm tượng kiểu đương đại thì mới lạ, cũng như tượng bán thân cổ điển thì đẹp.
Trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2010, tôi có dịp sinh hoạt nghệ thuật nhiều trong cộng đồng người Việt ở Little Saigon, thường gặp anh qua các buổi sinh hoạt nghệ thuật.
Nhưng sau đó tôi bận rộn triển lãm nhiều trên khu vực Los Angeles, nên ít có dịp gặp anh.
Ngoài vẽ tranh, tôi còn thích làm thêm đồ gốm hoặc điêu khắc. Nên nếu có cơ hội là anh Dương Văn Hùng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng. Tuy nhiên, tôi đã không có đủ thời gian theo anh, và bây giờ không còn cơ hội tầm sư học đạo với anh nữa.
Nhớ lại một ngày trưa Tháng Bảy, 2004, nhân dịp ghé thăm xưởng vẽ và điêu khắc của anh (là garage căn nhà gia đình anh mướn ở Orange County), chúng tôi có buổi nói chuyện, tìm hiểu thêm về các tác phẩm cũng như con người nghệ sĩ của anh.
Khi được hỏi về công việc mỗi ngày, anh tâm sự: “Coi như lỡ rồi, kể như chết rồi, mình phải làm việc, nhưng không phải làm việc bình thường, mà mình phải cố gắng, làm cái gì đó.”
“Cái ngành này là một cái ngành thuộc về tâm hồn, những người nhà giàu, người ta có đầy đủ rồi, những người này đi học, họ lựa những ngành gì ? Bây giờ người ta học thương mại để kiếm tiền, nhưng riết rồi người ta ngán, vì nhiều tiền quá. Thế là người ta học nghệ thuật. Đó là ‘nghệ thuật’ cho người giàu,” anh nói một cách có vẻ khôi hài. “Còn mình thuộc về giới nghèo, mà vô học ngành này thì kể như là chết rồi, là ‘từ chết tới bị thương,’ không còn con đường nào khác.”
Khi được hỏi tại sao không mở triển lãm, điêu khắc gia Dương Văn Hùng thổ lộ: “Tui làm để thoả mãn cái sự sáng tác của mình thôi, không có ý niệm để triển lãm.”
Trong đợt triển lãm chung hồi năm 2003, bao gồm tôi, Nguyên Khai, Nguyễn Đồng & Nguyễn Thị Hợp, Ann Phong, anh có trưng bày 10 tác phẩm điêu khắc, anh để giá $3,000 một cái.
Anh nói: “Cái nhỏ cũng như cái lớn, cái xấu cũng như cái đẹp, tất cả đều là sáng tạo.”
Sau này, anh kể: “Đợt đó không có người mua, mừng quá đem về nhà. Bây giờ có ai hỏi tui cũng không bán.”
Anh giải thích thêm: “Một người sáng tạo giống như một người đàn bà đẻ đứa con, mà cái tượng khác với tranh, khi mà đẻ ra đứa con, thì đứa con sống ở trên quả đất này, và nó có vị thế như một con người, nghĩa là trái đất này có thêm một nhân vật. Nó thở một bầu không khí giống như một con người. Nó đứng hay ngồi ở đây, mình đi qua phải tránh nó, không tránh nó mà đi thẳng hoài sẽ bị đụng.”
Anh Dương Văn Hùng là một nghệ sĩ đặc biệt, anh không làm ra nhiều tác phẩm, nhưng mỗi tác phẩm là những ngày tháng vui buồn với cuộc sống và cả nhân sinh quan của người nghệ sĩ. [đ.d.]