QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Ngành du thuyền tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chịu tổn thất nặng hơn cả COVID-19, khi một loạt tàu bị bão Yagi đánh đắm, các cơ sở vật chất khác bị tàn phá.
Báo VNExpress hôm 16 Tháng Chín dẫn đánh giá sơ bộ của Sở Du Lịch Tỉnh Quảng Ninh, cho biết ảnh hưởng của bão Yagi khiến năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ kinh doanh du thuyền ở thành phố Hạ Long “có nguy cơ phá sản.”
Ông Phạm Hà, giám đốc điều hành Lux Group, một doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long, Vịnh Lan Hạ và Cát Bà, cho biết nhiều chủ tàu mất trắng và không có cơ hội xây dựng lại do không còn tài sản để “cày” trả nợ.
“Nhiều du thuyền bị chìm, cần ít nhất sáu tháng đến một năm để hoạt động lại. Thiên tai và bão lũ ‘lịch sử’ khiến ngành du lịch ‘khó lại chồng khó,’” ông Phạm Hà nói với VNExpress.
Ông Hà cho biết riêng công ty ông có hai cano là bị chìm do sóng lớn. Hai tàu du lịch ngủ đêm Emperor Cruises Legacy Hạ Long và Heritage Bình Chuẩn may mắn bị hư hại nhẹ.
Trong khi đó, kể với báo Dân Trí, ông Vũ Đình San, 40 tuổi, ở xã Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, chỉ về phía ba con tàu của gia đình bị chìm nghẹn ngào: “Gia đình tôi vỡ nợ rồi. Mấy anh em trong gia đình chung nhau mua bốn con tàu du lịch để làm ăn thì ba con bị bão đánh chìm. Mỗi con tàu trị giá khoảng 2 tỷ đồng ($81,380), giờ gia đình tôi trắng tay rồi, mà vẫn còn nợ tiền ngân hàng.”
Theo phúc trình của Sở Giao Thông Vận Tải Quảng Ninh hôm 13 Tháng Chín, có 27 tàu du lịch và bốn tàu chuyển tải bị bão đánh đắm. Tại Hải Phòng, số xuồng, tàu thuyền bị hư hỏng, chìm là 23.
Một số chủ tàu cho biết chỉ riêng tiền thuê cẩu những con tàu chìm lên bờ cũng phải mất khoảng 100 triệu đồng, tiền sửa chữa khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng ($32,552 tới $40,690). Do vậy, họ đã nghĩ đến chuyện buông xuôi vì chưa biết xoay xở tiền ở đâu ra để tiếp tục với cái nghề đã gắn bó hàng chục năm nay.
Theo báo cáo ban đầu của Sở Du Lịch Quảng Ninh, cơ sở lưu trú bên bờ khu vực thành phố Hạ Long đều bị thiệt hại như vỡ kính, vỡ ngói mái nhà biệt thự, gió lùa sập, hỏng trần và đồ đạc trong phòng nghỉ, sảnh đón tiếp, nhà hàng.
Cây xanh, cột đèn trong khuôn viên và hệ thống điện, điều hòa, nước của nhiều cơ sở thiệt hại nặng. Thiệt hại nặng nhất ở thành phố Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô. Nhiều cơ sở không có khả năng sửa chữa lại để kinh doanh do đã bị hỏng hoàn toàn.
Trong khi đó, theo khảo sát của VnExpress, phần lớn các công ty du lịch không gặp thiệt hại nặng vì số tour bị hủy ít. Ngoài ra, đầu Tháng Chín chưa phải cao điểm du lịch và hầu hết du khách nhanh chóng chuyển tour đến các địa điểm không bị ảnh hưởng bão lũ để thay thế.
Các công ty lữ hành ước tính đến cuối Tháng Chín, đầu Tháng Mười, du lịch miền Bắc Việt Nam mới có thể phục hồi trở lại.
“Riêng đối với ngành du thuyền, thiệt lại lần này ghê gớm hơn đại dịch COVID-19,” ông Hà nhận định. (Tr.N)