JAKARTA, Indonesia (NV) – Đức Giáo Hoàng Phanxicô có mặt tại Indonesia hôm Thứ Ba, 3 Tháng Chín, khởi đầu chuyến tông du dài nhất trong triều đại giáo hoàng do ông trị vì, với hy vọng khích lệ cộng đồng Cơ Đốc Giáo và tôn vinh truyền thống hòa hợp liên tôn tại quốc gia có tín đồ Hồi Giáo đông đảo nhất thế giới, theo hãng tin AP.
Sau chuyến bay đêm từ Rome, Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuống phi cơ trên xe lăn và tới khu vực đường băng để dự phần buổi lễ chào đón dưới bầu trời giăng kín sương, ẩm ướt và thường xuyên ô nhiễm tại Jakarta.
Hai đứa trẻ vận phục trang truyền thống trao cho Đức Giáo Hoàng một bó rau, trái cây, gia vị và bông.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự tính nghỉ ngơi trong khoảng thời gian còn lại trong ngày, vì chuyến đi ngoằn ngoèo kéo dài 11 ngày qua các múi giờ còn đưa ông tới Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore. Tuy nhiên, Vatican cho biết vị giáo hoàng 87 tuổi cũng gặp gỡ một nhóm người gồm có dân tỵ nạn, di dân và bệnh nhân tại dinh thự Vatican ở Jakarta.
Bên ngoài dinh thự, Đức Giáo Hoàng được các tín đồ nghênh đón nồng nhiệt, trông chờ được diện kiến vị giáo hoàng đầu tiên viếng thăm từ thời kỳ Thánh John Paul Đệ Nhị năm 1989.
Ngày đầu tiên Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoạt động trọn vẹn bắt đầu vào Thứ Tư gồm có các chuyến viếng thăm các nhà lãnh đạo chính trị tại Indonesia và các phiên tọa đàm với giáo sĩ Indonesia đang giúp tăng cường sự phát triển của Giáo Hội Cơ Đốc Giáo tại Á Châu.
Tổng Thống Indonesia Joko Widodo có mặt để nghênh đón Đức Giáo Hoàng, phát biểu trong một tuyên bố phát sóng trên truyền hình rằng “Indonesia và Vatican cùng nhau cam kết trong việc thúc đẩy hòa bình và tình huynh đệ, cũng như giúp nhân loại trở nên sung túc.”
Diễn tiến đáng chú ý trong địa điểm dừng chân đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đó là tham dự một cuộc họp liên tôn tại thánh đường Hồi Giáo Istiqlal trứ danh tại Jakarta vào Thứ Năm, trong đó có đại diện đến từ sáu tôn giáo được công nhận chính thức tại Indonesia: Hồi Giáo, Phật Giáo, Khổng Giáo, Ấn Độ Giáo, Cơ Đốc Giáo và Tin Lành.
Thánh đường Hồi Giáo lớn nhất Đông Nam Á tọa lạc đối diện công trường với nơi thờ tự Cơ Đốc Giáo chính tại thủ đô, Nhà Thờ Đức Mẹ Lên Trời, hai thánh địa này gần nhau tới mức có thể nghe thấy âm thanh cầu nguyện của tín đồ Hồi Giáo trong lúc cử hành Thánh Lễ.
Việc hai tôn giáo gần gũi không phải là ngẫu nhiên mà xuất phát từ mong muốn mạnh mẽ như một biểu tượng của tự do tôn giáo và tinh thần khoan dung được cất giữ thiêng liêng trong Hiến Pháp Indonesia. Các nhà thờ còn được nối với nhau bằng một “Đường Hầm Bằng Hữu” nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ viếng thăm cùng với giáo sĩ vĩ đại, Nasaruddin Umar, trước khi họ ký một tuyên bố chung.
Dầu cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn xoáy sâu vào truyền thống khoan dung tôn giáo tại Indonesia, thì hình ảnh của quốc gia này với tư cách là một quốc gia Hồi Giáo ôn hòa lại bị hủy hoại do làn sóng bùng nổ bạo lực. Năm 2021, có hai tín đồ Hồi Giáo cực đoan âm mưu đánh bom tự sát bên ngoài một nhà thờ Cơ Đốc Giáo đông đúc trên đảo Sulawesi tại Indonesia trong Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá, khiến ít nhất 20 người bị thương.
Mặc dù tín đồ Cơ Đốc Giáo chỉ chiếm 3% dân số Indonesia, nhưng dân số Indonesia thì lại đáng trầm trồ — với 275 triệu người — khiến quần đảo này trở thành nơi có cộng đồng Cơ Đốc Giáo lớn thứ ba Á Châu, sau Philippines và Trung Quốc.
Do đó, dự kiến sẽ có hàng ngàn người đổ về dự phần các sinh hoạt có mặt Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tuần này, gồm có một buổi Thánh Lễ vào chiều Thứ Năm tại vận động trường chính ở Jakarta, dự trù thu hút khoảng 60,000 người. Các viên chức thành phố kêu gọi người dân làm việc tại nhà trong ngày hôm đó do có hàng rào phong tỏa đường sá cùng rất nhiều tín đồ tụ tập.
Giữ gìn môi trường, giải quyết xung đột và phát triển kinh tế bằng đạo đức là những chủ đề chính của chuyến tông du, đồng thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể nhắc tới các khía cạnh đó trong phần phát biểu chính trước giới lãnh đạo Indonesia vào Thứ Tư.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng biến hóa hành động giữ gìn môi trường thành một đặc điểm nổi trội trong triều đại giáo hoàng của ông và thường đưa ra phát biểu trong các chuyến tông du ngoại quốc nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự liên quan tới nhu cầu chăm sóc van vật do Chúa tạo tác, ngăn chặn khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ thành phần nghèo khó đang phải gánh chịu hậu quả từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm.
Tại Jakarta, Đức Giáo Hoàng chứng kiến một đô thị có 11.3 triệu dân đang thoi thóp dưới những đám mây xám xịt gây ô nhiễm không khí do các nhà máy nhiệt điện than tạo ra, khí thải từ xe cộ, hoạt động đốt rác và từ các nhà máy. Tình trạng ô nhiễm không khí tại Jakarta thường xuyên cao hơn tám tới chín lần so với giới hạn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị giáo hoàng thứ ba viếng thăm Indonesia sau Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Tứ năm 1970 và Thánh John Paul Đệ Nhị năm 1989. Các chuyến tông du của họ nhấn mạnh rằng Indonesia quan trọng với Vatican ra sao, cả về đối thoại Kitô Giáo-Hồi Giáo lẫn ơn gọi Cơ Đốc Giáo, vì đây cũng là quốc gia đặt chủng viện lớn nhất thế giới đào tạo ra hàng trăm linh mục và nữ tu mỗi năm. (TTHN)