Sunday , December 1 2024

Giải thích ‘vì sao nước thì quá giàu nước lại quá nghèo,’ 3 kinh tế gia cùng nhận Nobel Kinh Tế 2024

STOCKHOLM, Thụy Điển (NV) – Ba kinh tế gia được trao Giải Nobel Kinh Tế hôm Thứ Hai, 14 Tháng Mười cho nghiên cứu về bản chất trong cách thức vận hành của các thể chế, giúp giải thích vì sao một số quốc gia lại thịnh vượng nhưng vẫn còn những xứ sở rất nghèo đói, theo CNN.

Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson san sẻ vị trí khôi nguyên Nobel Hòa Bình, với giải thưởng tiền mặt trị giá 11 triệu kronor Thụy Điển ($1 triệu).

Ủy Ban Nobel tán tụng ba kinh tế gia vì công trình giải thích cho lý do vì sao “các xã hội sở hữu nền luật pháp kém cỏi và các thể chế bóc lột dân chúng lại giậm chân tại chỗ hoặc không thể thay đổi theo hướng tốt hơn.”

“Thời điểm thực dân Âu Châu khai phá các vùng đất rộng lớn trên thế giới, các thể chế trong các xã hội đó đã thay đổi,” ủy ban cho biết, trích dẫn nghiên cứu của ba kinh tế gia. Trong khi ở nhiều nơi, mục tiêu là bóc lột dân bản địa, thì ở những xứ sở khác, mục tiêu này lại đặt nền móng cho các hệ thống chính trị và kinh tế toàn diện.

“Ba khôi nguyên đã giải thích vì sao có một số quốc gia trở nên thịnh vượng, đó là nhờ các thể chế xã hội đã được đưa vào từ thời kỳ thuộc địa,” ủy ban cho biết thêm.

Những quốc gia nào phát triển “các thể chế quản lý có lớp lang” – trong đó duy trì pháp quyền và quyền sở hữu – dần dà trở nên thịnh vượng, trong khi những quốc gia phát triển “các thể chế bóc lột” – theo lời của những người đoạt giải, lại “bòn rút” từ người dân vốn dồi dào về nguồn tài lực, hòng đem lại lợi ích cho giới tinh hoa – liên tục ghi nhận khuynh hướng suy giảm kinh tế.

Trong tựa sách “Why Nations Fail” (Vì Sao Các Nhà Nước Lại Sụp Đổ) xuất bản năm 2012, Acemoglu, một giáo sư người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Kỹ Nghệ Massachusetts MIT và Robinson, một giáo sư Anh Quốc tại đại học University of Chicago, lập luận rằng một số quốc gia phồn vinh hơn những quốc gia khác nhờ vào thể chế chính trị và kinh tế.

Năm ngoái, Acemoglu và Johnson – một giáo sư người Mỹ gốc Anh Quốc tại MIT – công bố “Power and Progress” (Quyền Lực và Tiến Bộ), một công trình nghiên cứu cho thấy các hình thức kỹ nghệ tân tiến phát triển suốt 1,000 năm qua, từ những tiến bộ trong nông nghiệp cho tới trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence), lại có khuynh hướng vỗ béo giới tinh hoa, thay vì tạo ra lợi lạc cho nhân loại.

Các tác giả cảnh cáo rằng “con đường hiện tại mà AI đang phát triển không tốt cho nền kinh tế cũng như nền dân chủ.”

Khi được hỏi liệu nghiên cứu của họ có đơn thuần cho rằng “dân chủ đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế” hay không, Acemoglu cho biết “công trình do chúng tôi nghiên cứu có lợi cho nền dân chủ” nhưng nói thêm rằng nền dân chủ “không phải là liều thuốc trị bá bệnh.”

“Chúng tôi lập luận rằng hình thức phát triển theo kiểu cai trị độc đoán không ổn định và thường không dẫn tới những cải tiến nhanh chóng và độc đáo,” Acemoglu cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại trong buổi lễ công bố.

Trong tựa sách “Why Nations Fail,” ông và Robinson lập luận rằng Trung Quốc, vì thiếu các thể chế chặt chẽ, sẽ không thể giữ vững tăng trưởng kinh tế. Hơn một thập niên từ lúc tựa sách được xuất bản, Acemoglu cho biết Trung Quốc đã “thách thức chút đỉnh” lập luận về thể chế toàn trị, vì Bắc Kinh lại “rót tiền đầu tư” vào các lãnh vực canh tân như AI và xe điện.

Giải thưởng kinh tế có tên chính thức là Giải Thưởng Khoa Học Kinh Tế được ngân hàng Bank of Sweden trao tặng nhằm tưởng nhớ Alfred Nobel. Không giống như các giải thưởng về vật lý, hóa học, y khoa, văn chương và hòa bình, giải thưởng này không phải do nhà phát minh Thụy Điển sáng lập mà thuộc về ngân hàng trung ương Thụy Điển từ 1968.

Năm ngoái, giải thưởng được trao cho Claudia Goldin, một giáo sư tại đại học Harvard University, vì nghiên cứu về phụ nữ trên thị trường lao động. (TTHN)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *