Thursday , October 3 2024

Israel không có tên trên địa đồ trực tuyến của Trung Quốc

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Bắc Kinh đã làm rõ, Israel vẫn được đánh dấu trên các địa đồ chính thức do nhà cầm quyền Trung Quốc ban hành sau khi có câu hỏi về lý do tên nhà nước Israel không hiển thị trên bản đồ trực tuyến do hai công ty lớn tại Trung Quốc cung cấp.

Tên quốc gia “Israel” không có trên bản đồ trên các ứng dụng di động phổ biến từ nền tảng tìm kiếm hàng đầu Baidu hoặc Amap do Alibaba hậu thuẫn, mặc dù lãnh thổ Israel và tên các quốc gia láng giềng hiển hiện rõ ràng khi nhìn bao quát khu vực. Các nước có diện tích tương tự hoặc nhỏ hơn Israel, chẳng hạn như Cyprus, Lebanon và Kuwait, đều có trên địa đồ.

Các tấm địa đồ cũng không có điểm đánh dấu tên quốc gia cho “Palestine”, vùng lãnh thổ được Trung Quốc công nhận là một quốc gia năm 1988 và hiện diện trên các bản đồ chính thức cùng với Israel.

Cả hai danh xưng đều xuất hiện trong các tìm kiếm từ phiên bản di động của các ứng dụng, không thuộc sở hữu quốc doanh nhưng hoạt động trong môi trường trực tuyến được kiểm duyệt chặt chẽ của Trung Quốc và phổ biến như bản đồ của Google hoặc Apple.

“Trung Quốc và Israel bang giao bình thường… Israel được đánh dấu rõ ràng trên các bản đồ tiêu chuẩn do cơ quan thẩm quyền Trung Quốc ban hành,” phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Vương Văn Bân cho biết hôm Thứ Ba, 31 Tháng Mười khi trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo thường kỳ.

Tâm điểm của sự vắng mặt rõ ràng của điểm đánh dấu tên quốc gia trên các ứng dụng bắt đầu kể từ khi Israel phát động cuộc chiến chống lại nhóm chiến binh Hamas, sau cuộc đột kích nhắm vào Israel ngày 7 Tháng Mười.

Chưa rõ tên các quốc gia bị thiếu có phải là điều gì mới hay không.

Trả lời Đài CNN, phát ngôn viên Baidu Maps cho biết: “Khi không gian bị giới hạn, bản đồ của chúng tôi có thể không hiển thị danh xưng hoặc cờ của một số vùng lãnh thổ. Người dùng có thể tìm thấy các quốc gia hoặc khu vực tương ứng trên Bản Đồ Baidu đơn giản bằng cách dùng chức năng tìm kiếm.”

Trung Quốc nổi tiếng là nhà nước tỉ mỉ tới từng chi tiết trên các bản đồ được sử dụng trên khắp thế giới khi đề cập tới cách thức thể hiện các tuyên bố chủ quyền về biên giới và lãnh thổ.

Trong những năm gần đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thúc ép các công ty quốc tế phải xin lỗi và rút lại những tấm địa đồ không cho thấy nền dân chủ tự trị của Đài Loan như một phần lãnh thổ Trung Quốc. Nhà cầm quyền cũng bị các nước láng giềng phản ứng dữ dội, cáo buộc Bắc Kinh sử dụng bản đồ hòng hợp pháp hóa các yêu sách đang tranh chấp.

Trung Quốc chỉ trích phản ứng của Israel trong khi không nêu tên cũng như không lên án rõ ràng Hamas trong các tuyên bố. Thay vào đó, nhà cầm quyền kêu gọi ngừng bắn và nhấn mạnh sự cần thiết phải có giải pháp hai nhà nước nhằm thành lập Palestine độc lập như là “lối thoát căn bản” cho cuộc xung đột.

Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên công nhận Palestine là quốc gia có chủ quyền năm 1988. Trung Quốc thiết lập bang giao chính thức với Israel năm 1992.

Các bản đồ chính thức của Trung Quốc, được nhìn thấy trong một danh mục trực tuyến từ hệ thống dịch vụ bản đồ tiêu chuẩn, ghi tên cả Israel và Palestine, nhà nước không có tư cách quốc gia thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc nhưng được hơn 100 quốc gia công nhận.

Bất chấp bị các viên chức Israel chỉ trích vì không lên án Hamas, Bắc Kinh vẫn cố gắng chứng tỏ năng lực là nhà hòa giải tiềm năng trong cuộc xung đột, cử đặc sứ Trung Đông, Zhai Jun, công du trong khu vực nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.

Cuộc xung đột gây ra làn sóng tranh luận gay gắt trên mạng xã hội bị kiểm soát nghiêm ngặt của Trung Quốc, tạo ra sự chia rẽ giữa những người ủng hộ quyền đáp trả của Israel và nhiều tiếng nói ủng hộ Palestine – gồm có cả sự gia tăng quan điểm bài Do Thái. (TTHN)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *