Sunday , October 13 2024

Khi ngủ quá nhiều trở thành chứng bệnh

LOS ANGELES, California (NV) – Chúng ta thường hay quan tâm và lo lắng nếu như khó ngủ, hoặc ngủ không đủ giấc, nhưng lại không biết rằng ngủ quá nhiều cũng là một vấn đề lớn có thể dẫn đến thành căn bệnh.

Giấc ngủ rất quan trọng và làm sao để ngăn ngừa chứng ngủ nhiều sẽ giúp bạn có được sức khỏe tổng thể lành mạnh, theo trang mạng Greatist vừa qua.

DẤU HIỆU CỦA NGỦ QUÁ NHIỀU

Ở người lớn, ngủ quá nhiều thường có nghĩa là bạn ngủ nhiều hơn thời gian khuyến nghị từ 7 đến 9 tiếng trong 24 giờ.

Nếu bạn đã ngủ từ 7 đến 9 tiếng vào ban đêm mà vẫn thấy buồn ngủ vào ban ngày thì đó có thể được coi là chứng ngủ nhiều.

Ngủ nhiều là tình trạng bệnh lý khiến bạn buồn ngủ quá mức vào ban ngày, ngay cả khi bạn ngủ đủ số giờ khuyến nghị vào ban đêm.

Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến chứng ngủ nhiều bao gồm:

-Liên tục cần ngủ lâu hơn vào ban đêm hoặc buồn ngủ quá mức vào ban ngày.

-Thường xuyên ngủ trưa vào ban ngày, kể cả những thời điểm không thích hợp như khi làm việc hoặc trước bữa ăn.

-Vẫn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức sau khi ngủ trưa.

-Gặp khó khăn khi thức dậy hoặc cảm thấy mất phương hướng khi thức dậy.

-Lo lắng, bồn chồn, cáu kỉnh.

-Nói chậm và suy nghĩ chậm.

-Ăn không ngon miệng.

-Ảo giác và gặp các vấn đề về trí nhớ.

NGUYÊN NHÂN KHIẾN GẶP TÌNH TRẠNG CHỨNG NGỦ NHIỀU

Cách bạn ngủ có tác động domino đến cách toàn bộ cơ thể bạn hoạt động. Các vấn đề về sức khỏe, công việc và môi trường cũng có thể xuất hiện và phá hỏng giấc ngủ của bạn.

1. Ngủ không đủ giấc

Nếu bạn ngủ thiếp đi vào ban ngày sau khi thường xuyên ngủ ít hơn 7 tiếng vào ban đêm thì việc không ngủ đủ giấc vào ban đêm có thể là vấn đề.

Không phải lúc nào cũng có thể ngủ nhiều hơn nhưng nếu bạn có thể ưu tiên giấc ngủ, điều đó có thể giúp bạn quay lại thói quen ngủ lành mạnh.

2. Môi trường ngủ không thoải mái và thân thiện

Tiếng ồn, nhiệt độ và ánh sáng có thể phá hỏng giấc ngủ của bạn và khiến bạn khó có thể ngủ ngon.

Phòng ngủ có tivi cũng không phải là điều tốt. Khi bạn coi tivi vào ban đêm, nó là nguồn gốc gây mất tập trung, tạo nên tiếng ồn và ánh sáng chính trong phòng ngủ.

3. Rối loạn giấc ngủ và rối loạn thần kinh

Theo các nhà khoa học, có đến 80 rối loạn giấc ngủ có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn theo những cách khác nhau. Nhưng một số rối loạn này có thể khiến bạn ngủ nhiều hơn bình thường hoặc gặp khó khăn trong việc giữ sự tỉnh táo vào ban ngày.

-Narcolepsy, bệnh ngủ rũ: Đây là căn bệnh ảnh hưởng đến cách não điều chỉnh giấc ngủ và việc thức dậy. Buồn ngủ quá mức vào ban ngày là triệu chứng chính, cùng với yếu cơ (cataplexy) tê liệt khi ngủ và ảo giác thị giác.

-Parasomnia, rối loạn giấc ngủ: Rối loạn giấc ngủ này bao gồm các hành vi bất thường khi ngủ như mộng du, nói chuyện hoặc thực hiện các hoạt động khác như khi bạn đang thức.

-Restless leg syndrome, hội chứng chân không yên: Đây là hội chứng chân bạn cảm thấy ngứa ran, đau hoặc muốn di chuyển khi ngủ.

-Obstructive sleep apnea (OSA), ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: Những người mắc OSA ngừng thở trong thời gian ngắn khi ngủ. Giấc ngủ bị gián đoạn có thể khiến họ cảm thấy mệt mỏi quá mức và liên quan đến các vấn đề về sức khỏe khác.

4. Các vấn đề về nhịp độ sinh học

Trong suốt cả ngày, ánh sáng đi vào mắt bạn và giúp não điều chỉnh nhịp sinh học. Điều này giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, quá trình trao đổi chất, buồn ngủ và sự tỉnh táo của bạn.

Đối với một số người, nhịp sinh học bị ảnh hưởng do tiếp xúc quá nhiều hoặc quá ít ánh sáng, hoặc do lịch trình thay đổi (như làm việc theo ca hoặc bị lệch múi giờ.)

5. Trầm cảm và lo âu

Trầm cảm và lo âu đều có thể khiến bạn cảm thấy cực kỳ mệt mỏi hoặc làm gián đoạn giấc ngủ, nhưng mỗi người có thể có biểu hiện khác nhau.

Những người bị trầm cảm có thể không thể ra khỏi giường vào buổi sáng, ngủ quên, cảm thấy bồn chồn và mệt mỏi. Trầm cảm cũng là kết quả của tình trạng sức khỏe thể chất hoặc rối loạn giấc ngủ.

RỦI RO CỦA CHỨNG NGỦ QUÁ NHIỀU

Ngủ không ngon và có giấc ngủ kém đều liên quan đến một số tác động ngắn hạn và dài hạn đến sức khỏe. Bạn có thể bị căng thẳng nhiều hơn, độ nhạy insulin thấp hơn và tăng cảm giác thèm ăn.

Buồn ngủ quá mức và ngủ quên ngoài ý muốn cũng có thể khiến bạn có nguy cơ gặp tai nạn, đặc biệt là khi lái xe hoặc làm việc trong môi trường đòi hỏi các biện pháp phòng ngừa an toàn.

Ngủ quá nhiều là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn. Nếu tình trạng mệt mỏi quá mức của bạn không rõ nguyên nhân, hãy trao đổi với bác sĩ. Họ có thể giúp xác định vấn đề và có các phương pháp điều trị giúp cải thiện giấc ngủ cũng như sức khỏe tổng thể của bạn. (YY) [qd]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *