Thiện Lê/Người Việt
SAN FRANCISCO, California (NV) – Một vấn đề chính trị đang được nhiều chuyên gia thảo luận là khủng hoảng Hiến Pháp. Đó là chủ đề của buổi hội thảo hôm Thứ Sáu, 10 Tháng Mười Một, do Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức.
Buổi hội thảo giúp nhiều người biết khủng hoảng Hiến Pháp là gì và cách nhận ra vấn đề đó. Các chuyên gia còn thảo luận về việc Hoa Kỳ có đang hướng đến tình trạng đó hay không, và các nhà lập pháp có thể thực thi Hiến Pháp ra sao trước khi hủy hoại hệ thống chính trị của một quốc gia.
Nhiều chuyên gia có định nghĩa riêng của họ về khủng hoảng Hiến Pháp, có thể là một đảng phái ủng hộ người không chấp nhận kết quả bầu cử, hay những suy nghĩ độc tài và những chính trị gia liên tục vi phạm Hiến Pháp và luật pháp. Ngoài ra, thậm chí đó có thể là khủng hoảng đến mức hệ thống luật pháp của một quốc gia không giải quyết được những khó khăn trước mắt.
Khác với nhiều buổi hội thảo bình thường của EMS, các chuyên gia lần này thảo luận bàn tròn, trả lời từng câu hỏi của ban tổ chức, chứ không thay phiên phát biểu dài như mọi lần.
Buổi hội thảo có ba diễn giả là ông Seth Masket, giáo sư khoa học chính trị đại học University of Denver; ông Aziz Huq, giáo sư luật Hiến Pháp đại học University of Chicago; và bà Gloria Browne-Marshall, giáo sư luật Hiến Pháp của John Jay College và người dẫn chương trình của “Your Democracy” đoạt giải Emmy.
Câu hỏi đầu tiên là định nghĩa của khủng hoảng Hiến Pháp và cách nhận ra.
Ông Masket nói ông nghĩ khủng hoảng này có bốn loại, đầu tiên là Hiến Pháp không nói rõ cách giải quyết một vấn đề như Tổng Thống William Henry Harrison qua đời giữa nhiệm kỳ vào năm 1841 và Hiến Pháp không có luật về việc phó tổng thống sẽ giữ chức vụ tổng thống.
Loại thứ hai là Hiến Pháp không rõ ràng về cách hoạt động của chính phủ như trong thập niên 1850, không rõ ràng về việc chính quyền liên bang có thể xóa bỏ chế độ nô lệ hay không, dẫn đến Nội Chiến Hoa Kỳ.
Loại khủng hoảng thứ ba là chính phủ không hoạt động nữa, và loại thứ tư là Hiến Pháp nói rõ cách giải quyết một vấn đề, nhưng giải pháp đó không thể nào thực hiện được như cách bãi nhiệm tổng thống vì đến nay chưa có ai bị do yêu cầu quá cao.
Bà Browne-Marshall thì cho biết một khủng hoảng Hiến Pháp là Tối Cao Pháp Viện ra lệnh, nhưng một hoặc cả hai nhánh lại còn lại của chính phủ không tuân theo lệnh đó. Khủng hoảng còn có nghĩa là tổng thống ra lệnh và nhiều người tuân theo tuy lệnh đó vi phạm Hiến Pháp.
Ông Huq đóng góp quan điểm của một luật sư, cho biết Hiến Pháp luôn là tâm điểm của các xung đột chính trị, và những lỗ hỏng trong Hiến Pháp không có nghĩa là khủng hoảng.
Theo ông, khủng hoảng là một thứ xuất hiện bất ngờ như bị bệnh tim, làm chính phủ không hoạt động được nữa.
Câu hỏi thứ hai là việc một ứng cử viên tổng thống đang đối mặt với nhiều tội trạng từ hình sự đến dân sự, và điều đó có thể hiện những lỗ hỏng trong luật pháp với chính phủ hay không.
Ông Masket cho biết vấn đề không nằm ở Hiến Pháp, mà nằm ở các đảng phái muốn tìm cách lấp những lỗ hỏng trong Hiến Pháp, nhưng điều đó tạo ra được khá nhiều lợi ích.
Những lợi ích đó làm nhiều người cho rằng các đảng phái thường đề cử những ứng cử viên sẽ không làm hại đến nền dân chủ.
Sau đó, ông nói về luật ai có thể được bầu làm tổng thống trong Hiến Pháp, cho biết ứng cử viên phải 35 tuổi trở lên, công dân sinh ra tại Hoa Kỳ, và sống ở quốc gia này từ 14 năm trở lên, nhưng không có luật cấm những người phạm tội hay tù nhân ra ứng cử vì các tác giả của Hiến Pháp cho rằng không ai bỏ phiếu cho những người đó.
Người đang được các chuyên gia thảo luận trong câu hỏi này là ông Donald Trump, cựu tổng thống Hoa Kỳ, đang gặp nhiều vấn đề pháp lý và có liên quan đến cuộc bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, 2021.
Bà Browne-Marshall tiếp lời, cho biết Hiến Pháp có nhắc đến bạo loạn là một tội ảnh hưởng đến khả năng ra ứng cử, và không nói đến những tội khác.
Ông Huq cho biết vấn đề này là một ứng cử viên tổng thống đang bị kết tội, gây nguy hiểm cho quá trình chính trị và ngăn cản đếm phiếu. Theo ông, đó là một cách sử dụng quyền lực chính trị thiếu dân chủ.
Câu hỏi tiếp theo là các diễn giả nghĩ gì về việc ông Trump nói sẽ đấu tố các đối thủ chính trị nếu ông đắc cử.
Ông Masket cho biết trong cuộc bầu cử của năm 2016, ông Trump từng hứa hẹn sẽ làm những chuyện vi phạm Hiến Pháp, thiếu dân chủ, nhưng điều đó không làm ông mất cử tri và thậm chí còn có nhiều người bầu cho ông hơn.
Những hành vi thiếu dân chủ là lý do Hiến Pháp có quá trình bãi nhiệm tổng thống, và cả hai đảng có thể loại trừ những hành vi đó.
Ông Masket còn nhấn mạnh những hành vi của ông Trump đe dọa nền dân chủ nhiều hơn là đe dọa Hiến Pháp.
Bà Browne-Marshall cho biết những hứa hẹn của ông Trump hiện nay không khác gì so với năm 2016. Ông từng nói mình có thể bắn bất cứ ai tại quảng trường Time Square và vẫn đắc cử được.
Bà còn nói lý do nhiều người bỏ phiếu ông Trump là dựa theo cảm xúc, chứ không dựa vào luật pháp hay đạo đức
Ông Huq thì nhấn mạnh suy nghĩ cho rằng nền dân chủ của Hoa Kỳ hoàn hảo là sai lầm vì có nhiều lỗ hổng. Ông cho hay hệ thống này có thể suy thoái, làm ngày càng khó đưa ra những thay đổi tích cực. [đ.d.]
—
Liên lạc tác giả: [email protected]