CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Khối nước khổng lồ từ trận lũ lớn từng được ghi nhận trong 30 năm qua ở lưu vực sông Mekong tại Thái Lan, Myanmar và Lào đang di chuyển về phía hạ nguồn sông Mekong và có thể về đến miền Tây Việt Nam vào những ngày tới.
Báo Thanh Niên hôm 22 Tháng Chín dẫn tin từ Dự Án Giám Sát Hoạt Động Của Các Đập Thủy Điện Sông Mekong (MDM), cho biết bão Yagi tạo ra một trận lũ lớn trên sông Mekong, khiến mực nước sông tại Luang Prabang (Lào) đã vượt ngưỡng lũ hồi tuần qua, cao hơn đến 1.73 mét so với trung bình nhiều năm cùng kỳ và cao hơn năm 2023 là 0.63 mét, và khối nước khổng lồ đang di chuyển về phía hạ nguồn.
Viện Quy Hoạch Thủy Lợi Nam Bộ (SIWRP) cho biết thêm tính đến hôm 19 Tháng Chín, mực nước tại các trạm trên dòng chính sông MeKong như trạm Kratie và Prek Kdam (Cambodia) đều có xu thế tăng mạnh, cộng với mưa liên tục trên vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ở mức trung bình và có xu thế tăng.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái học Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhận định cho biết khi khối nước này về đến miền Tây Việt Nam khoảng đầu Tháng Mười tới có thể trùng vào đợt triều cường cuối Tháng Tám đầu Tháng Chín Âm Lịch. Khi đó, nước sông Mekong từ trên đổ về gặp nước thủy triều từ hướng biển lên sẽ gặp nhau ở vùng giữa Đồng Bằng Sông Cửu Long và gây ngập cho dãy đô thị phía Đông quốc lộ 1A như: Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang.
Trong khi đó, báo VNExpress cùng ngày dẫn lời ông Nguyễn Phước Huy, giám đốc Đài Khí Tượng Thủy Văn Tỉnh Đồng Nai, cho biết tình hình mưa lũ trên sông Đồng Nai “diễn biến phức tạp” do các địa phương ở đầu nguồn mưa lớn.
Do nước sông Đồng Nai lên nhanh, gầm mức báo 3 làm nước sông dâng cao khiến nhiều địa phương ven sông thuộc Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn và Bình Thuận có nguy cơ ngập lụt, sạt lở.
Cùng với đó, công ty Thủy Điện Trị An thông báo tiến hành xả lũ hồ thủy điện Trị An rộng 323 cây số vuông, nằm trên lưu vực sông Đồng Nai lớn nhất miền Nam, qua đập tràn với lưu lượng từ 150 đến 300 khối/giây, tua bin phát điện là 850 khối/giây, tổng cộng hơn 1,000 khối/giây, nước sẽ đổ xuống hạ lưu từ hôm 23 Tháng Chín.
“Người dân, ngành chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có giải pháp ứng phó nước sông dâng cao, hạn chế thiệt hại,” ông Huy cảnh báo. (Tr.N)