HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một ngày trước chuyến thăm Việt Nam của ông Lý Cường, thủ tướng Trung Quốc, hãng tin Reuters hôm 11 Tháng Mười cho biết lịch trình của ông này là ký kết các thỏa thuận về liên kết đường sắt và hợp tác nông nghiệp.
Các tuyến đường sắt nối ray Việt-Trung là dấu hiệu cho thấy “sự tin tưởng ngày càng tăng giữa hai nước” và được kỳ vọng “thúc đẩy giao thương và chuỗi cung ứng.”
Hãng tin của Anh cho biết, ngày càng có thêm nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển một số hoạt động hướng đến xuất cảng sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Các thỏa thuận mà ông Lý Cường sẽ ký tại Hà Nội cũng bao gồm hợp tác về hệ thống thanh toán và thủ tục hải quan.
Sự ngờ vực giữa hai nước láng giềng và tình trạng thường xuyên xung đột ở Biển Đông từ lâu đã cản trở tiến trình xây dựng các tuyến đường sắt kết nối Việt-Trung.
Tuy vậy, trong những tháng gần đây, những cân nhắc về kinh tế dường như đã chiếm ưu thế hơn những lo ngại về an ninh trên biên giới đất liền.
Tuyến đường sắt kết nối Việt-Trung chủ yếu dựa vào tuyến đường sắt nối Côn Minh ở tỉnh Vân Nam với Hà Nội và Hải Phòng.
Trong lúc Việt Nam vẫn dùng hạ tầng đường sắt do người Pháp xây dựng từ hơn một thế kỷ trước, Trung Quốc đã xây dựng được các tuyến đường sắt cao tốc.
Điều đó khiến các tuyến đường sắt nối hai nước không tương thích, buộc hành khách và hàng hóa phải đổi xe lửa tại biên giới, trở thành rào cản đối với giao thương Việt-Trung đạt kim ngạch $148.2 tỷ trong ba quý đầu năm nay.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi Tháng Tám, ông Tô Lâm, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, đã ký bản ghi nhớ về nghiên cứu khả thi cho các tuyến đường sắt kết nối Việt-Trung.
Dự kiến ngày 13 Tháng Mười, ông Lý Cường ký một thỏa thuận về các hoạt động khảo sát đường sắt.
Ngoài tuyến đường sắt Côn Minh-Hải Phòng, hai nước còn có kế hoạch nâng cấp một tuyến đường sắt khác từ Quảng Tây đến Hà Nội và một tuyến nối Thâm Quyến với Hải Phòng.
Như vậy nhiều khả năng ông Lý Cường và lãnh đạo Việt Nam sẽ không bàn tới vụ lính Trung Quốc đánh đập tàn nhẫn ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi họ khai thác thủy sản ở khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.
Hồi đầu tháng này, Bộ Ngoại Giao Việt Nam ra thông cáo “hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc” nhưng nhiều khả năng sự việc chỉ dừng ở mức độ đó chứ không có trong lịch trình chuyến thăm của ông Lý Cường. (N.H.K) [qd]