SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Có ít nhất 30,000 cửa hàng F&B (Food and Beverage Service) ở Việt Nam phải đóng cửa dẹp tiệm trong sáu tháng đầu năm, khi thực khách giảm chi tiêu do kinh tế khó khăn.
Báo VNExpress hôm 21 Tháng Tám dẫn phúc trình từ iPOS – nền tảng cung cấp giải pháp quản lý cho hơn 100,000 doanh nghiệp nhà hàng và quán cà phê ở Việt Nam, cho biết.
Theo đó, trong phúc trình “Thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam sáu tháng đầu năm 2024,” thống kê từ iPOS cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 304,700 quán ăn uống (F&B), giảm 3.9% so với cuối năm ngoái. Ít nhất 30,000 quán đã đóng cửa, trong khi số lượng quán mới rất hạn chế.
Ông Vũ Thanh Hùng, tổng giám đốc iPOS, cho rằng con số hơn 30,000 cửa hàng đóng cửa trong thời gian vừa qua chứng minh mức độ cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Sự tăng trưởng chi tiêu của thực khách không đuổi kịp được tăng trưởng “nóng” cửa hàng F&B từ sau đại dịch COVID-19.
Thêm nữa, số lượng quán với tuổi thọ ngắn (dưới ba tháng hoạt động) đang xuất hiện nhiều hơn tại các thành phố lớn.
Ngoài ra, chuỗi các thương hiệu có tính bền vững như Starbucks, Arabica, The Coffee Bean & Tea Leaf… cũng không thoát khỏi sự tác động sâu của kinh tế ở Việt Nam, dù có lượng khách hàng trung thành lớn và có thu nhập ổn định.
Về phía các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam, kể từ đầu năm 2024, doanh thu của họ đã có sự biến động mạnh. Mặc dù khởi đầu năm mới có tín hiệu tích cực, nhưng đến giữa năm thì giảm rõ rệt.
Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp (chủ yếu tại Hà Nội và Sài Gòn) báo cáo doanh thu giảm trong Tháng Hai lên đến 43.4%. Tháng Ba tăng trưởng nhẹ, sau đó giảm đều tới giữa năm. Do đó, các doanh nghiệp đang ngày càng dè chừng trong việc phát triển kinh doanh trong sáu tháng cuối năm.
Theo khảo sát, 61.2% doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì quy mô kinh doanh như hiện tại, 34.4% dự kiến mở rộng thêm cơ sở mới. So với khảo sát cùng kỳ 2023, số lượng doanh nghiệp F&B có tham vọng tương tự lên tới 51.7%.
Về phía người tiêu dùng, theo khảo sát, mức chi cho việc “đi cà phê” đã giảm mạnh trong sáu tháng đầu năm 2024, tần suất cũng giảm đáng kể do “áp lực công việc tăng cao.” Tỷ lệ người chi tiêu trên 100,000 đồng ($4) cho một ly thức uống đã giảm mạnh từ 6% xuống còn 1.7%.
Khi được hỏi lý do, phần đông khách hàng cho rằng họ “đang phải làm việc với cường độ lớn hơn do khó khăn của nền kinh tế và nội tại doanh nghiệp.” (Tr.N)