ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Biệt thự cổ của Đốc Phủ Sứ Võ Hà Thanh hay còn gọi “nhà lầu ông Phủ” có kiến trúc Pháp tọa lạc bên dòng Đồng Nai, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, sắp bị giới hữu trách tỉnh Đồng Nai cho đập bỏ vì “nằm trong lộ giới dự án đường ven sông.”
Báo Tuổi Trẻ cho hay qua khảo sát, cơ quan hữu trách ghi nhận khu vực quy hoạch để thực hiện dự án sẽ “lấn” vào “nhà lầu ông Phủ” khoảng 9 mét, tương đương khoảng một nửa biệt thự cổ này.
Theo báo VNExpress hôm 23 Tháng Chín, biệt thự cổ Võ Hà Thanh nằm ở vị trí đắc địa với lưng tựa núi, mặt hướng sông, bên ngoài rêu phong, cỏ mọc nhưng phần lớn kiến trúc, nội thất nguyên vẹn. Từ lâu, nơi đây là điểm đến của nhiều du khách thích khám phá văn hóa lịch sử khi đến vùng đất Trấn Biên.
Biệt thự được ông Đốc Phủ Sứ cho xây dựng hồi năm 1922 và hoàn thành hai năm sau đó, đến nay đã tròn 100 năm tuổi, với kiến trúc Pháp và nhiều vật liệu từ Pháp đưa qua bằng tàu biển.
Căn biệt thự cổ gồm hai tầng, phía mặt sau có khoảnh sân rộng, nhìn từ trên cao cùng với kiến trúc xưa cũ, cây xanh phủ kín.
Bên trong biệt thự có hàng loạt cột cao, to làm bằng bê tông cốt thép, cầu thang từ tầng một lên lầu hai được làm bằng gỗ; lan can, cửa phòng, cửa sổ và cửa chính cũng đều được làm bằng gỗ. Sàn nhà lót gạch men đầu thế kỷ 20 của Châu Âu và hiện vẫn còn tốt. Nơi đây từng làm bối cảnh quay bộ phim Người Đẹp Tây Đô.
Theo gia đình, hầu hết vật dụng trong nhà đều có từ thời Đốc Phủ Sứ Võ Hà Thanh, con cháu chỉ giữ gìn lại mà ít sửa chữa thay mới, chủ yếu để thờ cúng tổ tiên.
Hiện tại, các cháu, chắt của Đốc Phủ Sứ Võ Hà Thanh đang sinh sống trong biệt phủ.
Nói với báo Người Lao Động, bà Đặng Thị Linh Phương, cháu cố Đốc Phủ Võ Hà Thanh, người đang sinh sống tại đây, cho biết bà chuyển vào sinh sống tại ngôi biệt thự này từ năm 1978 đến nay.
Khi nghe thông tin giải tỏa mặt bằng để xây dựng tuyến đường ven sông, gia đình có nguyện vọng được giữ lại ngôi nhà.
Theo Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Biên Hòa, để thực hiện giải tỏa làm dự án đường ven sông, tòa nhà và khu đất được định giá 5.4 tỷ đồng ($219,348).
Theo ông Trần Quang Toại, chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Đồng Nai, biệt thự cổ Võ Hà Thanh có ý nghĩa về giá trị lịch sử và văn hóa đối với địa phương và vùng phụ cận.
Người dân ở đây lưu giữ câu chuyện trận lụt năm Thìn (1952), căn nhà này là nơi cứu sống hơn 100 người gần chợ Bửu Long do nước lũ dâng cao.
“Nếu giữ được di tích này sẽ tạo một kết nối bền chặt hơn về văn hóa lịch sử giữa con sông Đồng Nai với khu vực trên bờ của thành phố Biên Hòa. Việc ‘nắn’ lại đường ven sông Đồng Nai là hoàn toàn trong khả năng. Vì vậy, nếu có điều kiện thì các cơ quan hữu trách cũng xem xét phương án này nhằm bảo tồn được biệt thự cổ Đốc Phủ Võ Hà Thanh,” báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Toại.
Theo dự kiến, căn biệt thự có thể phải phá bỏ để có mặt bằng thực hiện dự án đường ven sông. Dự án đường ven sông dài 5.2 km từ cầu Hóa An, thành phố Biên Hòa đến xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, đã khởi công, với tổng kinh phí 1,300 tỷ đồng ($52.8 triệu). Hiện dự án vẫn chưa hoàn thành do vướng mặt bằng.
Theo ông Nguyễn Xuân Thanh, phó chủ tịch thành phố Biên Hòa, dự kiến trong tuần này, thành phố sẽ họp bàn với các ngành chức năng về vấn đề trên, phá bỏ hay bảo tồn.
Phản ảnh với các báo đài, nhiều độc giả cho rằng “người dân rất mong xây dựng đường sá phát triển nhưng phải giữ được nét văn hóa đặc trưng. Bảo tồn được biệt thự cổ cho nhiều thế hệ sau nữa.”
Trên báo Tuổi Trẻ, độc giả “Coc” ngao ngán: “Thế giới bảo tồn công trình lịch sử lâu đời, một số nơi ở Việt Nam phá sạch.” (Tr.N)