MANILA, Philippines (NV) .- Chính phủ Phi tiếp xúc với Việt Nam và Malaysia để bàn riêng về một “Bộ quy tắc ứng xử” tại Biển Đông bởi đàm phán với Trung Quốc quá chậm chạp.
Các hãng tin Reuters và AP ngày Thứ Hai 20 Tháng Mười Một thuật lời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., tiết lộ như trên khi ông ghé Honolulu trên đường về nước sau khi dự thượng đỉnh APEC ở San Francisco, Hoa Kỳ, hồi tuần qua.
Theo ông Marcos, những tiến bộ trong cuộc đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc cho một Bộ Quy tắc Ứng xử (Code of Conduct – COC) hầu tránh xung đột võ trang về tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông thật “hạn chế”. Từ năm ngoái đến nay, nước Phi đã phải thường xuyên gửi công hàm phản đối các hành động “hung hăng” của Bắc Kinh.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Á Châu Thái Bình dương (Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies) tại Honolulu, ông Marcos nói rằng tình hình tranh chấp tại Biển Đông “trở nên khốc liệt hơn trước kia” vì Trung Quốc bành trướng sự hiện diện của họ tại khu vực đang có sự tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước.
Trung Quốc cho người ta thấy họ muốn các đảo san hô và bãi cạn “ngày càng gần hơn” với bờ biển Phi Luật Tân mà đảo san hô gần nhất chỉ cách bờ biển Phi Luật Tân có 60 hải lý (111 km). Vì các cuộc đàm phán với Trung Quốc không mấy tiến triển, ông Marcos cho hay nước ông “khởi xướng thảo luận với các nước ASEAN khác hiện cũng đang có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Phi như Việt Nam và Malaysia để có một bộ COC giữa chúng tôi.” Ông nói thêm rằng “Hy vọng cách tiếp cận này sẽ mở rộng ra đến các nước ASEAN khác”.
Hãng tin Reuters liên lạc với tòa đại sứ của Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia tại Manila yều cầu bình luận nhưng chưa thấy phản hồi về đề nghị của Phi.
Cho tới nay, cuộc đàm phán ASEAN-Trung Quốc cho một bộ COC mới chỉ gần đạt được cái khung cho các điều khoản đàm phán dù Bắc Kinh khoa trương sẽ hoàn tất trong ba năm. Nhiều nhà phân tích thời sự không tin lời tuyên truyền đó. Ông Ray Powell, một nhà nghiên cứu chiến thuật vùng xám của Trung Quốc tại Biển Đông nói rằng không hy vọng có một COC hữu hiệu, có giá trị pháp lý, khi Bắc Kinh có chủ ý lừa lọc khi tham gia đàm phán.
Tháng Tám vừa qua, giữa những tranh chấp căng thẳng với Manila, Bắc Kinh công bố một tấm bản đồ Biển Đông mới với 10 vạch “lưỡi bò” mà họ gọi là “tiêu chuẩn” chiếm phần lớn Biển Đông, lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước phía nam, đặc biệt Việt Nam và Phi Luật Tân. Cậy sức mạnh quân sự ăn trùm, Bắc Kinh đưa các đoàn tàu Hải cảnh và dân quân biển dọc ngang khắp nơi bất chấp phản đối.
Những cản trở các chuyến tiếp tế cho lực lượng Phi tấn giữ tại bãi cạn Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) những tháng gần đây gây sự chú ý đối với dư luận quốc tế. Hiện những đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc cướp của Việt Nam từ năm 1988 đã trở thành những căn cứ quân sự quy mô trên biển, gồm cả phi đạo, hải cảng, hỏa tiền phòng không, hỏa tiển chống tàu biển, viễn thông vệ tinh.
Tuy là một trong những nước ký tên công nhận Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS), Trung Quốc lại không chịu công nhận phán quyết hồi năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague Hòa Lan phủ nhận giá trị pháp lý của cái chủ quyền “Lưỡi bò”.(TN)