Monday , October 14 2024

Phóng viên chiến trường Phạm Hoàng và duyên nợ với đài Truyền Hình Số 9

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Sau khi tốt nghiệp Luật Khoa, chàng thanh niên Phạm Hoàng được tuyển chọn làm phóng viên đài Truyền Hình Số 9 Sài Gòn. Lúc đó Trung Tá Nguyễn Văn Toàn được biệt phái về làm giám đốc đài.

Trong lúc đang làm việc cho đài, vì lệnh tổng động viên nên phóng viên Phạm Hoàng cũng như bao chàng trai trẻ khác phải tòng quân giúp nước. Tháng Năm, 1969, ông trình diện nhập ngũ.

Lúc đó, ông Phạm Hoàng trong vai trò là tài nguyên Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), nên phải trình diện quân trường Quang Trung học khóa căn bản quân sự khoảng chín tuần, rồi sau đó được chuyển về Trường Bộ Binh Thủ Đức để quân đội đào tạo thành tân sĩ quan của Quân Lực VNCH.

Được biệt phái về đài Truyền Hình Số 9

Nhớ lại thời gian làm phóng viên đài Truyền Hình Số 9 Sài Gòn khi được phóng viên nhật báo Người Việt gợi mở, ông Phạm Hoàng kể khi ngồi làm việc tại Westminster, một thành phố trung tâm của Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại: “Trên đường nhập ngũ, Trung Tá Toàn ra tiễn đưa, rồi cho tài xế chở tôbáo Người Việtphóng viên đến quân trường Quang Trung. Giám đốc đã cho chúng tôi biết là, vì nhu cầu cần thiết của đài truyền hình, nên ông đã cố gắng xin Bộ Thông Tin, và được sự chấp thuận của Nha Động Viên và Bộ Quốc Phòng để cho các phóng viên của ông, sau khi đã học khóa căn bản quân sự sẽ được biệt phái về phục vụ tại đài Truyền Hình Số 9, vì chính ông cũng là một quân nhân đã được biệt phái về đài truyền hình.”

“Sau khi học xong khóa căn bản quân sự thì chúng tôi là những quân nhân được biệt phái về làm nhân viên của đài truyền hình như trước, và không phải đi thụ huấn tại quân trường Bộ Binh Thủ Đức. Nhưng chúng tôi vẫn thuộc quân số của quân đội, ” ông Phạm Hoàng cho biết thêm.

Đài truyền hình đầu tiên tại miền Nam Việt Nam là đài Truyền Hình Việt Nam (THVN) hay đài Truyền Hình Sài Gòn được phát sóng trên băng tần số 9, nên cũng được gọi là đài Truyền Hình Số 9. Đài thuộc Nha Vô Tuyến Truyền Hình của VNCH, phát hình trắng đen với tiêu chuẩn kỹ thuật truyền hình hệ FCC và điều tần tiếng 4.5 MHz.

Sau đó, đài Truyền Hình Số 9 do Tổng Cục Truyền Thanh, Truyền Hình và Điện Ảnh điều hành dưới quyền Bộ Dân Vận VNCH, được thành lập năm 1965. Buổi phát hình đầu tiên của đài là ngày 7 Tháng Hai, 1966, vào lúc 19 giờ. Sau đó, đài được hoạt động suốt đến ngày 29 Tháng Tư, 1975, là kết thúc.

Đài Truyền Hình Số 9 đầu tiên đặt trụ sở chung với Trung Tâm Điện Ảnh Quốc Gia, tại số 9 đường Thi Sách. Đến năm 1967 thì được tách ra thành Phòng Điện Ảnh và Phòng Truyền Hình riêng tại số 9 đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Việc xây dựng và thiết bị do hãng RCA International USA đảm trách, với kỹ thuật phát sóng tương đương như một thành phố trung bình tại Hoa Kỳ. Giám đốc đầu tiên của đài Truyền Hình Số 9 là Trung Tá Đỗ Việt, phó giám đốc là đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Người sau cùng là Trung Tá Lê Vĩnh Hòa làm tổng cục trưởng Tổng Cục Truyền Thanh, Truyền Hình và Điện Ảnh.

Điểm phát sóng đầu tiên bằng kỹ thuật stratovision, được gài “ăng-ten” trên phi cơ bay trên không phận Sài Gòn cách mặt đất từ 3 km đến 6 km. Khu vực phát sóng bao trùm Đông Nam Phần và Trung Nam Phần, từ Phan Thiết đến Long An, dân chúng có TV đều xem được.

Đến ngày 25 Tháng Mười, 1966, thì đài Truyền Hình Số 9 mới lập cơ sở phát sóng trên mặt đất tại thành phố Sài Gòn. Mở đầu cho việc phát sóng này với vở tuồng “Yêu Người Điên” của đoàn cải lương Dạ Lý Hương, do hai nghệ sĩ Hùng Cường và Bạch Tuyết thủ vai chính.

Cùng lúc này là đài Truyền Hình của Quân Đội Hoa Kỳ, phát bằng Anh Ngữ cũng được ra đời tại Sài Gòn. Đài này, lúc đầu gọi là đài AFRTS (Armed Forces Radio Television Service). Đến năm 1967, đài AFRTS được đổi thành đài AFVN (Armed Forces Vietnam Network). Trong khi đài Truyền Hình Sài Gòn được phát sóng trên băng tần số 9 thì đài AFVN được phát sóng trên băng tần số 11. Độc đáo nhất là đài AFVN đã làm cho một số dân miền Nam Việt Nam thích thú và ngưỡng mộ, đó là đài đã trình chiếu đoạn phim của phi hành gia Neil Armstrong đáp xuống mặt trăng vào năm 1969.

Trở thành phóng viên chiến trường

Sau khi được trở về làm việc tại đài Truyền Hình Số 9 thì cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam bắt đầu sôi động. Những chuyến công tác sau này của ông Phạm Hoàng phần nhiều là đi làm phóng sự trong những tổ chức triển lãm chiến lợi phẩm của quân đội, hay ra những tiền đồn, những căn cứ hỏa lực của các quân, binh chủng VNCH đóng quân…

Cùng đi công tác với ông Phạm Hoàng là những chuyên viên thu hình bằng loại máy quay phim trắng đen chứ không có máy video hay camera tân tiến như bây giờ. Vì ngày xưa máy quay phim còn thô sơ nên phải có thêm nhân viên về phần âm thanh được kết nối với máy quay phim trong những phóng sự quan trọng. Thực hiện xong một chuyến phóng sự bằng hình ảnh, khi về đài, những thước phim thu được sẽ giao cho nhân viên rửa phim ráp nối và kiểm duyệt, rồi sau đó đài truyền hình mới cho phát hình.

Những hình ảnh mà dân chúng xem được của đài tại chiến trường thường được chiếu trong phần phóng sự, đều là những sản phẩm làm nên từ những vận chuyển khó khăn, những thao tác công phu của các phóng viên chiến trường của đoàn quay phim, đó là chưa kể những nguy hiểm có thể bị mất mạng tại chiến trường.

Ngày 5 Tháng Bảy, 1972, Quân Lực VNCH đang giải tỏa An Lộc đã bị cộng quân bao vây hơn ba tháng. Nhóm quay phim của ông Phạm Hoàng được lệnh phải nhảy vào An Lộc để phỏng vấn Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng. Nhóm thu hình tại mặt trận An Lộc gồm có Trung Tá Lê Vĩnh Hòa mới về nhậm chức chánh sở chương trình của đài Truyền Số 9 là đoàn trưởng, và nhóm quay phim.

Lúc đó, Phạm Hoàng là phóng viên trưởng toán thu hình, đi chung với ông có nhân viên Võ Văn Cát là cameraman (người thu hình ảnh) và nhân viên Nguyễn Văn Đông là audioman (người thu âm thanh). Lúc đó, họ sử dụng máy quay phim hiệu Auricon 16 ly do Mỹ cung cấp.

Ông Phạm Hoàng kể: “Đoàn chúng tôi được xe của đài đưa đến căn cứ Lai Khê. Tại đây, Sư Đoàn 5 Bộ Binh đang đóng quân và kiểm soát. Đơn vị Chiến Tranh Chính Trị chiến trường của Sư Đoàn 5 lấy lý do an ninh không cho chúng tôi vào An Lộc. Trung tá trưởng đoàn chúng tôi mới báo cáo về đài và nói rõ tình thế như vậy, chúng tôi không thể ra chiến trường An Lộc được. Vì trước khi ra An Lộc thì phải đến căn cứ Lai Khê để được trực thăng đưa chúng tôi ra chiến trường An Lộc.”

Ngày 6 Tháng Bảy, 1972, với lá thư của ông Hoàng Đức Nhã, bí thư Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và cũng là tổng trưởng Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi VNCH, nên sĩ quan Tâm Lý Chiến của Sư Đoàn 5 tại Lai Khê mới cho đoàn quay phim vào căn cứ Lai Khê để chờ trực thăng đưa ra địa bàn của chiến trường An Lộc.

Ông Phạm Hoàng kể: “Trong lúc chờ trực thăng đến thì vị sĩ quan của Sư Đoàn 5 cho chúng tôi biết là, họ chỉ cho phép chúng tôi được hoạt động tại chiến trường An Lộc trong nửa tiếng đồng hồ tại mặt trận để thi hành công tác. Nhưng sau đó, nếu chúng tôi kẹt lại chiến trường, thì họ sẽ không bảo đảm phương tiện đi về và mạng sống của chúng tôi. Vì lệnh công tác chiến trường, chúng tôi phải chấp nhận chứ chúng tôi không thể trở lui lại được.”

“Các quân nhân của Sư Đoàn 5 Bộ Binh tại căn cứ Lai Khê đưa chúng tôi đến bãi đáp trực thăng đang bốc quân tiếp viện cho chiến trường An Lộc, có khoảng trên 10 chiếc trực thăng để đón quân tiếp viện của Sư Đoàn 5. Đoàn chúng tôi gồm có bốn người được tháp tùng với đoàn quân này lên trực thăng riêng để bay vào vùng chiến địa của An Lộc. Trên đường bay vào An Lộc, nhìn xuống đất, chúng tôi thấy rất nhiều xác trực thăng đã bị Việt Cộng bắn rớt, trông rất rùng mình, và rất tội nghiệp cho các phi công cũng như những chiến sĩ của Quân Lực VNCH không may mắn bị trúng đạn phòng không của địch quân tại chiến trường An Lộc,” ông Phạm Hoàng kể thêm. (Lâm Hoài Thạch) [qd]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *