* Chuyện Vỉa Hè
* Đặng Đình Mạnh
CSVN đưa ra Nghị quyết 36 từ Tháng Ba 2004 nhằm thực thi chủ trương vươn vòi bạch tuộc đến cộng đồng người Việt Quốc gia định cư bên ngoài biên giới lãnh thổ (kiều bào). Gần 2 thập niên sau, Tháng Mười Hai 2023, chế độ Cộng sản trong nước củng cố thêm bằng Quyết định số 1334 với thế và lực đã hoàn toàn khác hẳn.
Bỏ qua cái tựa nhu mì, hiền lành của Quyết định số 1334 để lừa phỉnh về dã tâm của chế độ: “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”, nhìn độ dày hơn 10 trang văn bản đã có thể thấy trước tham vọng không nhỏ của chế độ đối với kiều bào. Tựu trung, chế độ Cộng sản đặt ra 2 mục tiêu không thể rõ ràng hơn:
– Huy động bằng được nguồn lực về tài chính của kiều bào về nước để củng cố chế độ Cộng sản độc tài;
– Đàn áp, phân hóa đối với kiều bào bất đồng chính kiến;
1. Huy động tài chính từ kiều bào:
Sau sự kiện 30 Tháng Tư 1975, Cộng sản thực hiện tiếm chiếm miền Nam đã gần tròn nửa thế kỷ, đồng thời, thực thi nhiều chính sách sai lầm đã bần cùng hóa nền kinh tế quốc gia, khiến cho hàng triệu người Việt phải đi tỵ nạn khắp nơi trên thế giới. Người Việt tỵ nạn nhiều nhất là tại các quốc gia phương Tây, vùng Bắc Mỹ như Hoa Kỳ, Canada; Châu Âu như Anh, Pháp, Đức, bao gồm Đông Âu và Úc Châu… thì sau ngần ấy thời gian, kiều bào đã kịp tích lũy cho mình nguồn lực dồi dào cả về trí lực và tài lực.
Chưa tính đến 2 nguồn lực đó, với số lượng kiều hối hàng năm ngày một tăng cao, một mặt giúp cho cuộc sống người dân trong nước được cải thiện, mặt khác, giúp củng cố chế độ độc tài đang ra tay tàn phá tan hoang đất nước.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ với con thú phàm ăn, và cũng để thỏa mãn lòng tham vô đáy, chế độ độc tài trong nước đã dùng mọi thủ đoạn để chiêu dụ, phỉnh nịnh, lôi kéo kiều bào mang tài lực về Việt Nam dưới chiêu bài đầu tư, xây dựng đất nước… Thực chất, là để chúng chực chờ cơ hội để trấn lột, đánh cướp tài sản của kiều bào.
Hàng nghìn tấm gương kiều bào nhẹ dạ, cả tin vào lời hứa hẹn của chế độ đã phải trả giá bằng sự trấn lột, đánh cướp tài sản như vậy. Thậm chí, mất cả chì, lẫn chài như câu chuyện của ông Trịnh Vĩnh Bình, một kiều bào từ Hòa Lan là ví dụ điển hình. Năm 1987, ông mang số tiền 3 triệu đô-la Mỹ về đầu tư tại Việt Nam. Sau khi việc đầu tư phát triển, ông không chỉ bị chính quyền cướp sạch tài sản lẫn cơ sở doanh nghiệp mà còn bị tống giam bằng bản án 11 năm tù giam. Sau 18 tháng tù, bằng phép màu, ông trốn thoát được về Hòa Lan.
Một trường hợp khác nổi tiếng không kém, tên tuổi của ông được khá nhiều kiều bào sinh sống ở Hoa Kỳ đều từng nghe danh là ông Trần Trường, một cảm tình viên của chính chế độ Cộng sản. Năm 1999, ông “chọc giận” người Việt vùng nam California bằng cách treo cờ đỏ sao vàng và chân dung ông Hồ Chí Minh trong cửa tiệm cho thuê băng video của mình, gây nên làn sóng phản đối quyết liệt của cộng đồng người Việt trong vùng suốt 55 ngày đêm. Vụ việc chỉ chấm dứt khi ông ta bị truy tố về tội sang băng lậu.
Năm 2005, ông bán tất cả tài sản ở Hoa Kỳ, mang về Việt Nam đầu tư. Chỉ một năm sau, năm 2006, ông gần như mất sạch tài sản vào tay đối tác kinh doanh và các cơ quan tư pháp tại Việt Nam. Lúc túng quẫn, ông đã từng nghĩ: “Lúc này mà có súng như ở Mỹ, tôi đã bắn chết vợ con rồi tự sát”. Sau khi trở lại Hoa Kỳ, trong cuộc họp báo vào ngày 13 Tháng Mười 2012 ở San Jose, bắc California, ông Trần Trường cho biết: “Những hoài bão để mình mang về, mình đóng góp xây dựng cho quê hương, cuối cùng thì, cái câu trả lời (là): Mày chết mặc kệ mày!”.
Chúng ta có thể kể hàng tá ví dụ như vậy để cho thấy sự thật và cũng là bản chất đằng sau những lời nói phỉnh nịnh ngọt ngào chiêu dụ kiều bào mang tiền đầu tư về nước là những bẫy rập nguy hiểm, đầy rủi ro.
Bên cạnh tài lực, kiều bào còn có một nguồn lực vô giá khác là trí lực. Tức nguồn lực về học vấn, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm… trong tất cả các lĩnh vực đời sống từ một xã hội văn minh. Thế nhưng, hầu như chế độ trong nước không đề cập hoặc kêu gọi gì về nguồn lực này. Cái chế độ cần là nguồn đô-la của kiều bào, chứ không phải sự hiểu biết của kiều bào. Vì lẽ, chấp nhận trí lực của kiều bào, chẳng khác nào phải chấp nhận sự can thiệp của kiều bào vào đời sống xã hội, sự san sẻ quyền lực, quyền quản lý, điều hành đất nước… là điều mà chế độ đang tìm mọi cách để chiếm giữ độc quyền.
2. Đàn áp kiều bào bất đồng chính kiến:
Tại các quốc gia văn minh, sự khác biệt chính kiến là hết sức bình thường và được tôn trọng thông qua việc quy định các quyền tự do căn bản của người dân trong hiến pháp. Thậm chí, chính bản thân sự tự do đã là động lực phát triển của các quốc gia.
Tại Việt Nam, các quyền tự do được long trọng thừa nhận trong hiến pháp chỉ là vật trang sức của chế độ. Sự độc tài mà chế độ đang cố tâm duy trì sẽ không còn cơ sở tồn tại nếu người dân được thực hiện đầy đủ các quyền tự do mang tính hiến định của mình. Do vậy, ngoài việc cấm đoán các quyền tự do trong nước, chế độ còn muốn vươn tay ra ngoài biên giới lãnh thổ để hạn chế các quyền tự do của kiều bào đang sống ở nước ngoài mà họ gọi tên là “Thế lực thù địch”, “Phản động”… Vì lo sợ rằng kiều bào có thể có tác động vào tình hình xã hội, chính trị trong nước.
Thực hiện chủ trương đó, thông qua Quyết định số 1334, chế độ sẽ sớm cho hình thành các tổ chức, hội đoàn thân Cộng ngay tại các khu vực có đông kiều bào sinh sống. Họ sẽ chủ động hoặc đội lốt dưới tư cách những nhân sĩ của chính cộng đồng (nhưng bị lợi dụng vì ngây thơ về chính trị), để đứng ra tổ chức các sự kiện kỷ niệm, triển lãm thành tựu kinh tế, hội thảo cơ hội đầu tư – kinh doanh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thậm chí, tôn giáo… nhân các ngày lễ truyền thống. Tìm cách đưa người xâm nhập vào các tổ chức, hội đoàn, cộng đồng đã có sẵn của kiều bào để “Pha loãng”, “Thay máu”, “Đổi màu” hoặc “Nhuộm đỏ”…
So với thời điểm ban hành Nghị quyết 36 từ gần 2 thập kỷ (năm 2004), chế độ Cộng sản ngày nay đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm hơn trong việc vươn vòi bạch tuộc ra ngoài biên giới lãnh thổ. Họ không chỉ là một tổ chức mà là cả bộ máy chính quyền, có khả năng huy động nhân lực, vật lực, tài lực gần như vô giới hạn vào “cuộc chiến” của họ.
– Nhân lực của họ được trẻ hóa hơn, giỏi giang, hiểu biết hơn về các kỹ năng hoạt động, phương tiện hoạt động.
– Vật lực của họ hiện đại hơn.
– Tài lực hầu như vô giới hạn.
Họ luôn luôn đặt sự sống còn của chế độ độc tài lên trên tất cả mọi mục tiêu quốc gia, dưới chiêu bài an ninh quốc gia, thực chất chỉ là an ninh cho chế độ mà thôi. Cho nên, khác với một chính quyền lương hảo chỉ sử dụng các nguồn lực cho việc phát triển quốc gia, chế độ độc tài sử dụng mọi nguồn lực chỉ với mục tiêu duy nhất là duy trì cho bằng được sự độc tài quyền lực chính trị để vun vén lợi ích cho một số ít quan chức Cộng sản cao cấp, tham tàn.
Trước nguy cơ đã gần như hiển hiện ngày một rõ, cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới đã chuẩn bị gì để bảo vệ căn cước và bản sắc người Việt quốc gia tỵ nạn, phần phẩm chất vô giá còn lại của mình trước chiếc vòi bạch tuộc của chế độ Cộng sản trong nước?
DC, ngày 16/08/2024
Đặng Đình Mạnh