Monday , September 9 2024

‘Tạ Tình,’ đêm nhạc tại Viện Việt Học đón chào lễ Tạ Ơn sắp đến

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Nhân dịp đón chào lễ Tạ Ơn sắp đến, Câu Lạc Bộ (CLB) Văn Nghệ Viện Việt Học tổ chức chương trình ca nhạc chủ đề “Tạ Tình” vào tối Thứ Bảy, 5 Tháng Mười Một, tại Viện Việt Học, thành phố Westminster.

Bà Nguyễn Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, nói: “Những gì có được hôm nay, chúng ta không thể quên đi ngày hôm qua và những ngày trước đó. Chúng ta có những người đã yêu thương mình, và cũng như có những người chưa được thương yêu. Nhưng khi mọi người đã đến với nhau một cách chân tình, thì chúng ta cũng nên giữ mối chân tình đó để nói lời cám ơn với họ. Cám ơn mọi người, cám ơn cuộc đời đã cho những gì mà chúng ta có được trong ngày hôm nay.”

Chủ đề “Tạ Tình” là một chương trình âm nhạc, nhằm cống hiến cho cộng đồng thưởng thức những ca khúc để tạ ơn ai đã cho chúng ta được hiện diện trong cuộc đời người.

Và trong những “ai” đó, Kim Ngân diễn đọc bài thơ bất hủ “Anh Hùng Vô Danh” của cố thi sĩ Đằng Phương (Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy): “Họ là những anh hùng không tên tuổi/ Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông/ Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh/ Nhưng can đảm và tận tình giúp nước/ Họ là kẻ muôn nghìn năm thuở trước/ Ðã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu/ Và làm cho những đất cát hoang vu/ Biến thành một dãy san hà gấm vóc.”

Rồi cũng từ ý tưởng của bài thơ bất hủ “Anh Hùng Vô Danh,” nhạc sĩ Phạm Duy đã cho ra đời bài nhạc bất tử “Chiến Sĩ Vô Danh.” Tuy lời thơ và những lời nhạc không giống nhau, nhưng cũng có cùng chung ý tưởng để vinh danh những anh hùng chiến sĩ vô danh. Và bài nhạc này đã mở đầu chương trình ca nhạc, do toàn ban CLB Văn Nghệ Viện Việt Học đồng ca.

Ái Liên hát bài “Tạ Ơn Đời” của cố nhạc sĩ Phạm Duy, nói: “Cuộc đời này đã cho tôi nhiều niềm vui, nhiều hạnh phúc, và đôi khi cũng có nhiều sự đau khổ đè nặng. Nhưng, cuộc sống của mình có sao đi nữa thì mình cũng phải tạ ơn đời, mà nhạc sĩ Phạm Duy đã cho chúng ta qua những lời nhạc thấm thía của cuộc sống này, ‘Ôi ơn đời chói vói/ Nhớ khi thân tròn ôm gối/ Ba trăm ngày trong gói/ Ngóng trông ra đời góp mối chung vui/ Ôi ơn đời mãi mãi/ Thoát thai theo đời vun xới/ Bao nhân tình thế giới/ Lớn lên trong vườn ân ái muôn đời…’”

Bài “Cảm Ơn”của Ngân Khánh, tức nhạc sĩ Nhật Ngân, và bài nhạc này với tiếng hát của ca nhạc sĩ Duy Khánh đã làm nức lòng các chiến sĩ miền xa nơi tiền tuyến trước 1975, nên có một số người đã lầm tưởng bài “Cảm Ơn” của Duy Khánh. Những lời nhạc đã bày tỏ lòng thương nhớ quê nhà của người lính chiến lúc nhận được quà Xuân từ người mẹ yêu quý, và cô em bé nhỏ còn đang tuổi học trò tại hậu phương.

Bài nhạc này tiếp nối chương trình qua tiếng hát Trần Thạch.

Từ thập niên 1960-1970, những tác phẩm nhạc trữ tình miền Nam bắt đầu xuất hiện những gương mặt mới đã làm say mê giới trẻ yêu nhạc, cho dù những cuộc tình ấy được hạnh phúc hay đau khổ. Những nhạc sĩ mới hội nhập vào làng âm nhạc lúc bấy giờ đã cho ra đời những tác phẩm tình ca được nhiều người yêu chuộng trong đó có Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An và Từ Công Phụng.

Theo lời nhạc sĩ Từ Công Phụng: “Từ những bước đầu đến với âm nhạc thì tôi vẫn tự dặn lòng là sẽ chọn con đường tình ca để sáng tác. Bởi tình ca là một điều vĩnh cửu. Vì trong cuộc đời này, ngày nào còn những đôi tình nhân thì sẽ còn những bài tình ca để ca ngợi tình yêu từ thế hệ này đến thế hệ tiếp nối.”

Thạch Thảo hát bài “Giữ Đời Cho Nhau” thơ Du Tử Lê, nhạc Từ Công Phụng. Tiếng hát này cũng không lạ đối với khán giả của Viện Việt Học, và cũng có thời gian Thạch Thảo làm việc tại nơi này.

Thật sự thì những giọng hát trầm buồn vẫn chưa đủ, mà còn phải có gương mặt buồn khi hát thì mới trải hết những ưu tư “quặn tình khúc” của hai tài nhân thi sĩ và nhạc sĩ đã cho ra đời tình khúc “Giữ Đời Cho Nhau.” Thế mà, hình như Thạch Thảo đã cố gắng hay đang thả hồn khi hát những ca từ: “Ơn em thơ dại từ trời, theo ta xuống biển, vớt đời ta trôi/ Ơn em dáng mộng mưa vời, theo ta lên núi, về đồi yêu thương/ Tạ ơn em, tạ ơn em…”

Ái Phương hát một nhạc phẩm trong tập “Đạo Ca” của nhạc sĩ Phạm Duy, đó là bài “Chắp Tay Hoa” cũng có nghĩa là quy y, theo Ái Phương.

“Khi chúng ta được ra đời, rồi lớn lên được sống trong môi trường gia đình, xã hội đến ngày hôm nay, thì chúng ta đã mang ơn rất nhiều của trời đất, Chúa, Phật, quốc gia, ông bà, cha mẹ, bạn bè cùng vạn vật… Thì ca khúc ‘Chắp Tay Hoa’ là bài thuộc loại Phật Giáo Ca, biểu hiện cho con người được sinh ra rồi sẽ mất đi. Cho nên khi chúng ta hiện hữu thì mình phải biết tạ ơn tất cả muôn loài chúng sanh, trước khi ra đi vĩnh viễn,” Ái Phương tâm tình.

Khúc tình ca “Cám Ơn Người Tình” của Lam Phương, giai điệu của tác phẩm này nhạc sĩ uốn nắn nhẹ nhàng qua thể điệu Slow và cũng có chút chầm chậm của Ballad.

Nhạc tình của Lam Phương thì phần nhiều ông soạn cho những cuộc tình không trọn vẹn, nhưng ông vẫn chấp nhận và cám ơn những cuộc tình dang dở đã đến với ông. Đặc biệt trong bài “Cám Ơn Người Tình” cũng trau chuốt bằng nhiều ca từ yêu thương gắn bó, rồi cũng bị dang dở. Nhưng, trong suốt 172 lời ca của bài này, mà chỉ có hai chữ “cám ơn” trong đoạn cuối: “Từ nơi xa xôi, cám ơn tình đó, vừa cho ta ngày tháng đau thương ngậm ngùi.” Bài nhạc này có nét đúng nghĩa với chủ đề “Tạ Tình” nhất, bởi vì tạ tình cũng có nghĩa là tạ ơn tình người.

Ngọc Quỳnh hát bài “Cám Ơn Người Tình” thì lại cho rằng: “Tôi hát bài này là vì mình muốn cám ơn người tình, đó là người yêu thương của mình đang ở bên mình suốt cuộc đời này. Ngược lại với ý tưởng của nhạc sĩ Lam Phương là ông vẫn cám ơn người tình đã cho ông những ngày tháng đau thương ngậm ngùi.”

Tiếp theo là bài nhạc “Cám Ơn Tấm Lòng Thế Giới” với phần tam ca của  Ngọc Quỳnh, Lâm Dung và Ái Liên.

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc tâm tình: “Tôi soạn ca khúc ‘Cám Ơn Tấm Lòng Thế Giới’ là để bày tỏ lòng biết ơn các quốc gia, các tổ chức và các cá nhân đã cứu giúp những người Việt vượt biên tị nạn cộng sản, và nhất là cám ơn những thuyền nhân đã bỏ mình trên biển khơi cũng vì hai chữ tự do. Chính những nạn nhân bất hạnh này đã làm cho thế giới xúc động, mà ra tay cứu giúp thuyền nhân.”

Trong số khán giả đến dự, Bác Sĩ Đỗ Trọng Thái, cựu hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Petrus Ký, tâm tình: “Đã gần đến Thanksgiving, đây cũng là dịp cho mọi người tạ ơn đời, tạ ơn người và tạ ơn chính phủ Hoa Kỳ đã cưu mang cộng đồng người Việt được sống tự do, hạnh phúc tại đất nước này. Đồng thời chúng ta cũng không quên tạ ơn những bậc tiền nhân đã có công dựng nước và gìn giữ bờ cõi Việt Nam, cũng như tạ ơn những chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh đã từng chiến đấu cho sự an bình của toàn dân miền Nam Việt Nam.”

Ông Nguyễn Công Thuần, cựu kỹ sư Thủy Điện Đa Nhim và Điện Lực Việt Nam Cộng Hòa, nói: “Tuy tôi là người chuyên về kỹ thuật, nhưng tôi rất ngưỡng mộ về những bộ môn văn học nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Vì thế, trong cộng đồng người Việt tại Little Saigon có tổ chức những chương trình có liên quan đến văn học nghệ thuật truyền thống Việt thì tôi thường đến tham dự. Tuy rằng những buổi ca nhạc được tổ chức tại Viện Việt Học không có quy mô, nhưng nội dung thì rất có ý nghĩa, nhằm để bảo tồn văn hóa của dân tộc Việt tại hải ngoại.”

Chủ đề “Tạ Tình” với những tiếng hát Ái Liên, Ngọc Quỳnh, Lâm Dung, Hương Thơ, Kim Phượng, Tuấn Minh, Trần Thạch, Tuấn Hải, Hy Đạt, Như Ý, Quý Hà, Thạch Thảo, Thu Quyên, Tịnh Trang, Ban hợp ca CLB Văn Nghệ Viện Việt Học, và nhạc sĩ keyboard Michael Thanh.

Các ca sĩ hát những tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy, Ngân Khánh, Nhật Ngân, Từ Công Phụng, Hoàng Phi Thơ, Y Vũ, Hoàng Trọng, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Quốc Dũng, Lam Phương, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Văn Thành, Huy Tuấn và Trần Chí Phúc.

“Ban Điều Hành Việt Việt Học đã cố gắng duy trì đường nét văn học nghệ thuật của văn hóa Việt trên 20 năm qua tại hải ngoại, cũng nhờ sự hỗ trợ của đồng hương đến với những chương trình có ý nghĩa ở tại không gian này. Tiếng Việt còn, văn hóa Việt còn, là còn hồn Việt Nam tại hải ngoại. Xin đồng hương hãy góp bàn tay để duy trì truyền thống Việt trên xứ người,” bà Nguyễn Kim Ngân nhắn nhủ. [qd]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *