Thiện Lê/Người Việt
HOLLYWOOD, California (NV) – Một chủ đề “hấp dẫn” mà không có quá nhiều phim đưa lên màn ảnh, đó là ẩm thực Trung Quốc, một nền ẩm thực có 4,000 năm lịch sử.
Các phim ẩm thực Trung Quốc đa số nói về cuộc thi giữa các đầu bếp, nhưng cũng có phim nói về chủ đề gia đình, còn có phim kết hợp võ thuật với nấu ăn một cách hài hước. Tuy có nhiều cách thể hiện, nhưng phim nào chắc chắn cũng làm khán giả đói cồn cào.
Những tác phẩm dưới đây chắc chắn sẽ gợi nên cảm xúc thèm “ăn cơm Tàu” của khán giả.
Cook Up a Storm
Tác phẩm “Cook Up a Storm” là một phim Hồng Kông tương đối mới vì chiếu vào năm 2017, nói về sự tranh đấu giữa ẩm thực Trung Quốc truyền thống với ẩm thực Tây Âu.
Phim có nhân vật chính là anh Sky, do diễn viên và ca sĩ Tạ Đình Phong (Nicholas Tse) đóng, một đầu bếp chuyên nấu các món ăn của Quảng Đông nhưng không được đào tạo chính quy. Cha bỏ rơi anh từ nhỏ để theo đuổi sự nghiệp đầu bếp, nên anh quyết định đi theo con đường đó để chứng minh ông phạm sai lầm khi bỏ rơi con trai.
Tuy nhiên, anh phải đối đầu với đầu bếp Paul Ahn, do ca sĩ và diễn viên Jung Yong Hwa người Nam Hàn đóng. Anh Paul là một đầu bếp được đào tạo chính quy ở Pháp, và mở một nhà hàng đối diện tiệm ăn của Sky.
Điều đó dẫn đến sự đụng độ của hai người, dẫn đến cả hai nhân vật trổ tài tại một cuộc thi nấu ăn quốc tế.
“Cook Up a Storm” có những cảnh nấu ăn vừa chi tiết vừa khó tin như phim võ thuật, tạo ra những món ăn vô cùng hấp dẫn. Phim này giữ được chủ đề thường thấy trong phim ẩm thực Trung Quốc là cuộc thi của các đầu bếp, nhưng sau đó tạo ra một tình bạn lâu dài giữa hai đối thủ.
Eat Drink Man Woman
Một phim kinh điển về ẩm thực Trung Quốc khó bỏ qua là “Eat Drink Man Woman” công chiếu năm 1994, có đạo diễn Ang Lee (Lý An), gốc Đài Loan, dẫn dắt.
Phim có bối cảnh ở thủ đô Đài Bắc của Đài Loan, và nhân vật chính là đầu bếp Chu góa vợ với ba cô con gái chưa lấy chồng.
Một cô con gái là giáo viên dạy hóa học theo Công Giáo và rất sùng đạo; một cô con gái khác là nhà điều hành cho hãng hàng không; và một cô con gái làm việc cho tiệm thức ăn nhanh. Cuộc sống của bốn cha con có một truyền thống không thể thiếu là bàn ăn thịnh soạn vào mỗi Chủ Nhật.
Bữa ăn đó cho họ sự ổn định và sức mạnh tinh thần để vượt qua những khó khăn trong tình cảm, cùng nhiều thất vọng trong cuộc sống.
Cảnh mở màn của phim vừa nhẹ nhàng, nhưng đầy ấn tượng vì người cha tự chuẩn bị và nấu hết mọi món ăn cho bữa tối Chủ Nhật.
Trong cảnh này, ánh sáng và góc quay chú trọng vào bàn tay của đầu bếp, cho khán giả thấy tay nghề của đầu bếp Chu và thấy được sự công phu của từng món ăn. Không chỉ vậy, âm thanh cũng tạo sự thèm thuồng, vì có tiếng “cộc cộc” của dao chặt lên thớt, tiếng dầu sôi sục sục, tiếng “xèo xèo” của các món xào, tiếng “xì” của hơi nước cho các món hấp.
“Eat Drink Man Woman” là một phim có chủ đề rất quen thuộc với khán giả Á Châu vì nói về cách cha mẹ áp đặt suy nghĩ của họ lên con cái, từ cách sống cho đến từng cử chỉ.
Rice Rhapsody
Ai cũng biết đến đầu bếp người Mỹ gốc Hoa lừng danh là Martin Yan qua chương trình “Yan Can Cook,” nhưng ông từng đóng một phim nấu ăn rất đáng xem là “Rice Rhapsody” vào năm 2004, còn có tựa là “Cơm Gà Hải Nam.”
Phim có bối cảnh ở khu phố người Hoa của Singapore, có nhân vật chính là bà Jen Tan, một người mẹ độc thân và là chủ một tiệm bán cơm gà Hải Nam ngon nhất tại khu phố này.
Ông Martin Yan đóng vai đầu bếp Kim Chui, chủ một tiệm ăn khác tại khu phố người Hoa của Singapore, nhưng không thành công như tiệm của bà Jen. Để cạnh tranh với bà, ông nấu món cơm vịt Hải Nam và bắt đầu tìm được nhiều thành công, dẫn đến cuộc thi nấu ăn giữa hai người để biết ai là người nấu món cơm truyền thống của Singapore ngon nhất.
Ông Kim Chui còn có tình cảm với bà Jen, và giúp bà chấp nhận được chuyện con trai mình là người đồng tính. Cuộc thi nấu ăn giữa hai người còn là cách ông giúp bà hàn gắn tình cảm với con trai.
“Rice Rhapsody” có những cảnh nấu ăn được quay rất đẹp, chắc chắn sẽ làm khán giả thèm ăn, và còn nói về nhiều vấn đề trong xã hội như tình cảm gia đình và người đồng tính tuy là phim của năm 2004.
The Chinese Feast
Khi nhắc đến phim nói về các cuộc thi nấu ăn của Trung Quốc, có thể nói tác phẩm nổi trội nhất là “The Chinese Feast” của năm 1995.
Phim nói về hai đầu bếp Kit và Au. Ông Kit là một đầu bếp nổi tiếng, coi trọng công việc hơn gia đình, nên vợ ông bỏ đi và dắt theo em bé mới sanh. Điều đó làm ông buồn rầu, uống rượu rất nhiều và cuộc sống với sự nghiệp bắt đầu đổ vỡ.
Ông Au là đầu bếp và chủ một nhà hàng, được một công ty mời ký hợp đồng để sáp nhập nhà hàng của ông vào một khối nhà hàng độc quyền. Ông từ chối và cách duy nhất để giữ nhà hàng là tham gia cuộc thi nấu “Mãn Hán Toàn Tịch,” một buổi yến tiệc có đến 108 món của người Mãn và người Hán.
Để giành được chiến thắng, ông Au mời đầu bếp trẻ Sun, một cựu thành viên băng đảng, nhưng nhận thấy họ cần có một đầu bếp đầy kinh nghiệm mới thắng được nên quyết định mời ông Kit và mọi cách để ông lấy lại được tay nghề như trước.
“The Chinese Feast” chắc chắn đầy những cảnh nấu ăn sử dụng những kỹ năng khó tin như xào thịt bò trên lửa lớn, không cần dầu và không cần đưa vào chảo, còn có một sườn chiên chua ngọt quen thuộc của Hồng Kông được nhúng nước đường và nước đá để nước xốt biến thành một lớp vỏ giòn tan bên ngoài.
Những món ăn trong “Mãn Hán Toàn Tịch” cũng rất hấp dẫn, giúp “The Chinese Feast” luôn đứng đầu trong thế giới phim ẩm thực Trung Quốc.
The God of Cookery
Khi nhắc đến phim ẩm thực Trung Quốc, một phim mà không ai bỏ qua được là “The God of Cookery” chiếu năm 1996 do Châu Tinh Trì đóng vai chính và làm đạo diễn.
Trong phim này, ông giữ tên mình cho nhân vật chính là Châu Tinh Trì, người được mệnh danh là “Thần Bếp,” nhưng chỉ là một chủ thương hiệu thành công, gần như không biết nấu ăn. Anh thường làm giám khảo cho những cuộc thi nấu ăn đã được dàn xếp kết quả để bêu xấu nhiều đầu bếp.
Đến một lúc, anh bị một đầu bếp tên là Đường Ngưu lật mặt, chứng minh mình không biết nấu ăn và bị mất danh hiệu “Thần Bếp.” Anh sau đó mất hết mọi thứ, được cô Gà Tây, một chủ tiệm ăn, giúp đỡ.
Anh trả ơn cô bằng cách giúp cô và một đầu bếp khác là Đầu Ngỗng không đụng độ nữa. Anh kết hợp bò viên và tôm tít của hai bên lại, thành món bò tôm viên cực kỳ thành công.
Sự thành công đó giúp Châu nhận ra mình phải đi học nấu ăn, nhưng bị Đường Ngưu hãm hại khi đang đến trường ẩm thực. Sau một số biến cố, anh tìm đến Thiếu Lâm Tự để học nấu ăn ở đó, rồi thách đấu Đường Ngưu để giành lại danh hiệu “Thần Bếp.”
“The God of Cookery” có nhiều yếu tố quen thuộc của phim Châu Tinh Trì như khôi hài ngẫu nhiên, làm khán giả vui cười bất ngờ, còn kết hợp khéo léo giữa phim nấu ăn với nhiều yếu tố của phim kiếm hiệp và phim võ thuật, tạo ra một tác phẩm khó quên. (Thiện Lê) [qd]
—–
Liên lạc tác giả: [email protected]