HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tiếng là thảo luận dân chủ trong nội bộ đảng, người ta thấy Tô Lâm đã mánh mung cài cắm phe cánh để giữ lấy quyền lực độc tôn.
Ông Zachary Abuza, một chuyên viên về các vấn đề Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Quốc gia (National War College) ở Washington có một bài phân tích khá sâu sắc về nội tình thượng tầng chính trị CSVN trên báo South China Morning Post ở Hongkong.
Bài viết đã ba ngày nay nhưng những gì nhìn thấy từ một người theo dõi sát chính tình Việt Nam đáng được theo dõi. Abuza cho rằng Tô Lâm đã mau chóng củng cố quyền lực khi cài cắm những đồng đảng thân tín vào các vị trí then chốt trong đảng. Đồng thời, ông ta vô hiệu hóa tại hai lãnh vực bị chống đối để ông được bầu làm Tổng bí thư trọn khóa 5 năm khi đại hội đảng vào đầu năm 2026.
Khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chết, Tô Lâm chỉ được bầu làm quyền Tổng bí thư thôi. Thật ra, ông ta đã mưu đồ chiếm đoạt quyền lực mau chóng với các chứng cớ chĩa mũi dùi một cách có hệ thống vào các đối thủ trong Bộ Chính trị từ Tháng Mười Hai năm 2022. Khoảng 20 tháng tiếp theo, ông ta đạo diễn việc từ chức của 7 trong số 18 Ủy viên Bộ Chính trị vốn được bầu ở đại hội đảng khóa 13 đầu năm 2021.
Đó là mức độ xáo trộn chính trị chưa từng có với tham vọng cá nhân trong một hệ thống chính trị độc tài vốn tự hào về mức độ ổn định và lãnh đạo tập thể. Ngay cả trước khi được bầu vào ghế Tổng bí thư, Tô Lâm là người thay mặt trên danh nghĩa, chủ tọa nhiều phiên họp, khi ông Trọng bệnh hoạn ngày càng tồi tệ ở tuổi 80.
Trong khi chú ý đến các vụ từ chức mà Tô Lâm đạo diễn, cũng phải để ý đến các trò củng cố quyền lực của ông ta vốn cũng rất hiệu quả.
Sau khi ép được Nguyễn Xuân Phúc ra khỏi ghế Chủ tịch nước đầu năm ngoái, đến Tháng Tư năm nay thì lại ép luôn Võ Văn Thưởng ra khỏi chức đó để ông ta leo lên ngồi. Ông ta muốn giữ lại ghế Bộ trưởng Công an cho mình kiêm nhiệm nhưng bị chống đối cả ở Trung ương đảng và Quốc hội. Các phe cánh khác muốn đưa tướng Trần Quốc Tỏ, (Thứ trưởng Công an và là em trai cựu Bộ trưởng Công an và Chủ tịch nước Trần Đại Quang) lên làm Bộ trưởng nhưng ông Lâm đã lèo lái để đưa người thân tín của mình là Lương Tam Quang, lên thay.
Ngoài chuyện Lương Tam Quang là cấp phó lâu năm cho ông Lâm ở Bộ công an, ông này có có mối quan hệ đặc biệt giữa hai người. Lương Tam Quang với Tô Lâm là người cùng quê tỉnh Hưng Yên. Trong thời chiến tranh Việt Nam, bố của Quang là cận vệ của bố Tô Lâm.
Ngày 16 Tháng Tám mới đây, Trung ương đảng đã họp và “bổ sung” Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị có nhiều ghế trống hệ quả của chiến dịch “đốt lò”. Như vậy, Tô Lâm có một đồng đảng trụ cột ngồi trong cái cơ chế định đoạt vận mệnh cả nước. Đồng thời, ông tân Tổng bí thư còn cài cắm các tay chân thân tín khác vào các chức vụ then chốt trong đảng, phần lớn đều là Công an gộc, cấp phó của Tô Lâm cả.
Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng công an, được Tô Lâm đẩy sang nắm chức Chánh văn phòng Trung ương đảng. Tướng Trịnh Văn Quyết, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội được điều động sang làm Bí thư Trung ương đảng. Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao được điều chuyển sang làm Chánh án Tòa án tối cao.
Ban Bí thư phụ trách điều hành công việc hàng ngày của đảng CSVN. Một loạt những người mới được đưa vào đây từ phía an ninh phản ảnh sự âu lo của chế độ về khả năng “cách mạng màu” ngay từ trong nội bộ. Gần đây, Bộ Chính trị cử Vũ Hồng Vân, một tướng Công an và là em vợ trước của Tô Lâm, cùng quê Hưng Yên với ông tân Tổng bí thư, được đôn lên làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương của đảng. Trần Cẩm Tú hiện cầm đầu ủy ban này.
Rất khó biết được bản chất thật mối quan hệ giữa Tô Lâm với Trần Cẩm Tú thế nào, nhưng người ta tin hai bên có thể có những hiềm khích. Nhiều người coi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng, nhiệm vụ điều tra các quan chức cấp cao của đảng, là một trong hai cơ quan có quyền điều tra Tô Lâm, trong khi ông ta dùng quyền lực Công an hạ bệ các đối thủ trong Bộ Chính trị.
Như vậy, Vũ Hồng Vân sẽ được dùng như kẻ tai mắt của Tô Lâm ở Ủy Ban Kiểm tra Trung ương để bảo đảm cơ quan này không làm gì nguy hại cho chính ông tân tổng bí thư và các tay chân thân cận. Trước đây từng có các xì xầm là phe cánh Nghệ An-Hà Tĩnh liên kết nhau làm trùm ở thượng tầng chính trị CSVN. Nay, sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Nghệ An) phải “xin thôi chức” đầu Tháng Tư vừa qua, những âu lo đó nhạt dần.
Bên cạnh những nhân vật được Tô Lâm cài cắm kể trên, những tướng lãnh quân đội khác quê quán Hưng Yên cũng thấy được cài vào các vị trí then chốt như tướng Hoàng Xuân Chiến thứ trưởng Quốc phòng, tướng Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh quân khu I giáp giới Trung Quốc.
Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì quân đội là một trung tâm quyền lực thay thế cho Bộ Công an. Đó là một định chế chính trị mà Tô Lâm ít ảnh hưởng dù mới đây lên làm Tổng bí thư, ông đương nhiên là Chủ tịch Quân ủy trung ương, chức vụ cao nhất của quân đội CSVN. Dù sao, ông ta có thể cố cài cắm một vài người thân tín nhưng giữa quân đội với Công an thì vẫn thường đối chọi nhau.
Ít nhất, Tô Lâm muốn bảo đảm rằng quân đội sẽ không tranh cái ghế Tổng bí thư của ông ta khi diễn ra đại hội đảng đầu năm 2026. Quân đội chiếm tỉ lệ đông nhất trong trung ương đảng với 13%.
Có lẽ có một ngoại lệ của cái phe cánh Hưng Yên đông đảo là gần đây Lê Minh Hưng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, được đưa vào Bộ Chính Trị. Tuy gốc gác Hà Tĩnh nhưng lại quan hệ thân cận với Tô Lâm. Cha của Hưng là Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương vốn là xếp cấp cao của Tô Lâm thuở trước.
Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang và Đỗ Văn Chiến, một Ủy viên Bộ Chính trị thứ ba đã tháp tùng Tô Lâm đi Trung Quốc mới đây.
Tô Lâm đã cam kết chiến dịch “đốt lò” sẽ tiếp diễn. Nửa đầu năm 2024, đã có 308 tổ chức đảng với 11,000 đảng viên, gồm cả 47 đảng viên cấp cao do Trung ương quản lý, đã bị kỷ luật, theo thông tin đưa ra trong phiên họp của cơ quan chống tham nhũng trung ương trong tháng này. Một trong những nạn nhân hàng đầu của chiến dịch này là ông Phó thủ tướng Lê Minh Khái.
Người ta tin rằng Tô Lâm sẽ võ khí hóa chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng để vô hiệu hóa các đối thủ và phe cánh của họ, trừ khử các tay nào muốn chống đối. Hiện đang có tin đồn tướng Lương Cường sẽ được đẩy vào ghế Chủ tịch nước để thượng tầng chế độ Hà Nội có “tứ trụ” cầm đầu như trước, còn cái “tam trụ” hiện nay chỉ tạm thời.
Người ta thấy Tô Lâm có vẻ thoải mái khi ngồi “một đít hai ghế”. Sau khi đi Trung Quốc, có tin ông ta sẽ đi Mỹ trong Tháng Chín dự họp đại hội đồng LHQ và có thể gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề.
Theo nhận định của ông Abuza, nếu ai có thể thách đố chuẩn mực lãnh đạo tập thể, đó chính là Tô Lâm, kẻ đang sắp đặt các quân cờ vào vị trí để thâu tóm quyền lực từ trước tới giờ hiếm thấy.(NTB)