NEW YORK, New York (NV) – Ông Tô Lâm, tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam, có cuộc hội đàm song phương với Tổng Thống Joe Biden của Mỹ bên lề cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hôm Thứ Tư, 25 Tháng Chín, chỉ vài giờ sau khi Trung Quốc bắn thử hỏa tiễn liên lục địa có thể tới đất liền của Hoa Kỳ.
Đây là lần đầu tiên ông Tô Lâm gặp ông Biden trong khi đang giữ hai chức vụ cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay.
Màn ảnh truyền hình của các cơ quan truyền thông cho thấy, ông Biden phát biểu trước, ca ngợi thành tựu hai bên đạt được trong thời gian qua, nhất là kể từ khi quan hệ giữa Washington và Hà Nội được nâng lên mức cao nhất, thành đối tác chiến lược toàn diện.
“Thật là vui khi được gặp lại ông, lần này tại Mỹ, và tôi rất trân trọng, khi chúng ta cùng họp tại Liên Hiệp Quốc,” Tổng Thống Biden nói. “Cách đây một năm, tại Hà Nội, chúng ta bắt đầu một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Và chúng ta đã nâng quan hệ lên tầm cao nhất. Kể từ đó, chúng ta tự hào đã đạt được nhiều tiến triển.”
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tiếp: “Trước hết, chúng ta cùng cam kết đầu tư vào chất bán dẫn và thay đổi nguồn cung cấp vật liệu, để có thể gia tăng kỹ nghệ sản xuất chip tại Mỹ. Thứ đến, chúng ta hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng. Thứ ba là chúng ta cam kết có một đại dương rộng mở, tự do hải hành, tuân thủ luật pháp quốc tế. Và cuối cùng, chúng ta tiếp tục công việc dang dở hàn gắn vết thương chiến tranh.”
“Tôi tự hào là Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam $215 triệu để tẩy chất độc màu da cam. Trong khi đó, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm nữa,” ông Biden nói. “Như tôi nói trong bài diễn văn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, không có gì có thể cản trở chúng ta hợp tác tốt hơn.”
Ông Tô Lâm đáp: “Thật là vui khi gặp lại ông. Đây là lần thứ ba chúng ta gặp nhau, giống như một câu ngạn ngữ, đây là định mệnh.”
“Trước hết, thay mặt đảng, nhà nước, và nhân dân Việt Nam, và gia đình cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến ông vì đã gởi lời chia buồn về sự ra đi của tổng bí thư của chúng tôi,” ông Lâm tiếp. “Cảm ơn ông đã phái Ngoại Trưởng Anthony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đến thăm viếng.” (Trong phần này, ông Tô Lâm nhớ lộn vì người đi cùng với ông Blinken khi đó là ông Daniel Kritenbrink, phụ tá ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương Sự Vụ và là cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, chứ không phải ông Sullivan).
Ông Tô Lâm tiếp: “Chúng tôi rất trân trọng giá trị của Mỹ, đặc biệt là ông, đối với cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Ngay cả khi còn sống, cố tổng bí thư thường nhắc đến ông với những kỷ niệm đẹp, và thật sự trân trọng ông.”
Nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đề cập đến chuyến thăm Mỹ của ông Trọng trước đây và chuyến thăm Việt Nam của ông Biden hồi năm ngoái, và cho rằng đây là sự kiện lịch sử trong quan hệ song phương giữa hai cựu thù.
“Chuyến thăm lịch sử của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ năm 2015, và sau đó là chuyến thăm Việt Nam của ông hồi Tháng Chín năm ngoái, là một cột mốc lịch sử, và đóng một vai trò vô cùng lớn trong sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và kết quả là mức quan hệ song phương mà chúng ta đang có ngày nay,” ông Tô Lâm nói.
Ông Tô Lâm cũng ca ngợi đóng góp rất lớn của ông Biden trong quan hệ Việt-Mỹ.
Ông nói: “Chúng tôi vô cùng trân trọng cảm tình của ông đối với Việt Nam, và sự đóng góp mang tính lịch sử của ông đóng một vai trò chủ chốt trong việc nâng cao quan hệ song phương của chúng ta, đó là đối tác chiến lược toàn diện mà chúng ta đang tận hưởng hôm nay.”
Trước đó, hôm Thứ Ba, 24 Tháng Chín, ông Biden và ông Tô Lâm đều có đọc diễn văn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, trong đó, nhà lãnh đạo Mỹ đọc buổi sáng, nhà lãnh đạo Việt Nam đọc buổi chiều.
Trong bài diễn văn, ông Biden nhắc đến chữ “Việt Nam” năm lần.
Năm 2023, trong bài diễn văn đọc tại diễn đàn quốc tế này, ông Biden nhắc đến chữ “Việt Nam” bốn lần.
Sau bài diễn văn của ông Biden, mà trong đó có đề cập vấn đề an ninh trên biển cả, Trung Quốc cho bắn một hỏa tiễn liên lục địa vào biển Thái Bình Dương, theo nhật báo South China Morning Post, trích thông báo của quân đội nước này sáng Thứ Tư.
Hỏa tiễn này, không mang đầu đạn thật và không nhắm vào quốc gia nào, rớt xuống biển mà không gây ra một vấn đề gì cả, lực lượng hỏa tiễn của Trung Quốc cho biết.
Lực lượng hỏa tiễn Trung Quốc nói rằng vụ bắn thử này là thường kỳ và đã có trong thời khóa biểu.
Loại hỏa tiễn này, tên là DF-41, được đưa vào sử dụng lần đầu năm 2017, có tầm bắn từ 12,000 đến 15,000 km, nghĩa là có thể bắn đến lãnh thổ của Mỹ, theo SCMP.
Trong bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, ông Biden đặc biệt nhấn mạnh đe dọa của Trung Quốc đối với quyền lợi phương Tây và kêu gọi các bên kiềm chế để bảo đảm ổn định.
“Chúng tôi cần giữ vững nguyên tắc của chúng tôi trong lúc xoay sở một cách có trách nhiệm trong cuộc tranh đua với Trung Quốc để không xảy ra xung đột,” ông Biden nói trước các nhà lãnh đạo thế giới. “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác trong các thách thức khẩn cấp đem lại lợi ích cho người dân chúng tôi và người dân bất cứ nước nào.”
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy, ngồi bên phải ông Tô Lâm tham dự của cuộc họp có đủ bốn ủy viên Bộ Chính Trị tháp tùng ông đến Hoa Kỳ, đó là ông Nguyễn Hòa Bình (phó thủ tướng thường trực), ông Nguyễn Trọng Nghĩa (trưởng Ban Tuyên Giáo), ông Phan Văn Giang (bộ trưởng Bộ Quốc Phòng), và ông Lương Tam Quang (bộ trưởng Bộ Công An).
Ngồi bên trái ông Biden có ông Jake Sullivan (cố vấn an ninh quốc gia), ông Marc Knapper (đại sứ Mỹ tại Việt Nam), và hai giới chức Mỹ.
Nguồn tin riêng của nhật báo Người Việt cho biết, sau khi hai nhà lãnh đạo Việt-Mỹ phát biểu và chào hỏi xã giao, các phóng viên được mời ra ngoài. Sau đó, ông Biden và ông Lâm hội đàm kín trong khoảng một giờ đồng hồ.
Trước đó một hôm, ông Tô Lâm cũng gặp bên lề một số lãnh đạo quốc gia và tổ chức quốc tế như Tổng Thống Rumen Radev của Bulgaria, Tổng Thống Alexander Stubb của Phần Lan, Hoàng Thái Tử Sheikh Sabah Al Khalid Al Sabah của Kuwai, Thủ Tướng Narendra Modi của Ấn Độ, Tổng Thống Volodymir Zelensky của Ukraine, Chủ Tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, và Tổng Giám Đốc IMF Kristalina Georgieva. (Đ.D.)