BANGKOK, Thái Lan (NV) – Tòa án Thái Lan chấp thuận lời đòi hỏi của nhà cầm quyền CSVN trục xuất người Thượng tên Y Quynh Bdap về Việt Nam để bỏ tù.
Các hãng tin AFP và AP cho hay ông Y Quynh Bdap sống lưu vong ở Bangkok từ năm 2018 đến nay và đang chờ hoàn tất thủ tục xin tị nạn Cộng Sản tại một nước thứ ba. Tuy nhiên, ông bị CSVN cáo buộc là một trong những người cầm đầu bạo loạn xảy ra tại Đắk Lắk Tháng Sáu, 2023.
Ông bị tòa án CSVN xét xử khiếm diện và vu cho ông tội “khủng bố” và nếu ông bị trục xuất về Việt Nam, khó tránh khỏi bị bỏ tù với bản án ít nhất 10 năm.
Y Quynh Bdap là đồng sánh lập viên tổ chức “Người Thượng Vì Công Lý” đã bị nhà cầm quyền Thái Lan bắt giam ngày 11 Tháng Sáu, 2024, với cáo buộc “lưu trú quá hạn” trong khi CSVN vu cho ông là người giật dây từ xa cuộc bạo loạn đẫm máu.
Theo các hãng thông tấn, ông Y Quynh Bdap bác bỏ các cáo buộc của CSVN. Luật sư của ông, bà Nadthasiri Bergman cho hay họ sẽ kháng cáo 100% quyết định của tòa án Thái Lan. Phán quyết của tòa án sẽ còn phải chờ quyết định của nhà cầm quyền Thái Lan vì hai nước Việt Nam và Thái Lan không có thỏa hiệp dẫn độ.
Chuyên viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho hay ông đã được Cao Ủy Tị Nạn LHQ cấp quy chế tị nạn nên đòi hỏi chính phủ nước này không trục xuất ông. Khó tránh khỏi chuyện ông bị giam giữ, tra tấn khi bị đưa về Việt Nam.
Cuộc bạo loạn, tấn công hồi Tháng Sáu, 2023, vào trụ sở UBND hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu thuộc huyện Cư Kuin tỉnh Đắk Lắk làm chín người thiệt mạng, nhiều tài liệu và tài sản bị đốt phá. Tổ chức “Người Thượng Vì Công Lý” và tổ chức người Thượng ở Hoa Kỳ bị CSVN tuyên truyền là đứng đằng sau cuộc “khủng bố.”
Công an đã bắt giữ khoảng 100 người Thượng ở khu vực, cáo buộc họ tội danh khủng bố. Phiên tòa lưu động diễn ra ngày 20 Tháng Giêng, 2024, kết án tù chung thân 10 người Thượng, 43 người bị kết án từ sáu năm tù đến 20 năm tù, 45 người bị kết án từ 3.5 năm tù đến 11 năm tù. Hai người bị kết án từ chín tháng tù đến hai năm tù với cáo buộc “che giấu tội phạm” và “tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.”
Sau khi vụ bạo loạn xảy ra, nhà cầm quyền CSVN đã phát hành lệnh “truy nã quốc tế” đối với ông Y Quynh Bdap cùng một số người khác đã bị xử khiếm diện. Khi CSVN đưa những người bị bắn giữ ra kết án, Ủy Ban Nhân Quyền LHQ cáo buộc rằng phiên tòa diễn ra không công bằng theo các tiêu chuẩn xét xử của luật lệ quốc tế.
Chuyên gia của Ủy Nan Nhân Quyền LHQ cũng cho rằng CSVN ngang nhiên đàn áp nhân quyền “xuyên biên giới” qua các vụ bắt cóc những người bất đồng chính kiến rồi bỏ tù người ta, là những chỉ dấu mà Y Quynh Bdap sẽ không được đối xử công bằng khi về đến Việt Nam. Những vụ bắt cóc nổi tiếng dư luận quốc tế như hai vụ bắt các ông Trương Duy Nhất và Đường Văn Thái.
“Y Quynh Bdap sẽ bị nguy hiểm thật sự khi bị đưa về Việt Nam,” Bryony Lau, phó giám đốc Á Châu Vụ của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) phát biểu. “Chính phủ Thái Lan nên trả tự do ngay cho ông ta vì nếu trục xuất là Thái Lan vi phạm các cam kết luật lệ quốc tế về nhân quyền.”
Tổ chức HRW đã rất nhiều lần đả kích Thái Lan trục xuất những người tị nạn chính trị Việt Nam, Cambodia, Lào và cả người Trung Quốc về nguyên quán vì những lợi ích địa chính trị.
Theo thống kê, hiện có khoảng 30 sắc dân thiểu số khác nhau gọi chung là người Thượng sống hàng trăm năm qua tại Đắk Lắk, phần đông tại các vùng rừng núi. Sau năm 1975, CSVN đưa khoảng ba triệu người từ các khu vực khác, gồm cả những sắc tộc thiểu số miền Bắc, tới phá rừng trồng cà phê. Thống kê của nhà cầm quyền năm 2019 cho hay số người Thượng bản địa chỉ chiếm khoảng 39% trong tổng số sáu triệu dân ở đây. (NTB) [kn]