Sunday , December 1 2024

Tổng quan về chuyến công du của ông Tô Lâm đến Hoa Kỳ

 

*Chuyện Vỉa hè
*Đặng Đình Mạnh

Ông Tô Lâm đã có chuyến công du khá dài ngày đến Hoa Kỳ nhân cuộc họp thường niên khóa 79 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào hạ tuần Tháng Chín 2024 (từ ngày 21 đến ngày 26 Tháng Chín 2024).

Đây cũng được xem là chuyến đi ra mắt cộng đồng quốc tế của ông ấy trong tư cách là nhà lãnh đạo mới của Việt Nam, khi nắm giữ 2 chức vụ cao nhất trong hệ thống chính trị, gồm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản và Chủ Tịch nước.

Nhân đó, ông Tô Lâm được xem là đã tham gia khá nhiều sự kiện tại Hoa Kỳ, bao gồm:

– Đọc diễn văn tại cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc;

– Tiếp xúc với một vài nguyên thủ quốc gia và quan chức bên lề cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, như: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng thống Ukraine Zelensky, Đại diện Tòa thánh Roma;

– Đọc diễn văn về chính sách tại Diễn đàn Lãnh Đạo Thế giới tại trường Đại học Columbia;

– Tham dự sự kiện kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với Hoa Kỳ;

– Tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, gồm cả Google và Meta;

– Một thành viên khác trong đoàn là Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản có cuộc gặp với đại diện Đảng Cộng sản Hoa Kỳ;

Đánh giá tổng quát

Với lịch trình làm việc đó, dưới góc độ đánh giá của ông Tô Lâm, thì có lẽ ông ấy sẽ cho rằng đã đạt được sự kỳ vọng lớn nhất của mình, là đã thu xếp được cuộc tiếp xúc bên lề Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc với Tổng thống Hoa Kỳ, ông Joe Biden.

Vì lẽ, trước chuyến công du chỉ một ngày, ông Tô Lâm đã phải “ứng trước” món quà trao đổi là trả tự do cho 3 tù nhân chính trị bao gồm ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Hoàng Ngọc Giao và cô Hoàng Thị Minh Hồng, cho dù chưa đạt được sự thỏa thuận từ Tòa Bạch ốc. Cho đến ngày 22 Tháng Chín, thì Tòa Bạch ốc mới đồng ý cho cuộc gặp và thông tin chính thức.

Tuy cuộc gặp ngắn ngủi và chưa phải là một cuộc gặp chính thức, bao gồm: Nghi thức tiếp đón tại phi trường và làm việc tại Tòa Bạch ốc. Thế nhưng, cuộc tiếp xúc bên lề cuộc họp tại Liên Hiệp quốc cũng đủ củng cố vị thế và uy tín của ông Tô Lâm trong Đảng.

Thế nhưng, đánh giá dưới góc độ lợi ích đất nước, thì chuyến công du của ông Tô Lâm là hoàn toàn vô bổ. Không mang lại lợi ích gì thiết thực cho đất nước Việt Nam cả. Thậm chí, buổi làm việc của ông ấy trong sự kiện làm diễn giả tại trường Đại học Columbia là thảm họa về hình ảnh lãnh đạo Việt Nam trước quốc tế và giới học thuật Hoa Kỳ.

Khách quan, chỉ cuộc tiếp xúc giữa ông Tô Lâm và ông Zelensky, Tổng thống Ukraine bên lề cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc là ý nghĩa. Ít nhất, nó giúp làm giảm đi sự xấu hổ của người dân Việt Nam trước cộng đồng quốc tế khi chế độ Cộng sản Việt Nam liên tục bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết chống lại cuộc xâm lược của Nga vào lãnh thổ Ukraine, một quốc gia có chủ quyền và cuộc tiếp đón đầy tai tiếng của chế độ đối với tội phạm bị truy nã quốc tế là Tổng thống Nga, ông Putin vào Tháng Sáu 2024.

Về mối quan hệ với Hoa Kỳ

Một cách ngẫu nhiên, chuyến công du của ông Tô Lâm đến Hoa Kỳ lại trùng với dịp kỷ niệm một năm tròn, ngày Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết thỏa thuận nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Nhân dịp đó, lẽ ra chuyến công du của ông Tô Lâm đến Liên Hiệp quốc phải bao gồm luôn cả chuyến thăm và làm việc chính thức Hoa Kỳ với nghi lễ đón tiếp đầy đủ tại phi trường và Tòa Bạch ốc tại vùng thủ đô.

Thế nhưng, trong sự kiện kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện mà phái đoàn ông Tô Lâm tham dự, thì phía Hoa Kỳ chỉ có cựu Ngoại trưởng John Kerry, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan và một số quan chức cấp thấp tham dự mà thôi.

Thậm chí, ngay cả cuộc gặp Tổng thống Joe Biden bên lề cuộc họp Liên Hiệp Quốc vào ngày 25, mãi cho đến ngày 22 mới được phía Hoa Kỳ chấp thuận. Điều này đã phản ánh đúng mối quan hệ “đồng sàng dị mộng” giữa hai bên.

Vì lẽ, trong giai đoạn hiện tại, nếu Việt Nam không vô tình có vị thế địa chính trị quá quan trọng trong chiến lược bao vây Trung Cộng của Hoa Kỳ và các đồng minh phương tây, thì việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ chỉ là giấc mơ mà thôi.

Thật vậy, với tư cách là một quốc gia Cộng sản độc tài, không hề chia sẻ với Hoa Kỳ về các hệ giá trị văn minh như tự do, dân chủ và nhân quyền… thì làm sao có cơ sở cho một mối quan hệ ngoại giao tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Cho nên, việc xác lập mối quan hệ đó chỉ là động thái vuốt ve của Hoa Kỳ giữ cho Việt Nam đừng quá ngả về phía Trung Cộng mà thôi. Trong đó, hoàn toàn không có sự tin cậy giữa hai bên để mối quan hệ có thể gia tăng thực chất hơn.

Và đó cũng là lý do khiến nhiều kỳ vọng của chế độ Cộng sản vào Hoa Kỳ như đầu tư công nghệ cao, khí tài quân đội hiện đại… vẫn chỉ tồn tại ở dạng thức tiềm năng hứa hẹn mà thôi.

Về các phát biểu của ông Tô Lâm và khả năng thực hiện

Làm việc tại Hoa Kỳ, ông Tô Lâm đã có nhiều cơ hội để phát biểu trước truyền thông về những lời lẽ và cam kết tốt đẹp của ông ấy về một tương lai tốt đẹp của Việt Nam trong cộng đồng thế giới văn minh, như:

– Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc;

– Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại;

– Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc Đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng;

Chưa kể rằng, ngay trước chuyến đi, ông Tô “làm quà” truyền thông cho cộng đồng quốc tế bằng việc trả tự do một lúc cho ba tù nhân chính trị.

Dễ tạo cho cộng đồng quốc tế có cảm giác về khả năng thay đổi chính sách một cách cơ bản của ông Tô Lâm đối với Việt Nam và cũng là điều mà cộng đồng quốc tế trông đợi bấy lâu nay.

Thật ra, không ít người mắc mưu. Vì nếu quan sát chính trị Việt Nam đủ lâu, cộng đồng quốc tế có thể hiểu về hành xử dối trá của chế độ Cộng sản Việt Nam mang tính nhất quán và hệ thống.

Thậm chí, ngay khi ông Tô Lâm công du chưa về nước, thì lực lượng an ninh trong nước đã sách nhiễu Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trí thức có tiếng ở trong nước, để hạch sách về việc ông ấy tham gia vào các buổi hội luận chính trị và trả lời phỏng vấn trên các đài truyền thông nước ngoài.

Song song đó, công an trong nước vẫn tiếp tục bắt giữ thêm các tù nhân chính trị, như trường hợp một người chỉ đề nghị hỏa táng thi thể ông Hồ Chí Minh đúng như di chúc. Hoặc trường hợp khác định rải truyền đơn…

Cho nên, việc trả tự do cho 3 tù nhân chính trị chỉ là biện pháp nhất thời để chế độ Cộng sản làm món hàng trao đổi lợi ích chính trị cho cá nhân ông Tô Lâm trong chuyến công du mà thôi. Nó không phải là một sự thay đổi chính sách.
Nếu là sự thay đổi chính sách, thì chế độ Cộng sản cũng đã trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị đang bị giam giữ chứ không chỉ ba người trước chuyến công du và ngừng hẳn việc bắt giữ người bất đồng chính kiến ôn hòa trong nước.

Những vấn đề còn lại:
Vấn đề đề nghị Hoa Kỳ ngừng dán nhãn hiệu kinh tế phi thị trường

Trong cuộc gặp bên lề cuộc họp Liên Hiệp quốc giữa ông Tô Lâm và ông Joe Biden, một lần nữa, ông Tô Lâm nêu lại đề nghị Hoa Kỳ sớm tháo dỡ việc dán nhãn kinh tế phi thị trường đối với nền thị trường xuất khẩu Việt Nam. Nhưng ông Joe Biden, người chỉ còn 4 tháng nữa là chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống đã không có câu trả lời.

Thật ra, đề nghị này của ông Tô Lâm khá phi lý. Vì Việt Nam hiện tại không hề có một nền kinh tế thị trường ít nhất vì 2 lý do:

+ Về phương diện pháp lý: Hiến pháp do Đảng Cộng sản soạn thảo và thông qua đã ghi rất rõ về việc họ xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa, chứ không phải là nền Kinh tế thị trường thuần túy như của thế giới.

+ Về phương diện thực tế: Chế độ Cộng sản vẫn duy trì các tập đoàn kinh tế quốc doanh làm chủ đạo cho nền kinh tế. Đồng thời, chính quyền can thiệp rất sâu vào nền kinh tế, dùng ngân sách để chống sự phá sản của các tập đoàn kinh tế và nhiều ngân hàng mất khả năng chi trả.

Thế nên, có thể nói ông Tô Lâm đang đề nghị chính phủ Hoa Kỳ công nhận về một tình trạng mà họ không hề có!

Vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc

Với tư cách là một người lãnh đạo mới, nhiều người đã có ý chờ ông Tô Lâm công bố chủ trương giải quyết vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc nhân dịp đến Hoa Kỳ, quốc gia có người Việt Nam tị nạn cộng sản đông đảo nhất thế giới. Thế nhưng, ông Tô Lâm đã phớt lờ vấn đề đó cho dù được Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng của trường Đại học Columbia hỏi công khai tận mặt.

Trớ trêu, thay vào đó, ông Tô Lâm lại không tiếc lời ca ngợi thành tựu của chế độ Cộng sản đã thực hiện hòa giải với cựu thù Hoa Kỳ như thế nào. Thậm chí, phát triển mối quan hệ đến mức cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Đây là một sự thiếu sót khó chấp nhận.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản

Các diễn văn của ông Tô Lâm đọc trong chuyến công du đều có những lời lẽ văn hoa, tốt đẹp như một sự công nhận các giá trị văn minh mà nhiều quốc gia trên thế giới đang đeo đuổi. Tuy nhiên, trong đó, vẫn không ít lần khẳng định mạnh mẽ về điều không bao giờ thay đổi: Đó là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Việt Nam.

Nhìn lại thực trạng đất nước, có quá nhiều vấn đề nan giải tại Việt Nam hiện nay cần được giải quyết nhưng đều bế tắc, chúng chỉ có chung một nguyên nhân mà thôi, đó là vì thể chế độc tài. Thay đổi thể chế độc tài thì mọi vấn đề được giải quyết.

Việc ông Tô Lâm khẳng định duy trì sự lãnh đạo độc tài của Đảng Cộng sản đối với Việt Nam, thì thật ra, vô hình trung đã phủ nhận mọi điều hứa hẹn và cam kết tốt đẹp của ông ấy đối với cộng đồng quốc tế, trong đó, nạn nhân là chính người dân Việt Nam.

DC, ngày 15 Tháng Mười 2024
Đặng Đình Mạnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *