Cuộc khảo sát do chương trình “Nghiên Cứu Chiến Lược và Tác Động Ảnh Hưởng Trên Dư Luận Quần Chúng” (Public Opinion Strategies và Impact Research – pos.org) thực hiện, với sự tham gia của 800 phụ huynh có con em học từ lớp K-5, đã tiết lộ những quan điểm quan trọng của phụ huynh đối với việc dạy đọc bài tại Hoa Kỳ.
Trước nhất, hơn một nửa số phụ huynh thừa nhận rằng con em họ đã gặp khó khăn trong việc học đọc tại một thời điểm nào đó. Dù vậy, đa số cảm thấy trường tiểu học của con mình đặt đúng trọng tâm vào kỹ năng đọc và hài lòng với hiệu năng việc giảng dạy. Tuy nhiên, chỉ có một tỷ lệ nhỏ (6%) tin rằng việc giảng dạy đọc đang diễn ra “rất tốt.”
Điều đáng chú ý là quan điểm chung của phụ huynh về chất lượng giảng dạy đọc đã thay đổi đáng kể, khi họ được biết đến dữ liệu từ chương trình “Thẩm Định Tiến Triển Giáo Dục Toàn Quốc” (National Assessment of Educational Progress – NAEP). Trước kia, phụ huynh nói chung có cái nhìn tích cực khi xem kết quả NAEP cho thấy chỉ có 32% học sinh lớp Bốn đạt tiêu chuẩn “thành thạo” vào năm 2022. Tuy nhiên, sau khi xem số liệu thống kê, quan điểm thay đổi đáng kể, với 37% phụ huynh mô tả tình hình như là một “khủng hoảng” và 24% khác coi tình trạng đang diễn ra không được tốt đẹp.
Dù có những lo ngại trên bình diện quốc gia, đa số phụ huynh vẫn giữ quan điểm tích cực về tiến trình học đọc của con cái mình. Đa số (87%) nói rằng con em họ yêu thích đọc, và 82% tự tin vào sự phát triển kỹ năng đọc của con mình, cho thấy có thể có sự thiếu kết hợp giữa nhận thức về sự tiến triển cá nhân và kết quả giáo dục rộng lớn hơn.
Sự chênh lệch giữa quan điểm của phụ huynh về tiến trình của con em mình và mức độ thành thạo thực tế theo nhận định của các thẩm định toàn quốc cho ta thấy, một khoảng cách của nhận thức hoặc hiểu biết. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của việc giúp cho quan điểm của phụ huynh đi liền với thực tế giáo dục, bảo đảm cho họ có thông tin chính xác để đánh giá và hỗ trợ nhu cầu giáo dục của con cái mình một cách hiệu quả hơn.