HÀ BẮC, Trung Quốc (NV) – Loại kỹ nghệ đằng sau một chiếc xe hơi bay, ban đầu được phát triển và bay thử nghiệm thành công tại Âu Châu, vừa được một công ty Trung Quốc mua lại, Đài BBC đưa tin hôm Thứ Ba, 26 Tháng Ba.
Được gắn động cơ BMW và nhiên liệu bình thường, AirCar bay trong 35 phút giữa hai phi trường Slovakia vào năm 2021, sử dụng đường băng để cất cánh và hạ cánh.
Chỉ mất hơn hai phút để AirCar biến đổi từ xe hơi thành phi cơ.
Giờ đây, những chiếc xe được sản xuất dựa trên bản thiết kế của chính nó sẽ được vận hành trong một “khu vực địa lý cụ thể” ở Trung Quốc.
Công ty kỹ nghệ xe hơi bay Hebei Jianxin, đặt trụ sở tại Thương Châu, mua quyền sản xuất và sử dụng phi cơ AirCar độc quyền bên trong một khu vực chưa được tiết lộ.
Hebei Jianxin tiến hành xây cất phi trường và trường dạy bay riêng sau thương vụ mua lại một nhà sản xuất phi cơ khác của Slovakia họ thực hiện trước đó, Anton Zajac, đồng sáng lập KleinVision, công ty chế tạo AirCar cho biết.
Dẫn đầu trong cuộc cách mạng xe điện, Trung Quốc nay hăng say phát triển các giải pháp vận chuyển trên không.
Tháng trước, công ty Autoflight thử nghiệm máy bay không người lái chở hành khách giữa thành phố Thâm Quyến và Chu Hải. Hành trình bay thử kéo dài ba giờ đồng hồ nếu đi bằng xe hơi và hoàn thành trong 20 phút, mặc dù lúc đó phi cơ không chở hành khách.
Và vào năm 2023, công ty eHang của Trung Quốc được các viên chức Trung Quốc trao chứng nhận an toàn cho chiếc taxi bay chạy bằng điện của họ. Vào thời điểm đó, chính phủ Anh Quốc cho biết taxi bay có thể trở thành phương tiện chính trên không vào năm 2028.
Nhưng không giống như các loại phi cơ dân dụng hoạt động gần giống máy bay không người lái nêu trên, AirCar không thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng mà cần có đường băng.
KleinVision từ chối cho biết họ bán kỹ nghệ này với giá bao nhiêu. AirCar được Cơ Quan Vận Tải Slovakia cấp chứng nhận đủ khả năng bay vào năm 2022 và xuất hiện trong một đoạn phim do nhà sáng tạo YouTube, Mr Beast, phát hành vào đầu năm nay.
Vẫn còn những trở ngại đáng kể đối với hình thức vận chuyển này về hạ tầng cơ sở, quy định và việc công chúng có đón nhận kỹ nghệ này hay không.
Xe hơi điện từng có những lo ngại tương tự – vốn là lãnh vực mà nay Trung Quốc đang tiên phong trên thị trường.
Việc Slovakia bán kỹ nghệ phi cơ AirCar có thể đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc có sẵn sàng làm điều tương tự với xe hơi bay hay không. (TTHN)