Monday , October 14 2024

Trung Quốc tăng tuổi nghỉ hưu của dân lao động

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Bắt đầu từ 2025, trong nỗ lực giải quyết tình trạng dân số suy giảm và lực lượng lao động ngày càng già đi, Trung Quốc, một trong những nền kinh tế có lực lượng lao động trẻ nhất thế giới, sẽ tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động, theo hãng tin AP.

Ủy Ban Thường Vụ Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc, cơ quan lập pháp tại Trung Quốc, chấp thuận chính sách mới hôm Thứ Sáu, 13 Tháng Chín sau khi đưa ra thông báo đột ngột vào đầu tuần rằng họ đang xem xét biện pháp tăng tuổi nghỉ hưu, đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin.

Chính sách tăng tuổi này sẽ được thực hiện trong vòng 15 năm, trong đó tuổi nghỉ hưu của nam giới được nâng lên 63 còn phụ nữ lên 55 hoặc 58 tùy thuộc vào công việc. Hiện nay, tuổi nghỉ hưu của nam giới là 60 còn phụ nữ là 50 nếu làm lao động chân tay, và 55 đối với phụ nữ làm công việc trí óc.

Trước đây, độ tuổi nghỉ hưu được ấn định vào những năm 1950, lúc đó tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 40 tuổi, Xiujian Peng, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc đại học Victoria University tại Úc, thực hiện nghiên cứu về dân số Trung Quốc và mối liên hệ với nền kinh tế, cho biết.

Từ Tháng Giêng 2025, chính sách này sẽ bắt đầu có hiệu lực, theo thông báo từ Ủy Ban Thường Vụ. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được áp dụng dần dần dựa trên ngày sinh của người lao động.

Ví dụ, một người đàn ông sinh vào Tháng Giêng 1971 có thể nghỉ hưu khi được 61 tuổi 7 tháng vào Tháng Tám 2032, theo biểu đồ được công bố cùng với chính sách. Một người đàn ông sinh vào Tháng Năm 1971 có thể nghỉ hưu khi được 61 tuổi 8 tháng vào Tháng Giêng 2033.

Các chuyên gia cho biết áp lực nhân khẩu học khiến chính sách này được thực thi tuy quá trễ. Vào cuối năm 2023, Trung Quốc thống kê được gần 300 triệu người trên 60 tuổi. Cho tới năm 2035, con số đó dự kiến ​​sẽ là 400 triệu, lớn hơn dân số Hoa Kỳ. Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc từng dự đoán rằng quỹ hưu trí công sẽ cạn ngân sách vào năm đó.

Áp lực lên các chính sách phúc lợi như lương hưu và an sinh xã hội không chỉ là vấn đề của riêng Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng phải đối diện với vấn đề này khi các phân tích cho thấy trong thời điểm hiện tại, quỹ An Sinh Xã Hội không thể chi trả toàn bộ các chính sách phúc lợi cho người dân vào năm 2033.

Đó là chưa nói tới việc sinh nở ngày càng ít hơn, vì những người trẻ tuổi không muốn sinh con đẻ cái, vì gánh nặng tài chánh. Cơ Quan Thống Kê Quốc Gia Trung Quốc từng ghi nhận 2022 là năm đầu tiên Hoa Lục có dân số ít hơn 850,000 người vào cuối năm so với năm trước, một bước ngoặt từ tăng trưởng dân số chuyển qua suy giảm. Năm 2023, dân số tiếp tục giảm thêm 2 triệu.

Điều đó tức là gánh nặng tài trợ lương hưu cho người cao niên sẽ được chia cho một nhóm nhỏ hơn với dân lao động trẻ tuổi, vì các khoản thanh toán lương hưu phần lớn được tài trợ bằng các khoản khấu trừ từ những người còn đang đi làm.

Các nhà nghiên cứu tính toán áp lực đó bằng cách xem xét một con số gọi là tỷ lệ phụ thuộc, tính số người trên 65 tuổi so với số người lao động dưới 65 tuổi. Con số đó là 21.8% vào năm 2022, theo thống kê của chính phủ, tức là cứ một người về hưu thì có khoảng năm người lao động chia sớt gánh nặng. Dự kiến tỷ lệ này ​​sẽ tăng lên, tức là ngày càng ít người lao động san sẻ gánh nặng của một người về hưu.

Một số bình luận xuất hiện trên mạng xã hội khi chính phủ công bố bản đánh giá chính sách vào đầu tuần phần nào phản ảnh nỗi lo âu.

Nhưng trong số 13,000 bình luận trên bài viết loan báo tin tức của Tân Hoa Xã, chỉ hiện lên vài chục bình luận, cho thấy phần lớn các bình luận khác đều bị kiểm duyệt. (TTHN)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *