ĐÀI BẮC, Đài Loan (NV) – Đài Loan lên án đợt tập trận quân sự mới nhất do Trung Quốc phát động xung quanh hòn đảo tự quản, cho rằng đây là “hành động khiêu khích vô cớ,” sau khi Bắc Kinh điều động chiến hạm và chiến đấu cơ trong một chiến dịch được mô tả là “tối hậu thư” cho “các hành động ly khai của lực lượng Đài Loan đòi giành độc lập,” CNN đưa tin.
Bộ Tư Lệnh Chiến Khu Đông thuộc quân đội Trung Quốc cho biết hôm Thứ Hai, 14 Tháng Mười rằng các cuộc tập trận gồm có các hoạt động tác chiến hỗn hợp của lục quân, hải quân, không quân và lực lượng hỏa tiễn, đang được tiến hành trên Eo Biển Đài Loan – một vùng biển hẹp ngăn cách hòn đảo dân chủ với Hoa Lục – cũng như xung quanh khu vực Đài Loan.
Các cuộc tập trận quân sự do Trung Quốc phát động xung quanh Đài Loan, một nền dân chủ 23 triệu dân, ngày càng trở nên thường xuyên trong những năm gần đây và có khuynh hướng xảy ra trùng với các diễn tiến khiến Bắc Kinh lên cơn thịnh nộ.
Tháng Tám 2022, Trung Quốc phát động tập trận quân sự suốt một tuần sau khi Nancy Pelosi, Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ lúc bấy giờ, viếng thăm Đài Loan.
Vào Tháng Năm, các cuộc tập trận tương tự diễn ra sau lễ nhậm chức của Tổng Thống Đài Loan Lai Ching-te (Lại Thanh Đức), nhà lãnh đạo bị Bắc Kinh lên án là “kẻ ly khai nguy hiểm.” Cuộc tập trận mới nhất mang tên Joint Sword-2024B, ngụ ý rằng đây là cuộc tập trận tiếp theo sau đợt tập dượt cách đây năm tháng.
Trước khi khai triển cuộc tập trận, Bộ Tư Lệnh Chiến Khu Đông đăng tải một đoạn phim tuyên truyền có tiêu đề “chuẩn bị chiến đấu” trên các trương mục mạng xã hội.
Đoạn phim dài khoảng một phút cho thấy hàng loạt chiến đấu cơ, chiến hạm và chiến hạm tấn công đổ bộ trên không và trên biển, cùng các bệ phóng hỏa tiễn di động đang tề chỉnh vào vị trí. Bản văn chú thích cho biết bộ tư lệnh “luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và có thể nổ súng bất cứ lúc nào.”
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết họ kịch liệt lên án, nói rằng cuộc tập trận này là “hành động khiêu khích vô cớ” của Trung Quốc và cũng đã chuẩn bị sẵn quân lực lượng của riêng mình.
Văn phòng tổng thống Đài Loan đưa ra một tuyên bố kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt các hành động khiêu khích quân sự ảnh hưởng lên hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời ngừng đe dọa nền dân chủ và tự do của Đài Loan.”
Tổng Thống Lại triệu tập các cuộc họp an ninh quốc gia nhằm thảo luận về các phản ứng đối chọi với cuộc tập trận, tuyên bố cho biết thêm.
“Trước những mối đe dọa từ bên ngoài, tôi muốn trấn an đồng bào rằng chính phủ sẽ tiếp tục bảo vệ nền dân chủ và tự do theo hiến pháp, bảo vệ chế độ dân chủ tại Đài Loan và giữ vững an ninh quốc gia,” ông Lại cho biết trong một bài viết trên Facebook.
Hôm Chủ Nhật, Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc tiến vào vùng biển gần Kênh Bashi chiến lược nằm ở phía Nam Đài Loan, nơi ngăn cách hòn đảo với Philippines. Sau đó, Bộ Tư Lệnh Chiến Khu Đông xác nhận phi đội trên tàu Liêu Ninh đang tiến hành các cuộc tập trận ở phía Đông Đài Loan liên quan tới “các chiến thuật phối hợp giữa chiến hạm và chiến đấu cơ, kiểm soát vùng trời cùng các cuộc tấn công trên biển và trên bộ,” theo CCTV.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết hôm Thứ Hai rằng “độc lập của Đài Loan không thể đi đôi với hòa bình trên Eo Biển Đài Loan đồng thời hành động khiêu khích của các lực lượng ly khai tại Đài Loan chắc chắn sẽ lãnh nhận hậu họa.”
Các cuộc tập trận nổ ra sau khi ông Lại phát biểu trong Ngày Quốc Khánh Đài Loan hôm Thứ Năm, nói rằng hòn đảo này sẽ “không bị Trung Quốc thâu tóm” và Bắc Kinh “không có quyền đại diện cho Đài Loan.”
Phần phát biểu tiếp nối những bình luận trước đó do ông Lại đưa ra rằng Đài Loan “sẽ không khoanh tay đứng nhìn” để Trung Quốc Cộng Sản trở thành mẫu quốc và bản thân Đài Loan đã là một “quốc gia có chủ quyền và độc lập.”
Từ lâu, ông Lại phải đối diện với phản ứng điên cuồng từ Bắc Kinh vì ủng hộ chủ quyền Đài Loan và gạt phăng các tuyên bố do Đảng Cộng Sản Trung Quốc đưa ra về hòn đảo dân chủ.
Mặc dù chưa một lần nào thôn tính được Đài Loan, Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn thề “quy về một mối” với nền dân chủ tự quản bằng võ lực nếu cần thiết. Nhưng nhiều người trên hòn đảo vốn tự coi mình là dân Đài Loan và không muốn nằm dưới ách cai trị của Hoa Lục.
Các lãnh tụ thế hệ kế tiếp tại Trung Quốc từng thề rằng một ngày nào đó sẽ thống trị Đài Loan. Đặc biệt là Tập Cận Bình, lãnh tụ quyết đoán nhất Trung Quốc trong nhiều thập niên qua, ngày càng đưa ra những tuyên bố đao to búa lớn và gây hấn với hòn đảo dân chủ, gia tăng căng thẳng trên eo biển và làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự.
Giải Phóng Quân Trung Hoa cho biết họ phát động các cuộc tập trận hôm Thứ Hai “sau khi khai triển hàng loạt chiến hạm và chiến đấu cơ nhằm tiếp cận Đảo Đài Loan ở khoảng cách gần từ các hướng khác nhau.”
Lực Lượng Tuần Duyên Trung Quốc CCG cũng tham gia đợt tập trận. CCG hoạt động tại các khu vực xung quanh Đài Loan và các hòn đảo xa xăm như Matsu và Dongyin, nằm ngay ngoài khơi vùng duyên hải Đông Nam Trung Quốc.
Từ 5 giờ sáng tới 8 giờ sáng giờ địa phương hôm Thứ Hai, Bộ Quốc Phòng Đài Loan phát giác 25 chiến cơ Trung Quốc, gồm có 16 chiến cơ bay qua cả Đường Trung Tuyến, một địa điểm phân định không chính thức tại Eo Biển Đài Loan không được Bắc Kinh công nhận, nhưng cho tới những năm gần đây phần lớn Hoa Lục vẫn tôn trọng lằn ranh này.
Tổng cộng có bảy chiến hạm Trung Quốc cùng hàng loạt tàu thuyền thuộc CCG cũng bị phát giác gần Eo Biển Đài Loan, theo Bộ Quốc Phòng Đài Loan.
Hôm Thứ Hai, Lực Lượng Tuần Duyên Đài Loan ngăn chặn và bắt giữ một người Trung Quốc gần Quần Đảo Kim Môn trên một chiếc bè. Vì vụ bắt giữ trùng với các cuộc tập trận quân sự, nên họ không loại trừ rằng đây có thể là một phần trong chiến thuật tung hỏa mù do Trung Quốc vạch ra nhằm chống lại Đài Loan và họ đã tăng cường cảnh giác.
Các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc trên vùng biển Tây Thái Bình Dương được ước tính là một hoạt động trị giá hàng tỷ Mỹ kim. Năm 2023, Trung Quốc chi hơn $15 tỷ cho việc khai triển các hạm đội, phần lớn trong số đó được Đài Loan theo dõi trên Biển Đông và từ các cuộc tuần tiễu trên không của Không Quân – gần như được ghi nhận tại Eo Biển Đài Loan – theo các hồ sơ quân sự do Đài Loan công bố được CNN xem xét hồi Tháng Tám và Reuters lã hãng thông tấn đầu tiên đưa tin về hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Trong các cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh Đài Loan vào Tháng Năm, các hạm đội ghi nhận 91 hành trình trong hơn 2,200 giờ hoạt động với chi phí ước chừng $12.7 triệu. Theo dữ liệu được Đài Loan theo dõi, các phi đội Trung Quốc thực hiện 111 chiến dịch quần thảo làm Trung Quốc tiêu tốn khoảng $47.8 triệu. (TTHN)