Monday , December 4 2023

Trung Sĩ Phương Phạm, ‘khuôn mặt Việt’ của cảnh sát Westminster, sắp ‘buông súng’

Đỗ Dzũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Sau gần 25 năm làm cảnh sát Westminster, Trung Sĩ Phương Phạm, phát ngôn viên “tình nguyện” của cơ quan công lực này, sẽ chính thức “buông súng” nghỉ hưu vào ngày 1 Tháng Mười Hai.

“Trong 25 năm qua, tôi không có nhiều thời gian cho gia đình vì công việc ở sở quá nhiều. Lâu lâu được nghỉ cuối tuần mới có thời gian cho vợ con. Rồi sau đó lại tiếp tục bận rộn. Có lúc phải làm đêm, có lúc phải làm cuối tuần. Trong 25 năm, có chừng hơn nửa thời gian tôi làm việc khác ngày giờ với vợ con,” anh Phương Phạm nói lý do anh nghỉ hưu. “Bây giờ tôi muốn làm một cái gì đó thoải mái, để có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.”

Sở Cảnh Sát Westminster có khoảng 100 cảnh sát viên, nhưng bất cứ những gì liên quan, hoặc xảy ra, trong cộng đồng Việt Nam, người ta thường thấy anh Phương Phạm có mặt làm cầu nối giữa cảnh sát và cộng đồng.

Mặc dù không phải là người Việt duy nhất trong sở cảnh sát, Trung Sĩ Phương Phạm được nhiều người cho rằng anh thực sự là “khuôn mặt Việt” trong cơ quan công lực này, vì anh là người tiếp xúc với cộng đồng Việt Nam nhiều nhất.

Trung Sĩ Phương Phạm là thành viên nhóm 10 phát ngôn viên của Sở Cảnh Sát Westminster do Cảnh Sát Trưởng Darin Lenyi thành lập hồi năm 2022 để “làm việc với các cơ quan truyền thông địa phương và muốn minh bạch về những chuyện đang xảy ra trong thành phố.”

“Thực ra, công việc phát ngôn viên này là tôi tình nguyện làm thêm, giúp cộng đồng Việt Nam và cảnh sát hiểu nhau nhiều hơn,” anh Phương chia sẻ. “Tôi có may mắn là biết và nói được hai ngôn ngữ Anh-Việt. Tôi nghĩ đây cũng là cách phục vụ cộng đồng theo cách của mình, vì mỗi người có cách phục vụ khác nhau.”

Thật vậy, ngoài những thông tin liên quan đến các vấn đề an ninh trong thành phố, người ta thường thấy Trung Sĩ Phương Phạm tháp tùng các cảnh sát trưởng đi xuống cộng đồng, thăm các cơ sở truyền thông, cơ sở thương mại, cơ sở tôn giáo… mỗi khi thành phố có cảnh sát trưởng mới.

Anh còn xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông Việt Ngữ trong vùng để giải đáp thắc mắc, đưa ra thông báo, hoặc giải thích một luật lệ nào đó liên quan đến giao thông và an ninh cộng đồng, nhất là trước những ngày lễ hội, khi có nhiều du khách đến thăm vùng Little Saigon, trong đó có Westminster.

Cơ duyên vào ngành cảnh sát

Trung Sĩ Phương Phạm cho biết, cách đây 25 năm, anh không bao giờ nghĩ sẽ làm việc trong cơ quan công lực, cho tới một ngày, anh gặp một người bạn làm cảnh sát.

Trong lúc học đại học Cal Poly Pomona, ngành chính là kinh doanh quốc tế và ngành phụ là tài chính, anh gặp một bạn học học bán thời gian, nhưng làm cảnh sát Fullerton.

“Lúc đó tôi nghĩ, sau này đi làm phải làm theo đúng chỉ tiêu người ta giao, rồi phải đạt một doanh số nào đó, không thoải mái tí nào. Trong khi đó, tôi thích tiếp xúc với công chúng, thích nói chuyện với người này người kia, thích công việc có thách thức hơn nữa. Rồi tôi cũng thích thể thao, thích cái gì đó làm cho cơ thể khỏe mạnh. Thế là tôi xin vào làm cảnh sát Westminster,” anh nói.

Sau khi nộp đơn, chàng sinh viên Phương Phạm được người tuyển mộ gọi, hai tuần sau phỏng vấn, gặp Cảnh Sát Trưởng James Cook, và được nhận.

“Thế rồi họ gởi tôi đi học ở Học Viện Cảnh Sát Orange County ở Tustin. Trong lúc học cảnh sát tôi vẫn phải lái xe lên Pomona mỗi tuần một lần để hoàn tất bằng cử nhân của mình,” Trung Sĩ Phương Phạm chia sẻ. “Tôi chưa bao giờ đi lính, chưa biết gì nhiều, nhưng trong thời gian huấn luyện phải tập chạy bộ, đi duyệt binh, học luật… Nói thiệt, lúc đó rất là oải, nhưng rồi tôi cũng tốt nghiệp cảnh sát và tốt nghiệp đại học.”

Làm cảnh sát Westminster gần 25 năm vì mê thức ăn Việt ở Little Saigon

Sau khi thử việc ba tháng, “tân binh” Phương Phạm phải trải qua một năm thử thách, trước khi được Sở Cảnh Sát Westminster chính thức mướn.

Công việc đầu tiên của anh là làm cảnh sát tuần tra giao thông. Sau ba năm, anh bắt đầu cảm thấy chán, định chuyển qua Anaheim làm ca đêm, lương cao hơn, nhưng rồi anh phát hiện ra một điều.

“Tôi rất mê thức ăn Việt Nam. Làm ca tối ở Westminster chỗ nào cũng có nhà hàng Việt. Còn nếu làm ở Anaheim khi thèm đồ ăn Việt thì sao. Thế là tôi đổi ý, trụ lại Westminster,” Trung Sĩ Phương Phạm kể. “Đúng là Trời xui khiến!”

Sau đó, anh được chuyển sang công tác trong chương trình giáo dục chống ma túy “Drug Abuse Resistance Education” (DARE), dạy dỗ trẻ em tránh xa ma túy, đồng thời tạo quan hệ tốt giữa cảnh sát và giới trẻ trong thành phố.

Sau ba năm, anh Phương Phạm được điều trở lại công tác tuần tra giao thông.

Sáu tháng sau, anh được chuyển sang làm cảnh sát điều tra, phụ trách các nhóm tội phạm gốc Châu Á có tổ chức ở vùng Little Saigon, trong năm năm, đối đầu với nhiều vụ án rùng rợn, tệ nạn xã hội, và các vấn đề phức tạp về mặt chính trị… Trong thời gian này, điều tra viên Phương Phạm làm việc chung với cảnh sát liên bang (FBI) và Cơ Quan Bài Trừ Ma Túy (DEA) theo dõi các vụ rửa tiền, hoạt động mại dâm, lừa đảo tiền bạc, buôn bán ma túy…

Tuy nhiên, đây chính là thời gian anh Phương tiếp xúc với người Việt nhiều nhất và làm cho số từ vựng tiếng Việt của anh gia tăng đáng kể.

“Tôi phải tiếp xúc với nhiều người Việt Nam, tạo niềm tin với họ, thì họ mới báo cho mình biết các hoạt động bất hợp pháp. Khi họ tin mình rồi họ sẵn sàng giúp mình, chứ một mình cảnh sát làm sao tìm ra manh mối,” Trung Sĩ Phương Phạm kể. “Rồi tôi phải nghe và đọc tin tức trên các cơ quan truyền thông Việt Ngữ, phải đọc quảng cáo để biết các hoạt động mại dâm trá hình, nói chung là phải ‘nắm bắt’ tình hình cộng đồng.”

Anh cũng cho biết, để làm cho người Việt Nam giúp cảnh sát không phải dễ, cho dù anh là người Việt 100%.

Anh chia sẻ: “Người Việt chúng ta hồi mới qua Mỹ đa số không ưa và không tin cảnh sát, chưa kể là họ sợ bị trả thù, nên rất khó moi móc thông tin. Tuy nhiên, người Việt Nam khi bị bắt cũng dễ điều tra vì họ rất sợ cảnh sát. Lúc đó, kêu họ hát họ cũng hát!”

Tiếp xúc với băng đảng và cộng đồng

Trung Sĩ Phương Phạm cho biết anh luôn đối xử đúng mức với mọi người, cho dù họ là ai, nhưng đôi khi cũng phức tạp.

“Mỗi khi bắt được thành viên băng đảng, tôi đối xử với họ như con người với con người,” anh Phương kể. “Tôi không chửi bới họ. Việc người ta làm người ta chịu trách nhiệm. Việc mình làm thì mình làm với trách nhiệm của mình. Hai việc khác nhau. Ai cũng là con người, cũng có lúc lầm lỗi. Tôi không lạm dụng quyền lực của mình. Không phải cứ băng đảng là mình đối xử tệ với họ.”

Anh chia sẻ tiếp: “Sau này, có một số người ra khỏi tù, gặp tôi ngoài đường, họ vẫn chào hỏi ‘Hi, anh Phương’ đàng hoàng. Có khi họ còn nói lời cám ơn, dù tôi không biết họ cám ơn cái gì.”

Đối với cộng đồng Việt Nam, Trung Sĩ Phương Phạm cho biết lúc đầu, anh không biết nhiều người và vì thế cũng gặp rắc rối.

Trong thời gian cộng đồng có nhiều cuộc biểu tình, lớn nhỏ tùy theo lúc, chống Cộng Sản hoặc chống người từ trong nước ra, đến vùng Little Saigon.

“Có lần tôi có mặt tại một cuộc biểu tình trước một nhà hàng Việt Nam, có khách từ trong nước ra. Một số người biểu tình định hành hung khách, trong vai trò cảnh sát, tôi ngăn chặn và giải thích rằng họ không được làm như vậy. Thế là có người quay ra ‘chụp mũ’ tôi là ‘Việt Cộng con’ vì họ biết tôi là người Việt Nam khi nhìn thấy bảng tên tôi trên áo,” Trung Sĩ Phương kể. “Tôi đáp lại: ‘Xin lỗi chú, ba cháu cũng từng bị tù cải tạo Cộng Sản đó nhé. Việc này không liên quan gì đến Cộng Sản hay không Cộng Sản.’”

Anh kể tiếp: “Sau đó, tôi nghe họ nói xấu sau lưng tôi. Tôi rất buồn.”

Sau này, theo lời anh kể, khi cha vợ anh qua đời, nhiều bạn bè và người quen của ông đến viếng, lúc đó anh tranh thủ ra tiếp xúc, để làm quen với họ, dần dần nhiều người trong cộng đồng biết anh, và anh tiếp xúc với họ cũng dễ hơn.

“Bây giờ thì không còn ai gọi tôi như thế nữa. Làm việc gần 25 năm trong cộng đồng, thấy có nhiều chuyện. Nhiều nhóm người Việt Nam qua đây, suy nghĩ khác nhau. Thời kỳ có biểu tình nhiều, đôi lúc cũng bực mình, phải giải thích cho mọi người hiểu luật lệ. Dù vậy, tôi vẫn thích làm việc với cộng đồng Việt Nam mình hơn,” Trung Sĩ Phương Phạm kể tiếp.

Trong thời gian làm điều tra viên, Trung Sĩ Phương Phạm chứng kiến một cảnh tượng rùng rợn, ám ảnh anh mấy tháng trời.

Anh kể: “Hôm đó, mới sáng sớm, tôi được gọi đến một căn nhà có người tự tử. Vừa bước vào, tôi thấy một phụ nữ Việt Nam treo cổ, mặc toàn đồ trắng, trên người có đeo hai ba tấm hình của con. Tôi từng chứng kiến nhiều án mạng, nhìn thấy máu me, nhìn thấy đủ thứ, nhưng chưa có hình ảnh nào ám ảnh tôi trong nhiều tháng trời như vậy. Đôi khi, buổi sáng thức dậy, tôi cảm thấy người phụ nữ này đâu đó trong nhà mình.”

Sở Cảnh Sát Westminster cần có một “Phương Phạm” khác

Có một điều làm Trung Sĩ Phương Phạm ưu tư sau khi nghỉ hưu. Ai sẽ là người “nối kết” giữa cảnh sát và cộng đồng Việt Nam?

“Cách đây vài hôm, tôi có nói chuyện với ông cảnh sát trưởng. Ông cũng lo ngại, vì hiện nay, Westminster có gần một chục cảnh sát viên gốc Việt, nhưng họ chưa quen với cộng đồng lắm,” anh Phương chia sẻ. “Tôi có đề nghị ông nên có một cảnh sát viên làm cầu nối với cộng đồng Việt Nam vì đây là một cộng đồng quan trọng nhưng có nhiều đặc tính. Phải hiểu rõ họ thì công việc của cảnh sát mới tốt.”

Trung Sĩ Phương Phạm cho biết, sau khi nghỉ hưu, anh vẫn chưa “rời bỏ” cộng đồng Việt Nam. Anh có thể đảm nhận vai trò “liên lạc viên” bán thời gian nếu sở cảnh sát có nhu cầu. Anh cũng dự tính mở một công ty điều tra tư nhân phục vụ cộng đồng, hoặc mở một doanh nghiệp trong cộng đồng.

“Tôi chưa biết ra sao, nhưng hiện tại tôi có nhiều dự định lắm,” anh thổ lộ. “Nhân đây, qua nhật báo Người Việt, cho tôi gởi lời cám ơn tất cả đồng hương, nhất là các cơ quan truyền thông Việt Ngữ, luôn giúp đỡ tôi trong gần 25 năm làm việc trong sở cảnh sát và trong cộng đồng.”

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

báo Người Việt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *