Monday , September 9 2024

Truyền thông thiểu số khắp California tụ họp chống thù ghét

Thiện Lê/Người Việt

SACRAMENTO, California (NV) – Nhiều cơ quan truyền thông thiểu số ở California có mặt tại thủ phủ Sacramento để dự hội nghị của Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) và Truyền Thông Gốc Phi Châu California (CBM) với mục đích tiếp tục lan truyền nỗ lực chống thù ghét.

Hội nghị được tổ chức hai ngày Thứ Ba và Thứ Tư, 28 và 29 Tháng Tám, với sự tham dự của hàng chục cơ quan truyền thông thiểu số khắp tiểu bang, nhiều tổ chức cộng đồng và nhiều nhà bảo trợ, cùng một số đại diện của chính phủ California.

Hội nghị tại khách sạn Sheraton ở trung tâm Sacramento có chủ đề “Ngăn Chặn Thù Ghét, Lan Truyền Sự Yêu Thương,” và là lần thứ hai EMS cùng CBM tổ chức hội nghị, để vinh danh nhiều cơ quan truyền thông của người thiểu số trong nỗ lực chống thù ghét của California từ khi tội thù ghét gia tăng đáng kể trong đại dịch COVID-19.

Hội nghị truyền thông thiểu số có nhiều diễn đàn về những nỗ lực chống thù ghét, và còn có lễ trao giải cho những cơ quan có những bài viết hay video về những hoạt động trong cộng đồng của họ và còn có một số người vượt qua được rào cản ngôn ngữ.

Các cơ quan truyền thông thiểu số gửi đến 300 bài báo và video phóng sự cho EMS, có 40 người vào chung kết và 22 người đoạt giải nhất. Các giám khảo cho biết họ nhận được không chỉ nhiều bài dự thi nhất mà còn nhận được những bài báo hay phóng sự hay nhất mà họ từng thấy.

Khai mạc hội nghị

Lễ khai mạc được tổ chức rất thân mật với bữa trưa và đầy sự vui tươi từ cách dẫn chương trình của bà Darla Givens, cho biết bà rất hân hạnh được chào đón các cơ quan truyền thông thiểu số ở khắp California có mặt tại hội nghị.

Chương trình khai mạc có sự hiện diện của một khách mời quan trọng và là một người luôn ủng hộ truyền thông thiểu số. Vị khách mời đó là ông Tony Thurmond, bộ trưởng Giáo Dục California.

Ông Thurmond cho biết ông rất coi trọng các cơ quan truyền thông thiểu số vì họ là tiếng nói của cộng đồng, và hy vọng họ sẽ tiếp tục đưa nhiều tin tức về những nỗ lực của California trong việc ngăn chặn thù ghét.

Theo ông, giáo dục là một cách chống thù ghét vô cùng quan trọng. California có đến 1,000 học khu và có đến khoảng 10,000 trường học. Ông Thurmond nhấn mạnh sự quan trọng của công nghệ trong việc giảng dạy, và còn nhấn mạnh việc tiểu bang thiếu giáo viên đủ trình độ, nên công bố California có học bổng cho $20,000 cho những người muốn theo đuổi nghề nhà giáo.

California là một tiểu bang đa văn hóa, có đến 200 ngôn ngữ được sử dụng mỗi ngày, ông Thurmond muốn thay đổi tình trạng học sinh Mỹ đến lớp Ba mới biết đọc.

Về truyền thông thiểu số, ông Thurmond nói sẽ luôn ủng hộ những cơ quan truyền thông khắp tiểu bang.

“Tôi luôn trân trọng công việc của quý vị vì viết những câu chuyện mà nhiều người không biết đến,” ông nói.

Diễn đàn chống thù ghét

Một chương trình được rất nhiều người tham dự là diễn đàn chống thù ghét, có diễn giả là đại điện của tiểu bang cùng những người đứng đầu các tổ chức dẫn đầu những nỗ lực chống thù ghét.

Người đầu tiên phát biểu là ông Karthick Radakrishnan, giáo sư chính sách công cộng của đại UC Riverside và người sáng lập tổ chức AAPI Data. Ông cho biết những cách hiệu quả để chống thù ghét là hỗ trợ tài chánh cho truyền thông thiểu số và tạo ra những cách giúp cư dân nhận được nhiều dịch vụ quan trọng liên quan đến bảo vệ về thù ghét.

Ông còn nói nhiều thù ghét xảy ra trong đại dịch là vì cựu Tổng Thống Donald Trump từng sử dụng nhiều từ ngữ mang tính chất kỳ thị, nhưng hiện ông vui mừng vì các lập pháp gốc Á Châu đang đưa ra nhiều chính sách bảo vệ cộng đồng.

Người tiếp theo là ông Andrew Wong, đồng sáng lập viên của chiến dịch Stop The Hate và giám đốc điều hành của tổ chức Người Hoa Ủng Hộ Chính Sách Đặc Cách, cho biết thù ghét và kỳ thị là những chuyện có thật và muốn nhắc nhở Thống Đốc Gavin Newsom về những tình trạng thù ghét tại California để bảo đảm ông sẽ tiếp tục giữ lời hứa bảo vệ cư dân.

Một trong những cam kết của thống đốc là kế hoạch đầu tư chống thù ghét, bỏ ra đến $150 triệu cho các tổ chức cộng đồng và truyền thông thiểu số. Ông Wong nhấn mạnh tiểu bang phải đầu tư lâu dài mới thành công trong kế hoạch này.

Bà Khydeeja Alam, thành viên Ủy Ban Quan Hệ Á Châu Thái Bình Dương, cho biết hiện nay có 20,000 cư dân được giúp đỡ và nhấn mạnh việc hỗ trợ truyền thông thiểu số vì họ là tiếng nói của cộng đồng.

Theo bà Alam, chiến dịch Stop The Hate sẽ chấm dứt vào năm 2026, nhưng tình trạng thù ghét không bao giờ chấm dứt nên công việc của tiểu bang cùng các cơ quan truyền thông không bao giờ ngừng lại được.

Bà Eliana Kaimowitz, giám đốc Văn Phòng Công Bằng của Sở Dịch Vụ Xã Hội California, cho biết tiểu bang cùng giới truyền thông cần tìm hiểu những cách hợp tác vì chiến dịch Stop The Hate tập trung vào sự hợp tác, tạo ra một liên đoàn có nhiều người, nhiều tổ chức cộng đồng và nhiều cơ quan hợp tác với nhau.

Bà Sandy Close, tổng giám đốc EMS, cho biết chiến dịch Stop The Hate từ một hoạt động cộng đồng biến thành một phong trào, và kêu gọi tiểu bang đầu tư lâu dài cho phong trào đó.

Bà Manjusha Kulkarni, sáng lập viên của Stop AAPI Hate, cho biết tổ chức này tạo ra một hệ thống giúp người Á Châu báo cáo tội thù ghét, không chỉ để lưu trữ thông tin lại, mà còn để giúp nhiều người biết đến những gì đang xảy ra, giúp các cộng đồng biết chỗ để tìm đến nếu có chuyện xảy ra.

Diễn đàn về truyền thông thiểu số

Một chương trình đáng chú ý khác là diễn đàn truyền thông thiểu số, có nhiều đại diện của các cơ quan truyền thông thiểu số nói về những câu chuyện trong nỗ lực chống thù ghét của họ.

Chương trình này có sự điều hợp của ông Julian Đỗ, đồng giám đốc EMS, cho biết thù ghét có nhiều cách, nhiều hình dáng và khác nhau theo địa điểm, nên nói những câu chuyện do truyền thông thiểu số đưa ra vô cùng quan trọng.

Ông Manuel Ortiz Escamez, đồng sáng lập viên của tờ báo Peninsula 360 ở Redwood City, kể lại câu chuyện làm việc ở thị trấn Tulelake gần biên giới tiểu bang Oregon, nơi nhiều nhà nông là di dân bị kỳ thị mà không ai biết, nên ông phải ở đó một thời gian dài để họ cởi mở và kể lại những kỳ thị cho ông nghe.

Chương trình có sự tham dự của hai diễn giả trẻ, đầu tiên là cô Mina Fedor, chỉ mới 16 tuổi nhưng là người thành lập tổ chức AAPI Youth Rising có nhiều hoạt động giúp đỡ giới trẻ gốc Á. Cô cho biết việc thù ghét người Á Châu gia tăng làm cô muốn giúp nhiều bạn cùng lứa có tiếng nói về tình trạng đó, giúp họ có cách đối phó, và quan trọng nhất là muốn cộng đồng được đại diện trên truyền thông.

Một diễn giả trẻ khác là anh Justin Ma, học sinh lớp Mười Hai ở San Francisco, kể những câu chuyện về người Á Châu bị tấn công ở nhiều nơi và còn bị sát hại làm gia đình cùng nhiều bạn cùng lứa rất sợ hãi. Điều đó làm anh tham gia nhiều hoạt động để giúp đỡ học sinh về nhiều vấn đề liên quan đến thù ghét, nhất là tìm cách giúp họ có tiếng nói.

Trò chuyện với Bộ Trưởng Tư Pháp Rob Bonta

Một người đang giám sát những nỗ lực chống thù ghét ở California là ông Rob Bonta, bộ trưởng Tư Pháp California. Vì vậy, EMS và CBM tổ chức một buổi trò chuyện với ông, qua sự dẫn chương trình và các câu hỏi của ông Larry Lee, chủ tịch tờ báo Sacramento Observer.

Ông cho biết ai cũng có vai trò quan trọng ở California, từ người thường đến các tổ chức cộng đồng, các nhà hoạt động và chính phủ, và ông muốn tiểu bang tạo được nhiều hy vọng cho cư dân qua các nỗ lực.

Tuy vậy, từ khi đại dịch bùng phát đến nay, tình trạng thù ghét ở California vẫn xảy ra ở mức “không chấp nhận được,” với nhiều người Á Châu và gốc Phi Châu vẫn là mục tiêu của nhiều tội ác, và còn chia sẻ thù ghét người Do Thái cũng gia tăng.

Điều đó làm ông kêu gọi Bộ Tư Pháp California đưa ra nhiều biện pháp mới như khuyến khích các biện lý cuộc thành lập nhóm chống thù ghét, hướng dẫn các cơ quan công lực cách giúp đỡ nạn nhân của tội thù ghét và phát hiện những điều tiềm ẩn khi có một tội ác xảy ra vì nhiều người không để ý đến những điều đó.

Về giới truyền thông thiểu số, ông Bonta cho biết những cơ quan đó là tiếng nói của cộng đồng, là những nơi có thông tin đáng tin cậy và gầy dựng được quan hệ thân thiết với cộng đồng mà họ phục vụ trong nhiều năm. Những cơ quan truyền thông thiểu số còn hiểu biết về văn hóa của cộng đồng để đưa các tin tức chính xác về những nỗ lực của tiểu bang và nhiều thứ đang xảy ra.

Lễ trao giải truyền thông thiểu số

Chương trình cuối cùng của hội nghị là lễ trao giải truyền thông thiểu số, có đến 300 bài báo và video phóng sự được nộp để tranh giải trong nhiều mục. Các cơ quan truyền thông dự thi rất đa văn hóa, từ người Á Châu đến người Latino, người gốc Phi Châu, người Trung Đông đến người thuộc các nước Đông Âu.

Vòng chung kết có đến 40 cơ quan truyền thông vào được, và có hai cơ quan truyền thông Việt Ngữ đoạt giải.

Đầu tiên là tuần báo Saigon Nhỏ đoạt giải nhì của mục “Sự đa văn hóa của California” qua các bài báo phóng sự “Câu chuyện một thuyền nhân mở trường y, thành công trên đất Mỹ” của nhà báo Đoan Trang.

Thứ hai là đài Little Saigon TV đoạt giải nhất về truyền hình của mục “Đấu tranh giành quyền lợi ở California” qua video phóng sự “Quyền Lợi cho Người LGBTQIA+ Mỹ gốc Việt.”

Trước khi lễ trao giải kết thúc, bà Sandy Close phát biểu, cho biết cơ quan truyền thông thiểu số nào cũng là thân hữu và tạo cảm hứng cho nhau.

“Chúng ta gặp mặt tại đây, hợp tác với nhau để kể nhiều câu chuyện, và đó là tinh thần để tiếp tục thúc đẩy chiến dịch Stop The Hate,” bà nói.

Bà còn nói các cơ quan truyền thông thiểu số đều ủng hộ nhau trong thời buổi đầy khó khăn đối với nghề báo chí hiện nay.

“Chúng ta tuy có mâu thuẫn với nhau, nhưng không thể nào hợp tác thành công nếu không có được những buổi họp mặt như hội nghị lần này,” bà nói. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *