Saturday , September 7 2024

Uống cà phê khi bụng rỗng, hại cực kỳ!

SAN FRANCISCO, California (NV) – Đối với nhiều trong chúng ta, cà phê là một phần không thể thiếu trong thói quen hằng ngày và thông thường đây cũng là thức uống đầu tiên mà chúng ta uống mỗi sáng.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy rằng, uống cà phê khi bụng đói không phải là ý tưởng tốt nhất cho sức khỏe.

Dưới đây là những thông tin và các lời khuyên để giúp bạn giảm thiểu tác dụng phụ của cà phê đối với cơ thể khi bụng đói, theo trang mạng Livestrong.

1. Lượng đường trong máu có thể tăng vọt

Một nghiên cứu hồi năm 2020 được đăng trên tạp chí British Journal of Nutrition cho thấy một nguy cơ của việc uống cà phê trước khi ăn sẽ làm giảm khả năng kiểm soát lượng đường trong máu.

Khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về trao đổi chất như tiểu đường và bệnh tim. Nếu như bạn ăn sáng trước khi uống cà phê, bạn sẽ có cơ hội không bị tăng đường huyết.

2. Gây trào ngược acid

Tiến Sĩ Marvin Singh, giám đốc trung tâm y tế Precisione Clinic ở Irvine, California, cho biết, cà phê làm tăng nguy cơ ợ nóng vì nó có thể kích thích acid trong dạ dày.

Cà phê có tính acid tự nhiên với độ pH từ 4.85 đến 5.13. Theo một cuộc nghiên cứu vào Tháng Mười, 2018, đăng trên tạp chí Nature, bất cứ thức uống gì có độ pH dưới 7 đều xem là có tính acid. Và đó chính là lý do vì sao mà cà phê có thể gây trào ngược acid.

“Mặc dù các enzyme tiêu hóa và dịch dạ dày được giải phóng bất kể bạn tiêu thụ thứ gì, nhưng thực phẩm và đồ uống có tính acid đều có thể gây kích ứng dạ dày, dẫn đến việc tăng độ acid trong dạ dày,” Tiến Sĩ Marvin Singh giải thích.

Theo Hiệp Hội Tiêu Hóa Hoa Kỳ, cà phê có thể làm giãn cơ thắt thực quản dưới, khiến cơ vòng thực quản dưới không đóng hoàn toàn và điều này sẽ khiến acid dạ dày thấm vào thực quản của bạn. Khi bạn bị trào ngược acid, bạn sẽ có cảm giác như đau nhói ở ngực và cảm thấy buồn nôn.

“Trào ngược acid mãn tính do cà phê có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến việc bị viêm thực quản,” Tiến Sĩ Marvin Singh phân tích. “Viêm thực quản khi không được điều trị có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản, và sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản.”

3. Đem lại cảm giác bồn chồn

Caffeine sẽ khiến bạn cảm thấy run rẩy khá nhanh nếu bạn uống cà phê khi bụng đói. Theo Harvard H.T, cà phê được hấp thụ vào cơ thể trong vòng 45 phút và đạt đỉnh điểm từ 15 phút đến hai giờ sau đó. Tùy thuộc vào việc bạn đã ăn hay chưa mà bạn có thể cảm nhận được tác dụng nhanh hay chậm hơn, đặc biệt là nếu bạn đã ăn một bữa ăn giàu chất xơ.

Di truyền cũng đóng vai trò trong việc việc cảm thấy bồn chồn khi uống cà phê vì các biến thể có thể quyết định cách cơ thể bạn xử lý caffeine.

Nếu bạn có cơ chế trao đổi chất nhanh, uống một tách cà phê không có khả năng khiến bạn run rẩy. Nhưng đối với những người tiêu hóa caffeine chậm, bạn sẽ dễ bị bồn chồn hơn dù là có ăn lót bụng trước hay không.

Chính vì vậy, ăn một bữa ăn nhẹ giúp làm dịu cơn run rẩy của bạn cũng như bạn nên chọn một liều lượng caffeine thấp hơn.

THỜI ĐIỂM TRONG NGÀY NÊN UỐNG CÀ PHÊ

Thời điểm tốt nhất để uống cà phê là sau khi bạn ăn xong. Nếu uống cà phê trước khi ăn, bạn sẽ có nguy cơ mắc các triệu chứng nêu trên như lượng đường trong máu tăng cao, ợ chua, trào ngược acid, bồn chồn và phản tác dụng khi cà phê lại khiến bạn cảm thấy mệt mỏi.

Hơn nữa, mức cortisol của bạn đạt đỉnh vào khoảng 7 giờ sáng. Cortisol là một loại hormone giúp bạn tăng cường năng lượng, vì vậy trừ khi bạn bị thiếu ngủ, bạn sẽ cảm thấy tương đối sảng khoái vào sáng sớm.

Vậy sau khi thức dậy thì bao lâu thì nên uống cà phê? Tốt nhất là bạn nên ngừng sử dụng caffeine trong vài giờ khi cortisol đã bắt đầu suy yếu. Mặt khác, bạn nên tránh xa cà phê sau hai giờ chiều vì uống cà phê vào buổi chiều muộn hoặc buổi tối có thể cản trở giấc ngủ. (YY) [qd]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *