Văn Lan/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) – Triển lãm và thảo luận hai biến cố qua hai buổi triển lãm “Cải Cách Ruộng Đất Miền Bắc Việt Nam” và “Cuộc Di Cư Năm 1954,” do Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (VHM) phối hợp với Trung Tâm Việt Nam thuộc đại học Texas Tech University và Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ thuộc đại học University of Oregon tổ chức tại viện bảo tàng Bowers Museum, Santa Ana, trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, 17 và 18 Tháng Tám.
Hai biến cố trên làm thay đổi lịch sử Việt Nam hiện đại là dịp để công chúng, nhất là giới trẻ, được nghe và tận mắt nhìn thấy được những văn bản, tài liệu của lịch sử về cuộc “Cải Cách Ruộng Đất” tại miền Bắc, và một cuộc di cư vĩ đại từ Bắc vào Nam. Mục đích chính của hai buổi triển lãm và thảo luận là để kỷ niệm 70 năm (1954-2024) cuộc di cư.
Tại phòng triển lãm, có rất nhiều tài liệu lịch sử của miền Bắc trong thời “Cải Cách Ruộng Đất,” từ những hình ảnh ghi lại các phiên tòa đấu tố tại các làng mạc, những sách vở, ấn phẩm, báo chí tuyên truyền, kêu gọi mọi người mạnh dạn đứng lên “đấu tố,” với nhiều chứng cứ bịa đặt, hoặc vu cáo nạn nhân, dùng những phiên tòa áp đặt không có bằng chứng, hoặc đe dọa, hoặc dụ dỗ với nhiều hứa hẹn giả tạo.
Do nhiều người tin theo sự tuyên truyền dối trá, đấu tố vô tội vạ để lại hậu quả là hàng trăm ngàn nạn nhân chết thảm, trong đó có nhiều người đã giúp đỡ công sức, tiền của cho quân cách mạng, mà nạn nhân đầu tiên là bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long), người đã đóng góp rất nhiều cho cách mạng bị xử tử, tịch thu tài sản, chia cho nông dân không có ruộng cày. Trong khi đó, những người con trai của bà là sĩ quan Việt Minh bị cầm tù và bị phân biệt đối xử.
Tại phòng triển lãm, người xem cũng được thấy cây cầu Hiền Lương, một chứng tích lịch sử khi là vạch mốc chia đôi đất nước Việt Nam, bắc ngang qua sông Bến Hải tại vĩ tuyến 17, chia đôi miền Bắc theo chế độ Cộng Sản (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa,) và miền Nam theo chế độ dân chủ (Việt Nam Cộng Hòa).
Phía bên trái hình cầu Hiền Lương là những tài liệu do đóng góp của nhiều người, có lẽ là bộ sưu tập lớn nhất thế giới, với những tài liệu báo chí, sách vở, hình ảnh về “Cải Cách Ruộng Đất.”
Ngoài ra, còn có những hiện vật do đồng bào di cư từ miền Bắc năm 1954 mang theo, gồm những hiện vật như tượng ảnh, sách báo, hình ảnh, tài liệu di cư nằm bên kia vĩ tuyến.
Qua buổi triển lãm đầu tiên này, VHM muốn đưa lịch sử sống trở lại, với rất nhiều tài liệu từ trước chưa được biết đến, được các giáo sư trưng bày từ những kho tài liệu, có cả những hình ảnh của các nhà báo Hòa Lan đến chụp những hình ảnh trong các cuộc đấu tố.
Ông Châu Thụy, giám đốc VHM, phát biểu khai mạc: “Xin chào đón quý vị đến tham dự buổi hội thảo, triển lãm và chiếu phim. Đây là cơ hội rất quan trọng để cùng học hỏi và tìm hiểu chính xác về lịch sử cận đại Việt Nam. Kể từ khi VHM thành lập vào năm 2016, chúng tôi đã cố gắng không ngừng lưu giữ những hiện vật, hình ảnh và tài liệu của những người sống sót sau ngày 30 Tháng Tư, 1975. Từ đó, chúng tôi tạo dựng dần trên một bức tranh ngày càng hoàn thiện hơn cho lịch sử người Việt tị nạn hải ngoại.”
Ông Thụy tiếp: “Gần 1 triệu người từ miền Bắc, trong đó có gia đình tôi, đã phải bỏ quê cha đất tổ để di cư vào Nam, vì không chấp nhận chế độ độc tài Cộng Sản. Năm 1975, một lần nữa, người Cộng Sản miền Bắc lại vi phạm Hiệp Định Paris được ký kết năm 1973. Họ đã cưỡng chiếm toàn bộ miền Nam Việt Nam, quốc gia Việt Nam suốt 20 năm không còn. Kể từ đó, hơn 4 triệu người Việt Nam phải bỏ nước ra đi, hy sinh tất cả vì hai chữ tự do. Từ đó, người Việt Nam sống lưu lạc khắp nơi trên thế giới.”
“Những biến cố lịch sử trên đã đặt ra rất nhiều câu hỏi, cần phải được làm sáng tỏ qua những tài liệu chuyên môn đang được lưu trữ tại các trung tâm quốc tế, và hôm nay chúng ta họp mặt nơi đây, hãy cùng tìm hiểu sâu xa về hai sự kiện lịch sử này. Lịch sử luôn cần được tìm hiểu để đưa ra ánh sáng những bí ẩn, để từ đó rút ra những kinh nghiệm gìn giữ một cách trung thực hơn dành cho thế hệ con cháu của chúng ta, bây giờ và mai sau,” ông thêm.
Ông Thụy cũng nói VHM muốn đưa lịch sử trở lại với cộng đồng, và nhất là giới trẻ ở Hoa Kỳ hôm nay đến tìm hiểu cặn kẻ tại sao các em có mặt ở Hoa Kỳ, vì sau ‘Cải Cách Ruộng Đất’ là cuộc di cư năm 1954, và tiếp đến là cuộc di cư của người Việt sau năm 1975 đến khắp nơi trên thế giới vì quá khiếp sợ chế độ Cộng Sản.
Giáo Sư Vũ Tường, giảng dạy Khoa Chính Trị ở đại học University of Oregon và là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ của trường, thuyết trình về Chủ Nghĩa Cộng Sản, cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm tới lịch sử cộng đồng người Việt ở Mỹ, nhất là giới trẻ, kể cả những bạn trẻ ở Việt Nam, nếu mong muốn tìm hiểu thêm về lịch sử nước nhà. Hãy tìm cách thu thập những tài liệu lịch sử từ trong gia đình, ông bà cha mẹ, để có thể giúp chúng tôi trong tương lai.”
Đặc biệt trong buổi triển lãm và thảo luận, một phiên tòa đấu tố địa chủ Trần Bá Cường, làng Quát, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tỉnh, năm 1953, được diễn lại. Đây là câu chuyện có thật do Bá Cơ dàn dựng, cùng một số thành viên của ban Tù Ca Xuân Điềm thực hiện.
Ông Bá Cơ cho biết kịch bản này đúc kết từ lời kể của thân nhân, là những gì đã xảy ra trên 70 năm, trong đại gia đình họ Dương của ông, gồm ông nội, hai ông chú, cha ông, chú ruột và thím dâu, đã vào tù Cộng Sản và để lại thân xác trong đó. Các tội được kê ra để đấu tố thường là thông đồng với giặc Pháp, hiếp dâm, giết người, và nhiều tội khác nữa.
“Tôi lục lọi lại trong ký ức, và khi về Việt Nam, tôi có hỏi lại ba nạn nhân tử tù để họ kể lại tình tiết trong buổi đấu tố, nên tôi đã đưa vào vở kịch này. Chuyện đấu tố có thật hoàn toàn, được truyền cho nhau nghe từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong làng có ba ông quan và ông nội tôi là những người bị đấu tố. Hôm nay tôi diễn lại trong vai ông nội của mình, ông là quan Hàn Lâm Viện của triều đình Huế, ” ông Bá Cơ xúc động nói.
“Cải Cách Ruộng Đất” do ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN thi hành theo đề nghị và cố vấn của ông Joseph Stalin, tổng bí thư Liên Xô, và ông Mao Trạch Đông (chủ tịch Trung Quốc) lúc bấy giờ. Họ dựa trên chủ thuyết cộng sản của triết gia Karl Marx, dùng bạo lực đấu tranh giai cấp, nhằm tịch thu ruộng đất, cướp trắng tài sản và để củng cố quyền lực đảng CSVN, đã tiêu diệt giới tư sản, điền chủ, địa chủ, phú nông, và trung nông, các cơ sở tôn giáo, đảng phái đối lập, dẫn đến hàng trăm ngàn người bị quy chụp sai, vô số người đã bị xử tử hay tù đày, nhiều người bị chết tức tưởi trong những trại tù khổ sai.
Đến buổi chiều cùng ngày là phần thuyết trình của các diễn giả như Giáo Sư Vũ Tường; Giáo Sư Alec Holcombe, Viện Lịch Sử Đương Đại đại học Ohio University, thuyết trình về “Cải Cách Ruộng Đất;” Giáo Sư Nguyễn Văn Canh, Hoover Institute thuộc đại học Stanford University, thuyết trình về những khía cạnh của “Cải Cách Ruộng Đất;” Giáo Sư Alex Thái Võ từ Trung Tâm Việt Nam thuộc đại học Texas Tech University, thuyết trình về “Cải Cách Ruộng Đất” và tầm quan trọng của nó qua tư liệu lịch sử; và Giáo Sư Lan Cao, thuộc đại học Chapman University, điều khiển phần hỏi đáp với diễn giả và người tham dự. [đ.d.]