Lâm Hoài Thạch/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Nhiều đồng hương tham dự chương trình văn nghệ chủ đề “Cổ Thụ và Tình Ca,” do Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học thực hiện vào trưa Thứ Bảy, 24 Tháng Tám, tại Viện Việt Học, Westminster.
Chương trình có những tiếng hát và đọc thơ của Hoàng Đình Ngoạn, Trần Kim Nga, Nguyễn Minh Châu, Võ Ngọc Vân, Nguyễn Duy Ái, Trần Bích Vân, Trần Ngọc Thạnh, Trịnh Bá Tường, Trương Minh Cường, Nguyễn Văn Dũng, Võ Ý, và Vũ Ngọc Mai.
Đặc biệt sự góp mặt của nhạc sĩ Lê Văn Khoa và ca sĩ Ngọc Hà.
Điều hợp chương trình Nguyễn Kiều Diễm và Lê Mỹ Hạnh, và nhạc sĩ Michael Thanh Nguyễn (Keyboard).
Cô Nguyễn Kim Ngân, giám đốc Việt Việt Học, cho hay: “Tâm tình của cổ thụ trên 80 tuổi sẽ nhắc nhớ phần nào những ký ức đẹp liên quan các nhạc sĩ cùng thời năm xưa, trong hoàn cảnh quê hương bị chia cách. Điều này cho chúng ta thấy lấp lánh tuổi hạc và tháng ngày của hiện tại, làm sáng lên nét đẹp của văn hóa Việt. Hơn thế nữa, cổ thụ và dòng nhạc xưa sẽ tiếp tục là nhịp cầu vào quá khứ, và là viên ngọc để giúp xây dựng tâm hồn và tình yêu quê hương cho các thế hệ tiếp nối.”
Tuy là cổ thụ, nhưng họ vẫn còn vui hát, vui đời và yêu quê hương, cho dù hiện diện trên đất khách. Những tiếng hát của cổ thụ sẽ làm sáng lên nét đẹp của văn hóa Việt, nhằm vun xới cho những hạt mầm trẻ Việt tại hải ngoại có được một văn hóa màu mỡ để nảy mầm. Và nỗi niềm thương nhớ của những người rời xa đất Bắc để vào Nam sinh sống qua bài “Hận Ly Hương” của Anh Khoa và Ngọc Long mở đầu chương trình ca nhạc với tiếng hát Trịnh Bá Tường.
Năm 1952, nhạc sĩ Phạm Duy soạn ca khúc “Tình Hoài Hương.” Đây là một trong những ca khúc mà nhạc sĩ soạn về tình yêu quê hương, nhờ ông có cơ hội đi khắp ba miền đất nước trong thời bình cũng như thời chiến. Nhưng nhạc sĩ không ngờ đây là bài nói lên tâm tình hoài hương của hơn 1 triệu người di cư từ Bắc vào Nam. Rồi 1 triệu người khác, lại rời quê hương ra hải ngoại, sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, trong số đó có Trần Bích Vân.
Bích Vân tâm tình: “Mình cũng như những đồng hương ly hương đang sống tại nhiều nơi trên đất khách. Ai đã rời quê hương mà không chạnh lòng thương nhớ về quá khứ của mình, nhất là nhớ quê hương. Vì thế, trong chương trình này, tôi hát bài ‘Tình Hoài Hương.’”
Cổ thụ Trương Minh Cường, cựu bác sĩ quân y Thủy Quân Lục Chiến, sáng tác bài nhạc “Giọt Máu Cho Quê Hương,” sau khi ông chứng kiến hình ảnh đồng bào miền Nam bị quân đội Trung Quốc thảm sát dã man trong cuộc chiến tại biên giới Việt-Trung năm 1979. Và bài hát này cũng do chính tác giả trình bày với lá quốc kỳ VNCH trong tay để thương tiếc những đồng bào ruột thịt đã bị thảm sát, và tình yêu quê hương tổ quốc Việt Nam.
Cựu Không Quân VNCH Hoàng Đình Ngoạn là sinh viên sĩ quan Khóa 17 Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Lúc trong quân trường, ông cũng là một trong những tiếng hát trong ban văn nghệ của quân trường này. Giờ đây, cổ thụ Hoàng Đình Ngoạn đã 84 tuổi, nhưng tiếng hát vẫn còn trong sáng như ngày xưa ấy, qua tác phẩm “Tâm Sự Gởi Về Đâu” của Phạm Duy.
Đặc biệt, chương trình còn có những tiếng hát của những chàng trai trẻ xưa đã tòng quân giúp nước, và cũng có những tiếng hát mà ngày xưa họ là người yêu của lính, hoặc là người vợ hiền của các chiến sĩ hay những người đã từng làm việc cho chính phủ VNCH.
Cổ thụ Nguyễn Minh Châu tâm tình: “Tôi hát bài ‘Bài Tango Cho Em’ của Lam Phương, vì bài nhạc này có những lời ca rất thích hợp với sự hạnh phúc của gia đình chúng tôi. Tuy tôi đã 85 tuổi, nhưng vẫn còn khỏe, vì nhờ vui hát.”
Tiếng hát Minh Châu vẫn còn đầy đặn và trong sáng qua những ca từ, “Từ ngày có em về, nhà mình tràn ánh trăng thề/Dòng nhạc tình đang tắt lâu/Tuôn trào ngọt ngào như dòng suối/Anh yêu phút ban đầu, đẹp nghiêng nghiêng dáng em sầu/Trong mắt em buồn về mau/Em ơi có khi nào lần gặp đây cho mai sau…”
Cổ thụ Nguyễn Văn Dũng, cũng là em ruột của nhạc sĩ Văn Phụng, Tuy đã 93 tuổi, nhưng ông trau chuốt rất tuyệt vời qua dòng nhạc của người anh mình, đó là bài “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn.”
Giáo Sư Vũ Ngọc Mai tâm tình: “Mùa Thu đối với tôi có rất nhiều kỷ niệm, và có nhiều văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ đã sáng tác rất nhiều tác phẩm nói về mùa Thu. Riêng về những bài nhạc viết về Thu thì lời ca rất nhẹ nhàng và dòng nhạc rất hay, nên trong chương này tôi hát bài ‘Mùa Thu Không Trở Lại’ của Phạm Trọng Cầu.”
Chương trình văn nghệ được tiếp nối với những tác phẩm của nhạc sĩ và những tiếng hát: “Thu Quyến Rũ” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh (Bác Sĩ Nguyễn Duy Ái), “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành (Ngọc Hà), “Nhạt Nhòa” của Tuấn Khanh (Võ Ngọc Vân), “Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi” của Phạm Duy (Trần Kim Nga), độc tấu Harmonica “Liên Khúc Tình Ca” (Trần Ngọc Thạnh).
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa nói: “Chương trình hôm nay rất đặc biệt cho người cao niên và rất hay. Điểm đặc biệt cho người cao tuổi mà muốn sống lâu và khỏe, thì phần nhiều người ta đề nghị có hai thú vui mà những cao niên phải theo. Thứ nhất là hội họa và thứ hai là âm nhạc, đó là những thú vui rất hay, rất cần thiết cho cuộc sống của những người cao tuổi.”
Sau đó, ông tâm tình về hướng đi và cuộc đời của nhạc sĩ Vũ Thành.
Cựu Không Quân Võ Ý đọc hai bài thơ do chính ông sáng tác. Bài đầu tiên là “Đêm Vu Lan Chờ Xe Buýt.”
“Bước lui, bước tới, bước chờ/Bước lưu lạc đó bây giờ là đây/Đèn đường nước Mỹ đến hay/Trăng Vu Lan ngỡ bóng ngày phôi pha…”
Kế đến là bài “Cảnh Giới Nào Mẹ Cũng Vô Cùng.”
“Lưng mẹ oằn trăm linh một tuổi/Bước chập chờn nẻo cuối chiều hôm/Báo thân trái chủ bồn chồn/Vấn vương máu thịt dập dồn tình thân…” Hai bài thơ này do chính ông sáng tác.
Tiếp theo chương trình là “Tiếng Hát Nửa Vời” của Trần Trịnh (Hoàng Đình Ngoạn), “Nỗi Lòng Người Đi” của Anh Bằng (Trương Minh Cường), “Nỗi Đau Muộn Màng” của Ngô Thụy Miên (Trịnh Bá Tường). Cuối cùng là bài “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa” của Tô Vũ (Nguyễn Duy Ái).
Trong số khán giả đến dự, có bà Thanh Hương.
Bà nói: “Tôi thường đến tham dự chương trình văn nghệ tại Viện Viện Học, và hôm nay là chương trình gồm những tiếng hát của những người cao tuổi. Thật ra, mình cũng nằm trong lứa tuổi hạc, nên mình phải đến ủng hộ chương trình này.”
Bà Kiều Hạnh, hội trưởng Thể Dục Dưỡng Sinh Khí Công Hoàng Hạc, nói: “Đối với tôi, Viện Việt Học đã cho cộng đồng người Việt của mình những món ăn tinh thần trong nhiều thể loại của văn học nghệ thuật Việt Nam, mà người Việt ly hương cần phải duy trì.” [đ.d.]