Sunday , December 1 2024

Vũ Hiển, chàng dược sĩ mê hát chia sẻ về nghề

STANFORD, California (NV) – Dược Sĩ Vũ Hiển tốt nghiệp Doctor of Pharmacy tại USC vào năm 1997, rồi thi lấy giấy phép hành nghề của tiểu bang trong cùng năm. Sau đó một năm, anh bắt đầu đi hát như một ca sĩ chuyên nghiệp cho đến nay.

Tuy nhiên, hiện nay, nghề bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ… dường như đã bão hòa, và thị trường ca hát cũng cùng chung vòng xoay này. Đáng chú ý, hàng loạt các tiệm bán thuốc tây của Walgreens, CVS, Rite Aid đóng cửa trên khắp nước Mỹ đã khiến cho những ai đang và chuẩn bị học để trở thành dược sĩ lo lắng vì sợ khó xin được việc làm mai sau.

Chia sẻ về cả hai nghề đều “vận” vào mình, Dược Sĩ Vũ Hiển, hiện là dược sĩ Inpatient tại bệnh viện Stanford, thuộc đại học Stanford University nổi tiếng của California, cho biết: “Tôi mê ca hát từ nhỏ. Rồi khi học ở trường USC cũng hay tham gia ca hát cho Hội Dược Sĩ Việt Nam ở Little Saigon nhưng chỉ hát cho vui. Năm 1998, tôi được mời làm MC cho cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài Bắc Cali và năm 1999 thì vừa làm MC, vừa hát trong cuộc thi này liên tục cho đến hôm nay. Có thể nói, đó là năm tôi bắt đầu được xem là hát chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ năm 2001 cho đến năm 2014, tôi hạn chế tối đa việc đi hát vì lập gia đình, rồi có con nhỏ và phải tập trung cho sự nghiệp. Mãi đến năm 2014, khi mọi chuyện đi vào ổn định, tôi mới bắt đầu đi hát trở lại.”

*Thấy anh xuất hiện rất nhiều trên các sân khấu ca nhạc, làm sao anh có thể thu xếp được thời gian trong khi công việc của một dược sĩ rất bận?

-Thực ra thì không nhiều đâu (cười)! Tôi cũng rất kén chọn show, bởi vì tôi chỉ đi hát vì đam mê chứ không phải để kiếm sống, mặc dù tôi vẫn có tiền cát sê khá trong mỗi show hát. Tôi luôn xem người tổ chức show là ai, ban nhạc và âm thanh nữa, show đó có ý nghĩa gì chứ không phải ai mời cũng nhận lời. Với những show tôi thật sự thích, tôi phải xin đổi lịch làm việc để trình diễn trong show đó.

*Sự khác nhau giữa dược sĩ Inpatient và Outpatient khác nhau như thế nào, thưa anh?

-Sau khi tốt nghiệp, thời gian đầu tôi làm việc cho Walgreens rồi sau đó ở một vài bệnh viện nữa, và đến 2017 thì chính thức làm ở bệnh viện Stanford với vai trò là dược sĩ Inpatient. Ở các bệnh viện trước thì có nơi tôi làm Inpatient, có nơi Outpatient.

So với Outpatient thì công việc của một dược sĩ Inpatient khó hơn một chút. Trong khi dược sĩ Outpatient chỉ ở nhà thuốc để kiểm tra đơn thuốc và phân phát thuốc cho bệnh nhân thì dược sĩ Inpatient phải đi cùng bác sĩ, tiếp xúc với bệnh nhân để tư vấn cho họ tất cả mọi vấn đề liên quan đến việc uống thuốc và đôi khi phải tư vấn cho bác sĩ những loại thuốc nào phù hợp với việc điều trị cho bệnh nhân. Ví dụ cùng một căn bệnh, nhưng thuốc cung cấp cho bệnh nhân này có thể khác bệnh nhân kia, tùy vào họ có bệnh nào khác không và nếu có, đó là bệnh gì, bởi vì một số loại thuốc có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu kết hợp nếu một loại thuốc khác. Chính vì vậy mà khi đi khám bệnh, chúng ta phải khai vào hồ sơ tiền sử bệnh, có đang uống một loại thuốc nào đó không, có dị ứng thuốc nào không… Các thông tin này rất quan trọng cho quá trình điều trị và sự an toàn của bệnh nhân, vì vậy quý vị khi đi khám bệnh, tuyệt đối không được giấu bệnh và bắt buộc phải liệt kê hết các loại thuốc mình đang uống.

*Theo anh, hiện nay, dược sĩ có còn là một nghề “hot” không?

-Ngày nay khi cầm tấm bằng dược sĩ trong tay, tuy là không còn dễ dàng xin việc như trước đây nữa vì nguồn cung đang nhiều hơn nhưng đây là nghề mà nước Mỹ vẫn cần. Thuốc không thể đến tay bệnh nhân nếu không có dược sĩ. Người có bằng dược sĩ, ngoài làm việc ở các tiệm bán thuốc tây, bệnh viện, còn có thể làm việc ở các cơ quan quản lý thuốc, các công ty bào chế thuốc…

*Anh có thể chia sẻ một chút về thu nhập của dược sĩ?

-So với bác sĩ chuyên khoa thì dĩ nhiên lương của dược sĩ không cao bằng, nhưng có thể cao ngang ngửa với bác sĩ gia đình nếu làm ở những bệnh viện lớn. Nhưng nhìn chung vẫn là thu nhập cao so với mặt chung của xã hội. Tuy nhiên có sự khác biệt khác biệt đáng kể giữa dược sĩ làm ở các tiệm bán thuốc tây, các bệnh viện lớn hoặc nhỏ, Inpatient hoặc Outpatient. Ở các bệnh viện thì dược sĩ được đãi ngộ tốt hơn, lương cao hơn các tiệm bán thuốc tây.

*Vậy đâu là điều khó khăn nói chung của các dược sĩ?

-Có rất nhiều khó khăn, có thể kể đến là áp lực, trách nhiệm, sợ bị kiện khi mắc sai sót. Trong tất cả các nhà thuốc đều có rất nhiều camera để đề phòng mỗi khi có một sai sót nào đó bị phát hiện, hoặc bị kiện, các nhà điều tra sẽ xem lại các camera đó để biết sai sót nằm ở khâu nào mà quy trách nhiệm. Các dược sĩ làm việc ở bệnh viện còn có một khó khăn khác là giờ giấc làm việc luôn thay đổi, phải làm ca đêm, ngày cuối tuần, ngày lễ. (Trúc Linh) [qd]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *