Sunday , December 1 2024

Xem “Luật về Hội” để luận về “Luật Biểu Tình”

 

*Chuyện Vỉa Hè
*Đặng Đình Mạnh

Trong một động thái khá bất ngờ, vào thượng tuần tháng 9/2024, chế độ Cộng sản trong nước đột ngột ban hành Nghị định số 126/2024/ND-CP Quy định về Tổ chức, Hoạt động và Quản lý Hội.

Cho dù trước đó, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 06 Tháng Chín 2023, trong chương trình lập pháp có từ tháng 11/2021, thể theo yêu cầu của Bộ Chính Trị, đã loại bỏ Luật về Hội ra khỏi chương trình lập pháp.

Như vậy, thay vì tiếp tục trì hoãn Luật về Hội, thì chế độ Cộng Sản đã ban hành Nghị định để thay thế.
Tính từ năm 2013, khi tu chính Hiến pháp cho đến nay, thì chế độ đã trì hoãn quy định về Hội này đến 11 năm.

Nhưng thật ra, nếu tính đúng, thì phải kể từ năm 1946, khi ban hành Hiến pháp đầu tiên của nền cộng hòa đã thừa nhận lập Hội là một quyền tự do cho đến nay, thì sự trì hoãn kéo dài đến 78 năm, chứ không chỉ 11 năm!

Dĩ nhiên, không kể đến Luật Quy định Quyền lập Hội được chế độ Cộng Sản ban hành tại miền Bắc vào ngày 20 Tháng Năm 1957. Luật này không được tính, vì lẽ, trước đó và sau đó, lập Hội chỉ là một quyền danh nghĩa, nó chưa bao giờ được chế độ Cộng sản cho thực thi trong thực tế cả. Cho nên, việc ban hành Luật Quy định Quyền lập Hội 1957 này không có ý nghĩa gì cả ngoài tính chất mị dân mà thôi.

Thế nhưng, với việc ban hành Nghị định số 126/2024, trong đó, đã tham chiếu vào Luật Quy định Quyền lập Hội 1957 đã khiến nó chợt hồi sinh hiệu lực một cách ngoạn mục, ít nhất, về phương diện pháp lý.

Nêu đầy đủ, Luật Quy định Quyền lập Hội 1957 được ban hành bằng Sắc Lệnh – Luật số 102-SL/L-004 ngày 20-5-1957 Quy định Quyền lập Hội, do Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa thông qua và Chủ nước bấy giờ là ông Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ban hành.

Việc một nghị định mới tham chiếu Luật Quy định Quyền lập Hội 1957 là sự khác biệt hoàn toàn với thông lệ lập pháp và lập quy từ trước cho đến nay dưới chế độ Cộng Sản.

Dĩ nhiên, theo thông lệ, mọi sự bắt đầu với văn bản luật nền tảng là Hiến pháp nêu nguyên tắc. Sau đó, Quốc hội ban hành đạo Luật. Chính phủ ban hành Nghị định thực hiện. Bộ chuyên ngành ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết. Và điều đó cũng trở thành thứ tự về thời gian ra đời các văn bản.

Thế nhưng, vấn đề lập Hội lại khác. Nghị định 126/2024 tham chiếu vào điều 25 Hiến pháp 2013 về quyền tự do lập Hội, nhưng tham chiếu tiếp theo lại là Luật Quy định Quyền lập Hội ban hành vào năm 1957!

Nó khôi hài ở chỗ, nếu gọi Hiến pháp là ông nội, Luật là cha và Nghị định là con. Trong trường hợp này, Ông nội sinh năm 2013 (Hiến pháp 2013), con sinh năm 2024 (Nghị định 126), nhưng cha lại sinh năm 1957 vậy (Luật 1957).

Nhưng không sao, vì tuy Luật Quy định Quyền lập Hội ban hành từ năm 1957, nhưng chưa bao giờ nó bị minh thị hủy bỏ. Cho nên, mặc nhiên, nó vẫn còn nguyên hiệu lực pháp lý để làm văn bản tham chiếu cho các văn bản dưới nó, như nghị định, thông tư. Nếu cũng vận dụng pháp luật tương tự như vậy, thì thật ra, VIỆT NAM ĐÃ CÓ LUẬT BIỂU TÌNH và có thể thực hiện được ngay!

Thật vậy, Việt Nam đã có luật biểu tình từ rất sớm cùng với sự thành lập nền cộng hòa vào năm 1945. Đến nay, thì văn bản luật biểu tình ấy vẫn còn nguyên hiệu lực thi hành. Chỉ là không ai còn nhớ đến nó, hoặc tin rằng nó đã không còn hiệu lực!

Ngày 13 Tháng Chín 1945, chỉ 11 ngày sau khi ông Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, với tư cách Chủ Tịch nước, ông Hồ đã ký ban hành Sắc lệnh số 31 quy định về thể thức tổ chức các cuộc biểu tình [*].

Nội dung của Sắc lệnh rất ngắn gọn, chỉ vọn vẹn hai điều chưa tới 150 từ, nguyên văn Sắc lệnh như sau:

SẮC LỆNH CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI
SỐ 31 NGÀY 13 THÁNG 9 NĂM 1945
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa;
Nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình, để tránh những sự bất trắc có thể ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao;
Sau khi Hội đồng các Bộ trưởng đã đồng ý;

RA SẮC LỆNH :

Điều thứ nhất : Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Ủy ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này.

Điều thứ hai : Ông Bộ trưởng Nội vụ và Ủy ban nhân dân Bắc Trung Nam chịu ủy nhiệm thi hành sắc lệnh này.

——-//——-

Đến nay, Sắc lệnh 31 này vẫn chưa từng bị minh thị hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành. Đồng thời, về nội dung thì Sắc lệnh 31 hiện nay vẫn phù hợp nguyên vẹn với quy định tại điều 25 của Hiến pháp tu chính năm 2013, trong đó, tiếp tục khẳng định biểu tình là một quyền hiến định của công dân.

Như thế, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, cụ thể chiếu theo Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật (điều 81), thì theo nguyên tắc, Sắc lệnh 31 vẫn còn nguyên hiệu lực thi hành và cần được tiếp tục áp dụng trên toàn lãnh thổ.

Do vậy, về phương diện pháp lý, dù chính quyền hiện tại quên, hoặc không nhắc đến Sắc lệnh 31, hoặc tin rằng Sắc lệnh 31 đã không có hiệu lực thì điều đó vẫn không cản trở được hiệu lực pháp luật của Sắc lệnh này.

Về phương diện nội dung, sắc lệnh 31 có điểm thú vị là đã ghi rõ ràng, cụ thể về thể thức “khai trình” khi người dân cần biểu tình mà không cần có thêm văn bản dưới Sắc lệnh như Nghị định hoặc Thông tư thực hiện hoặc hướng dẫn thi hành nữa.

Thế nên, công dân có nhu cầu biểu tình để biểu đạt ý chí, quan điểm, lập trường về bất kỳ vấn đề hệ trọng nào của đất nước hay của địa phương nơi mình sinh sống, thì đều có thể áp dụng quy định “khai trình trước 24 giờ với Bộ trưởng Bộ Công an (thay thế Bộ Nội vụ) hoặc Ủy ban Nhân dân của 63 tỉnh/thành” là đủ, theo Sắc lệnh 31.

Nếu có, đây quả thật là một thử thách nan giải đối với chế độ Cộng Sản trong nước khi phải đối diện với những sự “khai trình” ấy!

DC, ngày 16 Tháng Mười 2024
Đặng Đình Mạnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *